Trần gian có lắm thứ nghề (Bài cuối): Bóng người ở nghĩa trang…

(Baohatinh.vn) - Không gian tĩnh mịch ở Nghĩa trang liệt sĩ Nầm (Hương Sơn) từng vòng xoáy trôn ốc làm chúng tôi ớn lạnh. Nhưng, ở đó vẫn thấp thoáng bóng người với mái tóc hoa râm, chân tập tễnh lê từng bước, từng bước một để đến phần mộ các anh. Hơn 20 năm lặng lẽ chăm sóc mộ phần của các liệt sỹ, bác Trần Đình Sở (61 tuổi, Sơn Châu - Hương Sơn) vẫn cần mẫn, như một lời tri ân...

>> Bài 3: Những người nói hộ tử thi

>> Bài 2: Ăn cơm trần gian, làm việc “âm phủ”

>> Bài 1: Nối dài sự sống cho bệnh nhân HIV

Từng là công nhân của Lâm trường Cao su Hương Khê nhưng sau khi bị tai nạn lao động, bác Sở xin nghỉ việc mất sức. Cũng từ đó, duyên nợ cuộc đời đã gắn kết bác với các liệt sĩ yên nghỉ ở Nghĩa trang Nầm khi được là người duy nhất chăm sóc, khói hương cho hơn 1.200 mộ phần ở đây. Mang trong mình thương tật vĩnh viễn, nhưng kể từ năm 1993 đến nay, bác Sở gắn bó với Nghĩa trang Nầm, làm cho không gian nơi đây vơi bớt phần quạnh quẽ…

Trần gian có lắm thứ nghề (Bài cuối): Bóng người ở nghĩa trang… ảnh 1

Mỗi ngày không biết bao nhiêu lần, bác Sở lên xuống 182 bậc cầu thang dốc đứng ở Nghĩa trang Nầm để chăm sóc các phần mộ liệt sỹ.

Công việc của người quản trang tưởng chừng rất đơn giản, chỉ là chăm sóc, lo nhang khói cho các ngôi mộ, thế nhưng, có tiếp xúc, trò chuyện mới hiểu nỗi nhọc nhằn của nghề “canh giấc ngủ ngàn thu”. Bác Sở tâm sự: Những ngày đầu mới đến đây, phải đi tuần một mình vào ban đêm, đối diện với hàng trăm ngôi mộ, sợ lắm chứ, nhiều lúc muốn bỏ công việc nhưng có một điều gì đó cứ níu kéo. Lâu dần cũng quen và bác luôn tâm niệm rằng: “Các liệt sỹ sống mãi trong lòng người đang sống, trong lòng quê hương, đất nước. Hơn ai hết, phải luôn thấy các anh vẫn sống bên mình…”.

Ròng rã hơn 20 năm, cuộc sống của bác Sở dường như chỉ xoay quanh những ngôi. Dần dần, bác thuộc tên và vị trí từng ngôi, thuộc cả quê quán lẫn ngày hy sinh của các liệt sĩ. Mỗi ngày, bác cặm cụi một mình ở nghĩa trang rộng gần 5 ha này. Bác cho biết: để quét sạch lá cây rơi vãi trong khuôn viên nghĩa trang phải mất hơn một buổi; làm cỏ, chăm sóc cây và lau bụi trên các ngôi mộ cũng mất ngần ấy thời gian. Quanh đi quẩn lại, ngày này qua tháng khác, bác Sở vẫn làm việc cần mẫn bên cạnh mộ phần các anh.

182 bậc cầu thang dốc đứng đưa chúng tôi đến bàn thờ chính đầy trang nghiêm, tứ phía là những mộ phần được sắp xếp ngay ngắn, hướng về phía ban thờ. Cùng leo cầu thang, những thanh niên trẻ như chúng tôi chỉ chực hụt hơi, thở dốc nhưng đôi chân tập tễnh của bác Sở vẫn như không hề biết mỏi. Bác Sở trải lòng: “Trước đây, nghĩa trang không có hàng cây xanh mướt hai bên như ri mô, sau khi nhận giống cây, bác đã tận tay trồng và chăm sóc từng cây một, xách từng xô nước bước qua 182 bậc cầu thang để tưới. Nghĩ lại chắc các anh phù hộ cho mình sức khỏe các cháu à!”.

Trần gian có lắm thứ nghề (Bài cuối): Bóng người ở nghĩa trang… ảnh 2

Cặm cụi bên những ngôi mộ chưa rõ tên tuổi, bác Sở luôn đau đáu một điều: "Mong sao những ngôi mộ này có tên để được thân nhân hương khói đầy đủ”.

Trong không gian hoang hoải, rợn ngợp chỉ một người dương và hơn một nghìn người âm, nhưng ở đó vẫn có những câu chuyện về nhân tình thế thái, về cuộc sống chộn rộn ngoài kia. Bác kể, quanh quẩn suốt bên các anh, nhiều khi buồn quá lại trò chuyện với những ngôi mộ như trò chuyện với người còn sống. Chỉ thấy giữa khung cảnh tịch mịch, thâm nghiêm, tít tắp mộ bia, thăm thẳm đất trời, âm dương như giao hòa mà lời trò chuyện như đồng cảm, sẻ chia…

Ở nghĩa trang lâu năm, bác may mắn chứng kiến những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng đội giữa những người lính ở hai thế giới âm, dương. Có những cựu chiến binh tóc bạc trắng, da đầy nốt đồi mồi vẫn dầm mình dưới mưa để thắp hương cho bằng hết những đồng đội, mới chịu về. Họ vừa thắp hương, vừa khóc, nước mắt hòa vào nước mưa chảy xuống những ngôi mộ đá. Những nén hương run run trong tay những người lính già chưa kịp cháy đã tắt ngay trong mưa, nhưng tình đồng đội thì sưởi ấm cả khuôn viên nghĩa trang.

Từng chứng kiến những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt nhiều người mẹ đi tìm con, anh chị đi tìm em, vợ đi tìm chồng, bác Sở bùi ngùi: “Đã quen rồi, không khóc, nhưng trong lòng đắng nghẹn”. Đôi mắt xa xăm nhìn về phía những ngôi mộ chưa có tên, bác Sở tâm sự: “Mong sao những phần mộ này được gắn tên để người nhà dễ tìm”.

Những tia nắng yếu ớt cuối mùa dần nhường chỗ để màn đêm buông xuống. Từng đợt gió mơn man cuốn theo làn hương như mời gọi chúng tôi nán lại thêm nữa… Đã bước qua tuổi xế chiều, tấm thân gầy còm bắt đầu rệu rã, nhưng lòng thiện nguyện của người quản trang vẫn không hề lụy tắt. “Hơn 20 năm gắn bó, nếu giờ vì lý do sức khỏe mà phải xa các anh, chắc cũng phải mất nhiều thời gian để bác tập làm quen các cháu à” - bác Sở nuối tiếc…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast