“Trách nhiệm, chuẩn mực trong tham gia mạng xã hội thể hiện phẩm chất, đạo đức người làm báo”

(Baohatinh.vn) - Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác đã được quy định rõ tại Điều 5 của “10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam”. Kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi ngắn với nhà báo Nguyễn Xuân Hải - Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh về vấn đề này.

“Trách nhiệm, chuẩn mực trong tham gia mạng xã hội thể hiện phẩm chất, đạo đức người làm báo”

Nhà báo Nguyễn Xuân Hải - Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh

P.V: Điểm mới rõ nhất của “10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam” là nội dung của Điều 5: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Ông có thể nói thêm về điều này?

Ông Nguyễn Xuân Hải: So với các quy ước được ban hành trước đây, “10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam” tập trung nhiều điểm mới, mang hơi thở thời đại. Rõ nhất là Điều 5 của Bộ Quy định về việc “chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”.

Trước đây, nhiều thông tin chưa được kiểm chứng đã gây rối loạn đời sống xã hội. Để khắc phục hạn chế này, Quy định đạo đức người làm báo Điều 5 đã nêu rõ về “chuẩn mực” và “trách nhiệm” khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Đây là điểm mới, rất cần thiết. Nó sẽ thúc đẩy nhà báo hướng tới và bảo vệ những giá trị có tính phổ quát, nền tảng nhân văn phát sinh trên mạng xã hội.

P.V: Ở một khía cạnh khác, có thể có ý kiến băn khoăn: Liệu những nội dung quy định tại Điều 5 có gián tiếp hạn chế quyền tự do ngôn luận của người làm báo, hội viên?

Ông Nguyễn Xuân Hải: Khi đưa “10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam” vào học tập và thảo luận rộng rãi trong hội viên Hội Nhà báo nói riêng và người làm báo nói chung, các cấp hội nhà báo đã cho anh chị em xem xét nó dưới nhiều khía cạnh. Kể cả khía cạnh có hay không việc quy định hướng ứng xử của nhà báo trên mạng xã hội có thể đã gián tiếp hạn chế quyền tự do ngôn luận.

Tuy nhiên, bằng tất cả trách nhiệm và xác tín nghề nghiệp của mình, các hội viên, nhà báo đều thống nhất: Quy định này hoàn toàn không hạn chế quyền tự do ngôn luận của nhà báo mà chỉ khuyến khích các nhà báo tham gia mạng xã hội một cách trách nhiệm, chuẩn mực với tư cách và phẩm chất của một người làm báo.

Khi trên “cái chợ” mạng xã hội đang có quá nhiều những thông tin trái chiều, thông tin thiếu kiểm chứng, thông tin phản văn hóa… thì một người làm báo nghiêm túc, tôn trọng phẩm chất nghề nghiệp cần phải phát ngôn trung thực, khách quan, nhân văn và có tính chính kiến cao để góp phần định hướng thông tin, bảo vệ cái đúng, đấu tranh đả phá những thông tin sai lệch, bôi nhọ vì người đọc không chỉ quan tâm đến bạn với tư cách một tài khoản mạng xã hội mà còn với tư cách của một người làm báo, một người có khả năng kiểm chứng và định hướng thông tin bằng chính sự nhạy cảm nghề nghiệp của mình!

Chính vì thế mà nhà báo phải luôn tỉnh táo và phải biết quan tâm đến cái lợi, cái hại của mỗi thông tin trước khi quyết định truyền đi trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

“Trách nhiệm, chuẩn mực trong tham gia mạng xã hội thể hiện phẩm chất, đạo đức người làm báo”

Phóng viên Báo Hà Tĩnh tác nghiệp tại Lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh.

P.V: Hội Nhà báo Hà Tĩnh chúng ta sẽ tiếp tục có những động thái như thế nào trong câu chuyện “chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội…” để các hội viên - nhà báo đi đúng trên con đường mà sứ mệnh nghề nghiệp đã trao cho họ: Tôn trọng sự thật, định hướng dư luận và vun đắp niềm tin cho công chúng?

Ông Nguyễn Xuân Hải: Điều quan trọng nhất và nhiệm vụ thường xuyên nhất sẽ luôn được hội chú trọng là bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và nâng cao kỹ năng chuyên môn để các hội viên - nhà báo đủ phẩm chất và bản lĩnh nghề nghiệp quan tâm đến cái lợi, cái hại của mỗi thông tin trước khi quyết định truyền đi trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.

“Trách nhiệm, chuẩn mực trong tham gia mạng xã hội thể hiện phẩm chất, đạo đức người làm báo”

Phóng viên các báo trung ương, địa phương tác nghiệp trong chuyến tham quan NTM tại Nghi Xuân

Thường trực Hội Nhà báo Hà Tĩnh thống nhất việc xem xét thái độ chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội của các hội viên là một trong những tiêu chí quan trọng bên cạnh các tiêu chí khác để xem xét, đánh giá đạo đức, tư cách hội viên.

Với các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị và cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, chúng tôi cho rằng, cần và phải hướng về phía chủ động làm tốt mảng truyền thông nhà nước nhằm giúp người làm báo có nguồn thông tin chính thống, kịp thời, khách quan để tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác một cách trách nhiệm, chuẩn mực và hiệu quả!

P.V: Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast