Trong niềm vui hạnh ngộ

Trong hành trình “Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển” của các cựu chiến binh và gần 150 đại biểu thanh niên trên toàn quốc, ngoài các hoạt động giao lưu, tri ân tại các bến cảng lịch sử còn có một phần vô cùng xúc động - những cuộc gặp gỡ của các cựu chiến binh tham gia hành trình với đồng đội cũ cũng như bà con ở những bến cảng nơi họ từng gắn bó… Những cánh tay vững chãi năm xưa chèo chống những chuyến hàng vượt biển giờ run run ôm lấy nhau trong nỗi xúc động nghẹn ngào…

Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển:

Trên bến K15 huyền thoại

Đoàn tàu không số (còn gọi ‘’Lữ đoàn vận tải 125 Hải quân’’) là đoàn tàu vận tải quân sự đường biển thuộc Đoàn 759 Hải quân Việt Nam, làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược và cán bộ vượt đường biển nhằm chi viện cho lực lượng vũ trang ở miền Nam. Nhiệm vụ của các thủy thủ trên con đường này hết sức cao cả và nguy hiểm nên trước mỗi chuyến đi họ đều được truy điệu sống, coi như đã hi sinh. Tuy mỗi người một quê hương, mỗi người một tuổi nhưng khi nhận nhiệm vụ thì như anh em một nhà, sống chết có nhau, sẵn sàng che chở cho nhau, hy sinh vì nhau, cảm tử vì Tổ quốc. Chính họ, với lòng yêu nước nồng nàn đã làm cho những địa danh trên dặm dài đất nước mang trên mình những kỳ tích anh hùng. Và trong số đó đã có rất nhiều người trở thành anh hùng khi chọn cho mình cái chết bi tráng và đẹp đẽ nhất.

Niềm vui ngày gặp lại

Niềm vui ngày gặp lại

Từ một trong những cuộc gặp gỡ đó, chúng tôi đã nghe được câu chuyện cảm động về đồng chí Phan Vinh – một thuyền trưởng thế hệ thứ nhất của đoàn tàu không số. Ngày 29-2-1968, tàu 235 sau khi cắt đuôi được sự bám sát của địch đã đi vào Hòn Hèo (Nha Trang) nhưng tại đây, các thủy thủ đã không bắt được tín hiệu với quân giải phóng nên phải thả hàng xuống biển như kế hoạch. Tuy nhiên, ngay sau khi thả hàng, tàu lại bị địch bao vây. Trước tình hình đó, thuyền trưởng Phan Vinh hạ lệnh chiến đấu với địch. Sau 1 tiếng đồng hồ quần nhau giữa biển thì tàu 235 bị hỏng máy, không còn con đường nào khác thuyền trưởng phải hạ lệnh “điểm hỏa tàu’ (hủy tàu bằng cách nổ các khối bộc phá đã cài sẵn trên tàu). Sau khi điểm hỏa, thuyền trưởng và các thuyền viên còn lại bơi vào bờ và chia làm 2 hướng tìm căn cứ nhưng hướng của đồng chí Phan Vinh đã gặp địch, các đồng chí đã bắn trả quyết liệt nhưng do yếu thế đã bị địch bắn nát thịt da.

Sự hy sinh của thuyền trưởng Phan Vinh và các đồng đội là bài học sâu sắc cho các thế hệ thủy thủ tàu không số về sau. “Hiện nay, tại Hòn Hèo vẫn còn nguyên dấu tích chiếc ca bin của tàu 235 bị văng lên hộc đá, mỗi lần chạm tới vùng ký ức này, lòng tôi lại khôn nguôi nhớ thương những đồng đội đã cảm tử trên chuyến hàng đó”, một cựu chiến binh ngậm ngùi.

Được biết, thuyền trưởng Phan Vinh là một trong 8 đồng chí của lữ đoàn 125 được phong danh hiệu anh hùng LLVTND.

Các CCB rưng rưng nước mắt thắp hương tưởng niệm đồng đội tại di tích bến Gianh
Các CCB rưng rưng nước mắt thắp hương tưởng niệm đồng đội tại di tích bến Gianh

50 năm kể từ ngày con đường được hình thành trên mênh mông biển cả, sau bao tháng ngày giả dạng làm ngư dân đánh cá trên những chuyến đi từ Bắc vào Nam, lần trở lại này, 10 cựu chiến binh mới được đàng hoàng khoác lên mình bộ quân phục Hải quân mà đi giữa biển lớn trong tâm thế ung dung. Gặp lại hình ảnh mình mặc thường phục trong 1 bức ảnh tư liệu về các thủy thủ tàu 42 trước chuyến đi vào Nam năm 1969, bác Nguyễn Văn Tân không ngăn được nỗi xúc động, rưng rưng lần tìm gọi tên những đồng đội còn mất sau chiến tranh: “Hồi ấy tàu phải giả dạng là Công ty đánh cá Hải Dương và tất cả chúng tôi đều phải mặc thường phục, chuyến đi này chúng tôi đã cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) thành công và khi trở lại miền Bắc thì đúng dịp chịu tang Bác Hồ”.

Rất nhiều người nữa cũng giống bác Tân đều không ngăn nổi cảm xúc nghèn nghẹn khi gặp lại đồng đội, đồng chí đã hy sinh qua những bức ảnh tư liệu quý giá. Tất cả những CCB tham gia chuyến hành trình này đều mang trong trái tim mình nỗi xúc động sâu sắc khi được trở lại trên tuyến đường máu lửa năm xưa, trở lại những địa danh từng gắn bó với quãng đời thanh xuân của mình.

Năm xưa, các bác đã đi trong lửa đạn, bão giông, nay đi trong tâm thế của người chiến thắng giữa bình yên nước trời, lòng lại trĩu nặng nỗi thương nhớ khôn nguôi những đồng đội đã hóa thân thành sóng nước đại dương. Không ít lần tôi đã chứng kiến cảnh các bác trầm ngâm bên lan can tàu nhìn ra xa giữa biển cả mênh mông. Đó là nơi ghi dấu những năm tháng thanh xuân đẹp đẽ nhất của chính các bác cũng là nơi mà các đồng đội đã bỏ mình cảm tử cho đất mẹ anh hùng.

Phút trầm ngâm trước biển
Phút trầm ngâm trước biển

Tôi cảm nhận được trong phút trầm ngâm ấy có nỗi đau thương, có niềm hoài niệm, có cả những tấc lòng đau đáu khôn nguôi vì nỗi mất mát quá lớn của dân tộc. Phút chốc tôi bỗng nhớ tới lời căn dặn của một CCB rằng: “Thế hệ trẻ hôm nay nên nhìn lại quá khứ đau thương của dân tộc mà phấn đấu công hiến sức mình xây dựng đất nước và hãy cố gắng giữ gìn sự bình yên, tránh những xung đột vũ trang để đất nước ta không phải mang trên mình những vết thương chiến tranh, Tổ quốc không mất đi những người con ưu tú”. Đi giữa bình yên biển cả, bác Nguyễn Đắc Thớ - nguyên là máy trưởng tàu 641 không nén được nỗi xúc động: “Thời ấy, muốn vận chuyển thành công các chuyến hàng, chúng tôi phải chọn những ngày biển động mới có nhiều cơ hội tránh được tàu địch.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể thành công như mong muốn. Suốt từ năm 1964 đến 1972, đoàn tàu không số chỉ vận chuyển thành công 12 trên tổng số 71 chuyến. Mặc dù vậy, đoàn tàu vẫn kiên trì công việc của mình bởi vì chừng ấy chuyến thành công thôi thì khối lượng hàng hóa, vũ khí tiếp viện cho miền Nam bằng con đường này vẫn nhiều gấp bội so với đường 559. Và trong những chuyến đi ấy, nhiều đồng đội của tôi đã phải hy sinh, cảm tử cho Tổ quốc”. Sau ngày địa điểm Vũng Rô bị lộ, đoàn tàu không số mở thêm 1 nhánh nữa mà vòng qua đảo Hải Nam ra hải phận quốc tế để đánh lừa địch. Tuy quãng đường dài hơn nhưng thời gian hoàn thành nhanh hơn và an toàn hơn rất nhiều. Những chuyến hàng đó đã vào thẳng Bến Tre và Cà Mau, góp phần thắng lợi cho chiến dịch mùa xuân năm 1975.

Bác Lưu Công Hào – CCB ở Hải Phòng cho biết: “Giữa đại dương mênh mông biết đâu là bờ bến, chúng tôi cứ đi với tinh thần quả cảm và tấm lòng yêu nước nồng nàn. Có những thời điểm chúng tôi đi trong sự bao vây, bám đuổi của địch và giông gió biển khơi, vậy mà chuyến hàng vẫn cập cảng an toàn. Chính chúng tôi cũng không hiểu vì sao mình lại có thể vượt qua những điều đó lại chỉ là bằng những con tàu lạc hậu và vũ khí chẳng tối tân. Chúng tôi đã làm được những việc tưởng chừng không thể làm nổi, vậy nên nói đây là con đường huyền thoại cũng chẳng có gì sai”.

CCB Nguyễn Văn Với giới thiệu với tác giả về bức ảnh tư liệu có ông và đồng đội mặc thường phục chuẩn bị xuất hành
CCB Nguyễn Văn Với giới thiệu với tác giả về bức ảnh tư liệu có ông và đồng đội mặc thường phục chuẩn bị xuất hành

Trên con đường Hồ Chí Minh trên biển còn có những bến cảng lịch sử. Đó là nơi ghi dấu những gian khổ khó khăn của người lính biển, là nơi lưu lại những tình cảm gắn bó của bộ đội miền Bắc và quân, dân miền Nam. Những bến cảng Sông Gianh, Sa Kỳ, Vũng Rô, Thạnh Phong, Vàm Lũng… giờ đây nằm yên bình bên làng mạc, xóm thôn, ngày đêm đưa đón những đoàn thuyền đi về giữa đại dương. Cảnh sắc yên ả và bình dị là thế mà trong chiến tranh ác liệt thì đó lại chính là gạch nối kỳ diệu giữa hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến lớn miền Nam. Những địa danh này đã đi vào lịch sử như một huyền thoại của lòng quả cảm, chí kiên trung cũng là nơi ghi dấu những mất mát đau thương của dân tộc...

Giờ đây, thế hệ trẻ chúng tôi lại có dịp đến các vùng đất này từ con đường huyền thoại năm xưa. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua muôn nỗi vất vả nhưng tôi biết nó chẳng đáng gì so với những gì các thủy thủ ngày xưa đã phải chịu đựng. Tại những điểm dừng chân trong chuyến hành trình, đoàn chúng tôi cũng được gặp gỡ những CCB đoàn tàu không số ở địa phương. Đồng đội gặp nhau sau mấy mươi năm trời chia biệt, miệng cười mà mắt ai cũng ầng ậc, những bàn tay nắm lấy bàn tay và cùng ngậm ngùi nhớ tới những đồng đội đã cảm tử nhằm đảm bảo bí mật cho con đường vận chuyển vũ khí, nhân lực chi viện cho miền Nam ruột thịt.

Những ký ức năm nào lại trở về cuồn cuộn như sóng ngày biển động. Bác Nguyễn Ngọc Khuyến (CCB ở Quảng Bình) nguyên là thuyền trưởng tàu 154 bùi ngùi: “Sau hơn 30 năm tôi mới được gặp lại anh em, thấy ai cũng còn mạnh khỏe tôi vui lắm nhưng đồng thời cũng thương nhớ những anh em đã hóa thân thành sóng nước cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc”. Qua cuộc trò chuyện với các bác CCB ở những vùng chiến tranh ác liệt, chúng tôi càng thấm thía hơn sự hy sinh cao cả của các chiến sỹ ngày ấy. Có những người từ giã vợ con, gia đình ra đi, dù thường xuyên qua lại vùng biển quê hương nhưng chẳng bao giờ được thăm nhà. Chỉ đến khi chấm dứt chiến tranh mới được trở lại. Thế nên có những người vợ phải đằng đẵng chờ chồng 15 đến 20 năm mới được làm vợ, làm mẹ.

Có một niềm vui nữa dành cho các CCB trong chuyến đi này là sự hạnh ngộ với những cán bộ, dân quân nơi tiếp nhận hàng. CCB Nguyễn Văn Với cho biết: “Có những lần thuyền chúng tôi bơ vơ giữa biển vì bị địch chặn hết các tín hiệu trong bờ, đành mò mẫm. Cũng may là trong những lần như thế, chúng tôi đều được dân quân du kích và nhân dân bản địa giúp đỡ nhiệt tình để hoàn thành nhiệm vụ”. Giờ đây, tham gia chuyến hành trình này, được gặp lại những ân nhân năm cũ tại Quảng Ngãi, Bến Tre, Cà Mau…các CCB đều không nói nên lời, chỉ biết lặng im, xiết chặt nhau vào lòng như thể họ đang hòa mình vào ngày hội trùng phùng non sông.

Chiến tranh đã đi qua với biết bao mất mát, đau thương nhưng đồng thời cũng tạo nên nhiều huyền thoại giữa đời thường. Biển cả mênh mông và vô định nhưng những người lính đã cùng nhau vẽ nên một con đường giữa đại dương xanh thẳm ấy sẽ luôn ghi nhớ một thời báo táp, sóng gió và lửa đạn của cuộc những chuyến vượt biển bảo vệ Tổ quốc thân yêu

Ghi chép

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast