Tư Chu - "vị tướng" biệt động Sài Gòn huyền thoại

Ra đi ở tuổi 86, cả cuộc đời ông hầu như gắn bó với mảnh đất Sài Gòn. Từ nhân vật Tư chung trong bộ phim nổi tiếng “Biệt động Sài Gòn” cho đến khi vĩnh biệt cõi đời này, trong tâm khảm những người đồng đội sinh tử một thời, ông mãi mãi là một vị tướng biệt động Sài Gòn, mặc dù cấp bậc của ông là Đại tá.

Muốn không nghèo khổ phải đi làm cách mạng!

Tư Chu - "vị tướng" biệt động Sài Gòn huyền thoại ảnh 1
Đại tá Nguyễn Đức Hùng (tức Tư Chu) phó Tư lệnh, tham mưu trưởng Quân khu, kiêm chỉ huy lực lượng Biệt động Sài Gòn Gia Định. Ảnh: TL

Tôi nhớ không nhầm thì lần đầu chúng tôi gặp nhau là vào mùa hè năm 2003. Tỉnh ta tổ chức gặp mặt đồng hương Hà Tĩnh tại thành phố Hồ Chí Minh ngay trong hội trường lớn Dinh Thống Nhất. Hồi đó anh Tư Chu mới khoảng 76 – 77 tuổi, trông rất phong độ. Sau buổi họp chung, anh và chị Tư Nhỏ vợ anh, mời chúng tôi về nhà chơi. Căn nhà số 696, phường Nguyễn Thái Điền, quận 2 Thành phố Hồ Chí Minh, nơi anh chị sống trông giản dị nhưng gọn gàng, ấm cúng. Vẻ mặt đôn hậu, nụ cười trông hiền khô làm tôi cứ suy nghĩ hoài: Không hiểu sao ngoài đời, vào trận anh “oánh” ác thế?.

Anh kể: “Tôi sinh ra ở làng Hậu Lộc, Can Lộc. Tên hồi nhỏ là Chớ, nhưng tên khai sinh là Nguyễn Đức Hội. Cả làng tôi nghèo lắm, mới 8 tuổi bố mẹ tôi đã phải dắt tôi lần hồi xin ăn vào tuốt tận Nha Trang, rồi gửi tôi lại nhờ người chú ruột nuôi dạy. Thương tôi con nhỏ, sớm phải xa nhà, chú tôi tuy là dân thợ may nghèo vẫn cho tôi ăn học. Năm 1941 không may chú qua đời, tôi phải tự bươn chải lập nghiệp, lập thân. Được bạn bè rủ rê, vả lại thấy cuộc sống mọi người quanh mình đều khổ, lại bị bọn Tây luôn ăn hiếp, tôi vào thẳng Sài Gòn quyết tâm làm cách mạng. Từ đó tôi đổi tên là Nguyễn Đức Hùng. Đồng đội thấy tôi là con thứ tư nên cứ gọi Tư Chu cho dễ hoạt động.

Trận đầu phải thắng!

Đó là quyết tâm của tôi và những đồng đội được cấp trên tin tưởng đưa vào lực lượng biệt động Sài Gòn. Một ngày cuối năm, năm 1946. Sau khi dự khóa học chính trị - quân sự ở một lớp quân chính, tôi được chỉ huy giao 2 quả lựu đạn tự tạo với mệnh lệnh: “Đánh phủ đầu, uy hiếp bọn cảnh sát ngụy cho chúng bớt thói hung hăng!”. Tôi thủ lựu đạn trong túi áo, lang thang thăm dò các nơi đóng quân của địch. Cuối cùng tôi chọn mục tiêu là đồn cảnh sát nguy ở Thị Nghè và nhà làng Thạch Mỹ Tây. Lợi dụng tối thứ bảy, đông người qua lại, tôi liệng liên tiếp 2 quả lựu đạn vào bốt, rồi trà trộn vào mọi người chạy trốn .Bị bọn ngụy đuổi riết, tôi chạy đại vào một ngôi nhà dân. Bà chủ nhà biết ý, dúi tôi vào buồng cô con gái đang ngủ rồi kéo chăn đắp lại. Thế là tôi thoát. Còn bọn cảnh sát thì được một phen hoảng loạn, co lại một thời gian dài không dám nghênh ngang, nạt nộ dân chúng nữa.

Càng về sau, ta càng mạnh lên. Vũ khí tinh nhuệ, cách đánh nhiều sáng tạo hơn trước. F100 biệt động Sài Gòn được thành lập năm 1965 gồm 13 đội với 3 cách đánh khá độc đáo là nổ chậm, cường tập và pháo kích. Được hỏi, trong cuộc đời làm biệt động thành, trận đánh nào ông có ấn tượng sâu nhất. Ông Tư Chu cười đáp: Nhiều lắm, khó nhớ hết. Song trận đánh vào cư xá Brink là “ngon ăn” và chóng vánh nhất. Sau nhiều ngày điều nghiên, chuẩn bị rất chu đáo, dự kiến hết mọi tình huống, đội biệt động do ông chỉ huy quyết định đánh Brink. Đúng 17 giờ 40 phút ngày 21 tháng 12 năm 1964, hai chiến sỹ Bảy B (Nguyễn Thanh Xuân) trong vai lái xe, Tư Vịnh (vai sỹ quan Ngụy) ngồi trên chiếc NASH bóng loáng đỗ xịch trước cổng cư xá. Viên “Thiếu tá” hất hàm hách dịch hỏi lính gác: “Đại tá William Johnson hẹn tôi ở đây, ông đã đến chưa?”

- Dạ chưa, Thiếu tá!

Tỏ vẻ sốt ruột và bực dọc, “Thiếu tá” vẫy tài xế Bảy B.

- Để xe lại đây chờ chở Đại tá về nghe mày!

“Thiếu tá” xuống xe, rời khách sạn. Còn Bảy B đánh xe vào sân giả bộ lau chùi để kiểm tra kíp nổ đặt hẹn giờ, Một lúc sau tên lái xe để xe lại và xin phép viên cảnh sát gác cổng, ra ngoài tranh thủ ăn cơm.

Đúng 17 giờ 55 phút, một tiếng nổ long trời phát ra từ chiếc xe. Kèm theo đó là một cột khói đen kịt bốc cao đến 500m. Cả cư xá tan hoang, ngập ngụa xác chết, bị thương. Ngày hôm sau, hàng loạt báo Sài Gòn dật tít lớn, tường thuật trận đánh xuất quỷ nhập thần của quân Việt cộng. Phía Mỹ xác nhận có đến 100 sỹ quan bị chết và bị thương. Đích thân tướng Oet-mo-len phải ra lệnh di tản người Mỹ ra khỏi các khu vực nguy hiểm và trấn an tinh thần binh lính Mỹ.

Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) và nhà báo Mỹ Don Luce gặp nhau tại TPHCM. Ảnh do nhân vật cung cấp

Năm 1968 với cương vị phó Tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Gia Định kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động, ông Tư Chu được lệnh chuẩn bị tấn công 7 mục tiêu quan trọng như Dinh Tổng Thống, Bộ tổng tham mưu Ngụy, Đài phát thanh Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, Đại sứ quán Mỹ... Dưới quyền ông lúc này là một tổ chức mạng lưới lớn hơn 300 người, trong đó có khoảng 100 tay súng tinh nhuệ, quả cảm.

Sau khi chuẩn bị kế hoạch rất chu đáo, lại được anh Sáu Dân (tức Bí thư Võ Văn Kiệt) trực tiếp họp bàn, quyết định cách đánh, Tư Chu ngồi tại một quán phở ngay trung tâm thành phố Sài Gòn, chỉ huy các mũi chiến đấu. Một tình huống bất ngờ xảy đến. Biệt động thành đột nhiên mất liên lạc với các lực lượng hợp đồng tác chiến. Giao thừa Mậu Thân 1968 đang đến gần. Giờ G nổ súng đã được quyết định không thể thay đổi. Tư Chu lệnh các mũi, khi nào Đài Giải phóng truyền xong câu cuối cùng của bài thơ Chúc mừng xuân 68 của Bác Hồ: “Tiến lên toàn thắng ắt về ta!” là đồng loạt tấn công.

“Biệt động thành có bao nhiêu, đánh bấy nhiêu!”. Mệnh lệnh ngắn gọn, đầy quyết tâm, cảm tử của vị tư lệnh Tư Chu đã trở thành sấm sét, bão dông ập vào các sào huyệt của kẻ thù.Tết Mậu Thân 1968 Biệt động Sài Gòn đã làm rung chuyển cả nước Mỹ và thế giới.

Đã 6 năm nay căn bệnh ung thư vòm họng quái ác hành hạ ông. Chị Tư Nhỏ, người đồng đội, người vợ hiền chung thủy không rời ông mấy chốc. Ông dặn vợ: Bản thân tôi chẳng có gì phải ân hận, băn khoăn (Đảng và nhà nước đã trao tặng ông Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Quân công hạng nhất, Huy hiệu 65 tuổi Đảng, và ngày 03/01/2012 phong tặng ông danh hiệu vẻ vang Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân). Song nhiều đồng chí, đồng đội còn chưa được xác định danh tính, công lao. Bà phải gắng sống để giúp anh em được hưởng chính sách hỗ trợ khỏi thiệt thòi, khó khăn.

Tấm lòng người cựu chỉ huy biệt động Sài Gòn, người con Hà Tĩnh là vậy đó!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast