Trần gian có lắm thứ nghề (Bài 3): Những người nói hộ tử thi

(Baohatinh.vn) - “Người chết không còn nói được. Nhiều người đang đợi mình nói hộ với gia đình, với pháp luật họ đã chết như thế nào. Có nhiều cái chết oan ức lắm, chúng tôi phải giúp họ nói lên sự thật, đòi lại công lý, có như thế họ mới thanh thản được”.

>>Bài 2: Ăn cơm trần gian, làm việc “âm phủ”

>> Bài 1: Nối dài sự sống cho bệnh nhân HIV

Đó là những lời tâm huyết của cán bộ giám định pháp y thuộc Đội Pháp y sinh vật - Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Tĩnh. Chúng tôi may mắn có được cơ hội gặp gỡ và nói chuyện khi các anh có chút thời gian nghỉ ngơi. Những tâm sự, bộc bạch của các anh giúp chúng tôi hiểu được phần nào sự tâm huyết, tình yêu đối với nghề, những khó khăn trong nghề và cuộc sống thường nhật khi các anh chọn cái “nghiệp” mà ít ai dám làm. Cái nghề mà các anh vẫn thường gọi là “nói hộ cho người đã chết”.

Trần gian có lắm thứ nghề (Bài 3): Những người nói hộ tử thi ảnh 1

Bác sỹ pháp y Trịnh Bá Chín (thứ 2 từ phải sang) cùng đội pháp y đang làm xét nghiệm. Ảnh tư liệu

Anh Trịnh Bá Chín (SN 1981), quê ở tận Bắc Giang đã có chục năm làm nghề giám định pháp y. Anh kể, nghề này đến với anh như một cái duyên. Anh vốn theo học chuyên ngành bác sỹ đa khoa Đại học Y Thái Nguyên, nhưng ngay từ nhỏ cho đến khi trở thành một sinh viên, anh luôn ấp ủ ước mơ được khoác trên mình bộ quân phục công an nhân dân. Khi vừa ra trường cũng là lúc ngành Công an Hà Tĩnh có đợt tuyển dụng bác sỹ, anh thấy đây là cơ hội để hoàn thành ước mơ dù trước đó chưa từng nghĩ sẽ trở thành một giám định viên pháp y.

Anh Chín hay cười, nụ cười hiền khô, cách nói chuyện điềm đạm, chúng tôi có cảm giác anh đang tâm sự với những người bạn hơn là đang trả lời câu hỏi của phóng viên. Hơn 10 năm làm nghề, thứ khiến anh ám ảnh nhiều nhất không phải là những xác chết thối rữa, bốc mùi, trương phình… mà là nỗi oan khuất của người chết, là cách giết người man rợ, không tính người của tội đồ. Mỗi xác chết bí hiểm đối với anh là một câu hỏi cần lời giải đáp. Anh sợ không tìm ra được nguyên nhân thực sự của cái chết, không đòi lại được công bằng cho những nạn nhân xấu số. Bởi thế, mỗi lần khám nghiệm là một áp lực nhưng cũng khiến anh quyết tâm, cố gắng hết sức mình. Anh Chín tự hào: “Hơn 10 năm khám nghiệm tử thi, tôi chưa một lần để xảy ra sai sót”.

Anh vẫn nhớ như in trường hợp oan khuất của một người phụ nữ xấu số ở xã T.T (Thạch Hà). Người phụ nữ này chết trong nhà tắm, trên người chị nồng nặc mùi thuốc trừ sâu và còn vung vãi khắp sàn. Người nhà ai cũng nghĩ chị tự tử nên nhanh chóng tiến hành chôn cất. 10 ngày sau, khi đã bình tâm trở lại, bố mẹ chị mới nghĩ rằng, con mình không có lý do gì để phải tìm đến cái chết. Ông bà quyết định làm đơn đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Thời gian chôn cất quá lâu, thi thể đã phân hủy mạnh, tử khí bốc lên nồng nặc nhưng anh Chín vẫn kiên nhẫn mổ xẻ, quan sát từng chi tiết nhỏ trên thi thể.

Sau quá trình khám nghiệm, anh phát hiện nhiều dấu vết của việc ngạt thở dẫn đến tử vong. Từ đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã tìm ra sự thật, chị bị chính người chồng của mình bóp cổ. Thuốc trừ sâu chỉ là màn kịch do người chồng dựng lên nhằm tạo hiện trường giả, hòng qua mặt pháp luật.

Lần khiến anh ám ảnh nhất là khi khám nghiệm cho hàng loạt nạn nhân xấu số trong vụ lật xe khách ở Nghi Xuân 4 năm về trước. “Cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn nổi da gà. Trước khi trục vớt chiếc xe, tôi đã thấy người thân của các nạn nhân đau đớn, mỏi mòn chờ đợi trên bờ. Thấy cảnh ấy, ai mà không đau xót cho được” - anh Chín kể lại.

Các thi thể ngâm dưới nước quá lâu, khi vớt lên thì trương phình, ngay cả những người gần gũi nhất cũng không thể nhận ra. Đến nỗi 2 bé trai, một bé 3 tuổi, một bé chỉ chừng 12 tháng tuổi người nhà cũng không thể phân biệt được. Tất cả mọi ánh mắt đều hướng về anh Chín, chỉ có các biện pháp nghiệp vụ của anh mới xác định được danh tính mỗi nạn nhân. Hôm đó, anh làm việc liên tục từ sáng đến chiều không một phút nghỉ ngơi. Mọi công việc được tiến hành khẩn trương nhưng phải đảm bảo chính xác tuyệt đối. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó, anh Chín được Bộ Công an tặng thưởng danh hiệu thanh niên tiêu biểu.

Anh Nguyễn Trí Hoàn (SN 1975) - Đội phó Đội Pháp y sinh vật cũng đến với nghề giám định pháp y một cách tình cờ. Ban đầu, anh Hoàn đi nghĩa vụ công an. Đến năm 1996, anh được cử đi học ngành Y và trở về làm giám định viên pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự.

Anh Hoàn tâm sự: “Có lẽ trời phú cho anh em chúng tôi một tinh thần thép để bám trụ lâu dài với nghề. Chưa lần nào tôi cảm thấy nao núng hay chùn bước trước nhiệm vụ”. Cũng là một chiến sỹ công an, mỗi khi có nhiệm vụ thì không kể trời mưa hay nắng, ban ngày hay nửa đêm, ngày thường hay lễ tết, các anh đều phải lên đường. Đối với địa bàn Hà Tĩnh, khí hậu tương đối khắc nghiệt nên giám định viên pháp y gặp nhiều khó khăn hơn, trong khi các tử thi đều phải mổ xẻ ngay tại hiện trường.

Luôn phải đối mặt với nguy hiểm, công việc nặng nề và cực kỳ khó khăn, nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu hết được trách nhiệm và ý nghĩa công việc của giám định viên pháp y. Những con người đáng được coi là anh hùng lại gặp những ánh mắt dò xét, thậm chí có người né tránh vì sợ gặp đen đủi. “Những điều như thế đôi khi cũng khiến chúng tôi buồn lòng, cũng vì thế mà chính tôi cũng giữ khoảng cách với những người xung quanh” - anh Hoàn chia sẻ.

Bằng tình yêu nghề nghiệp, anh Chín, anh Hoàn vẫn khẳng định rằng, dù khó khăn đến đâu, các anh vẫn sẽ gắn bó với nghề. “Mọi người chia sẻ những khó khăn với công việc đặc thù này và có những cái nhìn thiện cảm hơn cũng là động lực giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ” - các anh trải lòng.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast