Trên bến K15 huyền thoại

Cùng với những con đường huyền thoại trên thế giới, đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Quân đội nhân dân Việt Nam đã trở thành một huyền thoại của ý chí đấu tranh kiên cường, mưu trí, anh dũng, sáng tạo. Trên con đường đó, bến K15 - Bến tàu Không số (nằm ở đầu bán đảo Đồ Sơn), nơi xuất phát của những con tàu không số chở hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cũng đã trở thành một huyền thoại và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước đấu tranh cách mạng cho các thế hệ trẻ…

Bầu trời mây xám cùng những đợt mưa bay lất phất trên bến Đồ Sơn trong những ngày tháng 10 biển động dường như đã không ngăn được niềm háo hức khi được đến thăm Bến Nghiêng (K15) của đoàn đại biểu tham gia cuộc hành trình “Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển”. Giữa không khí nhuốm màu hoài niệm ấy, trong tiếng nhạc trầm hùng “Hồn tử sỹ” dường như lòng ai cũng như chùng lại, mỗi bước chân tiến về phía tượng đài bến K15 như cũng trở nên chậm nhẹ hơn.

Đoàn đại biểu dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đoàn tàu không số trên bến K15

Đoàn đại biểu dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đoàn tàu không số trên bến K15

Đoàn chúng tôi có nhiều cựu binh đoàn tàu không số năm xưa, phút chốc, tôi lại thấy nỗi xúc động sâu xa ầng ực lên trong những đôi mắt già nua còn nguyên vẻ rắn rỏi, cương nghị của các bác. Các cựu thủy thủ có mặt trên chuyến đi này không phải là thế hệ đầu tiên của Đoàn tàu không số năm xưa nhưng họ chính là những người đã góp sức mình tạo nên con đường huyền thoại.

Đứng trên chân đồi Nghinh Phong, phóng tầm mắt nhìn ra bao la biển khơi nơi tuổi 20 của đồng đội mình đã hóa thành sóng nước, bác Hoàng Gia Hữu - Cựu chiến binh tàu 41 hiện đang sống ở Hải Phòng rưng rưng nói: “Là người may mắn được sống sót trở về sau chiến tranh ác liệt, được sống những tháng ngày thanh bình, lòng tôi lúc nào cũng nặng nỗi nhớ thương những đồng đội đã ngã xuống vì sự an toàn của Đoàn tàu không số, vì độc lập của Tổ quốc. Hầu như tháng nào tôi cũng ra bến K15 thắp hương tưởng nhớ các anh, kể cho các anh nghe chuyện thời nay. Tôi cũng rất mừng vì lần nào ra bến cũng gặp rất nhiều bạn trẻ từ mọi miền đất nước đến đây để tìm hiểu về Đoàn tàu không số, để tri ân công lao những người đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc”.

các CCB đoàn tàu không số thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại bến K15 huyền thoại

các CCB đoàn tàu không số thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại bến K15 huyền thoại

Trong miên man hồi ức của các cựu binh, những trái hồng tươi trẻ của chúng tôi lại thêm một lần được đập những nhịp rưng rưng tự hào về quá khứ oai hùng của thế hệ cha ông. Hoàn cảnh thành lập con đường đặc biệt này cùng những tháng ngày chiến đấu oanh liệt mà hào hùng của cán bộ, chiến sỹ đoàn tàu không số đã trở về nguyên vẹn trong ký ức của những người lính.

Ngày 23-10-1961, theo chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy TW, Bộ tổng tư lệnh Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân với tên gọi “Đoàn tàu không số” để vận chuyển vũ khí vào chiến trường bằng đường biển. Và km số không tại cảng Đồ Sơn mang mật danh K15 chính là nơi TW Đảng họp cho ra đời Nghị quyết 15. Trên cơ sở đó, ngày 11-10-1962, chiếc tàu vỏ gỗ không số đầu tiên mang mật danh “Phương Đông 1” do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy cùng 11 thủy thủ đã rời bến K15 mang theo 30 tấn vũ khí đi vào Nam.

Ngày 19 – 10, tàu đã cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn mở đường cho những chuyến vận chuyển vũ khí tiếp tế cho chiến trường miền Nam về sau. Tiếp đó,trong suốt 14 năm từ bến K15 Đồ Sơn huyền thoại, Đoàn tàu không số đã khuất phục những thiết bị tối tân của giặc Mỹ bằng tinh thần yêu nước sâu sắc và những mưu kế tài trí để vượt qua 65.721 hải lý vận chuyển thành công 18.741 cán bộ, chiến sỹ, 44 nghìn tấn vũ khí, trang bị, hàng hóa… chi viện cho chiến trường miền Nam, trực tiếp góp phần đẩy mạnh chiến tranh nhân dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ và Nam Trung bộ, góp sức làm lên những chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta ở Ấp Bắc, Bình Giã, Đồng Xoài, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là...và làm thất bại về căn bản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy trên chiến trường miền Nam.

Mô hình tàu không số thân gỗ 2 đáy được sử dụng vận chuyển vũ khí tiếp viện cho miền Nam trưng bày tại bảo tàng Hải quân Việt Nam

Mô hình tàu không số thân gỗ 2 đáy được sử dụng vận chuyển vũ khí tiếp viện cho miền Nam trưng bày tại bảo tàng Hải quân Việt Nam

Nhớ lại những năm tháng đấu tranh ác liệt, gian khổ của mình và biết bao đồng đội, cựu binh tàu 42 Nguyễn Văn Tân cho biết: “Thực sự những chiếc tàu của đoàn 759 ấy vẫn có số nhưng để ngụy trang, tất cả đều phải luôn luôn đổi số hiệu khi qua các vùng khác nhau và cải hoán thành tàu đánh cá, xen kẽ, trà trộn và tàu đánh cá của ngư dân địa phương. Cũng chính vì thế mà có những chuyến đi, sau khi bị địch bám đuổi và cắt hết mọi mối liên lạc với đất liền, tàu đã bị chính du kích mình bắn nhưng khi thấy chúng tôi không bắn trả thì họ nhận ra và tìm mọi cách giúp đỡ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”.

Tôi nghe trong giọng nói của người cựu binh già những đợt sóng biển khơi, khi dữ dội, khi lắng sâu đến nao lòng. Phải chăng, từ những đêm ngày bám biển ấy, tâm hồn họ cũng đã nhuốm sậm tinh thần biển khơi, để hôm nay khi trở lại con đường năm xưa đã chiến đấu, ký ức lại dội về như những đợt triều lên… Bất giác, tôi cảm thấy bâng khuâng nhớ buổi trưa thanh bình trên đất mũi năm nào, nhớ cảm giác thiêng liêng khi đứng trên điểm chót cuối của đất nước. Để gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc, bao nhiêu người đã phải dâng hiến cuộc đời, dâng hiến tuổi thanh xuân của mình, trong đó hành động của những người khai thông đường biển nối liền 2 miền Nam – Bắc mang một ý nghĩa thật đặc biệt.

Thả hoa tưởng niệm linh hồn các liệt sỹ đoàn tàu không số

Thả hoa tưởng niệm linh hồn các liệt sỹ đoàn tàu không số

Từ bến K15 huyền thoại, có những người lính ra đi và mãi mãi hòa mình vào đại dương mênh mông. Trong đó có những trường hợp hy sinh anh dũng, quyết tử để đảm bảo bí mật cho con đường ấy như thuyền trưởng Phan Vinh đã trở thành tấm gương sáng cho bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ Đoàn tàu không số noi theo. Để đến hôm nay, đứng trên bến K15 huyền thoại nhiều cựu chiến binh không giấu được nỗi niềm thương nhớ rưng rưng.

Chúng tôi – những thanh niên thời đại đã cùng với các cựu chiến binh run run thả xuống mặt nước bạc trắng những cành hồng thắm đỏ, nhờ con nước mang đến bên linh hồn các anh hùng liệt sỹ tình cảm chân thành cũng như sự tri ân sâu sắc của người được sống đời thanh bình. Khi thả hoa có rất nhiều người đã khóc. Và tôi tin đó là những giọt nước mắt hạnh phúc. Hạnh phúc bởi mình được sinh ra và lớn lên trên một đất nước anh hùng với những người con anh hùng đã viết nên những huyền thoại bất hủ.

Giờ đây, bến K15 với những thanh sắt của cầu tàu dài 30m trên biển năm xưa vẫn còn đó, chứng tích cho lịch sử con đường huyền thoại. Ngay trên bến có một biểu tượng hình cánh buồm hướng ra biển khơi ghi lại những chiến công, những thành tích vẻ vang của Đoàn 125 Hải quân - đơn vị hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân với biệt hiệu “Đoàn tàu không số”. Gửi lại nơi đây những nén tâm nhang cùng những cành hồng thắm đỏ, chúng tôi cùng nhau bắt đầu cuộc hành trình của mình trên chính con đường năm xưa ông cha đã đi trong muôn trùng giông tố, hiểm nguy bằng nỗi háo hức, đợi chờ được khám phá những trầm tích của con đường huyền thoại giữa đại dương xanh thẳm…

Ghi chép

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast