Từ con dấu giả, đến nhà báo …rởm

Vài năm nay, trên địa bàn Hà Tĩnh xuất hiện một số người tự xưng là nhà báo hoặc cộng tác viên của báo này báo nọ. Trong danh sách đăng ký của các VPĐD hoặc PVTT tại Sở TT&TT thì không có tên những người này, nhưng hễ có một cuộc gặp mặt, khai trương, động thổ công trình…của một DN, đơn vị nào đó thì lập tức có mặt khá đầy đủ những vị này. Vì lý do tế nhị, mọi người rỉ tai hỏi nhau thì chẳng ai biết họ làm việc ở báo nào. Song chính họ là “nỗi lo vô hình” của nhiều đơn vị, địa phương mà các ngành chức năng ở Hà Tĩnh chưa tìm ra cách giải quyết hữu hiệu. Và gần đây nhất, “một nhà báo” loại này vừa thực hiện một vụ tống tiền UBND xã Sơn Lĩnh - Hương Sơn - Hà Tĩnh.

Nhà báo rởm đi tống tiền

Giấy giới thiệu đóng con dấu vuông tự khắc của ông Lý - "bùa hộ mệnh" để các nhà báo rởm ra oai
Giấy giới thiệu đóng con dấu vuông tự khắc của ông Lý - "bùa hộ mệnh" để các nhà báo rởm ra oai

Chiều ngày 15/9/2011, công an huyện Hương Sơn tiếp và làm việc với 2 cán bộ của xã Sơn Lĩnh về việc có một đối tượng tên là Phan Văn Quý, tự xưng là nhà báo, “ra giá”: Nếu đưa anh ta 7 triệu đồng thì sẽ bỏ quá hành vi sai phạm của địa phương. Số là, cuối năm 2010, xã Sơn Lĩnh có một đối tượng chính sách bị chết. Do sơ suất của cán bộ phụ trách chưa báo cáo để phòng LĐ-TBXH huyện cắt, nên tiền chế độ của người này vẫn được chuyển về quỹ xã. Đến giữa năm nay, sự việc được kế toán phát hiện ra, xã đã họp kiểm điểm và cho mang số tiền trên về nộp cho phòng LĐ-TBXH huyện.

Tưởng sự việc chỉ đến thế. Song gần đây, có một người tự xưng là nhà báo Phan Văn Quý của tờ Pháp luật & Xã hội cùng một vài đối tượng khác đã nhiều lần đến UBND xã Sơn Lĩnh “làm việc” hoặc gọi điện thoại đe dọa. Ông Nguyễn Hữu Đoài, Chủ tịch UBND xã Sơn Lĩnh trao đổi : “ Bọn họ gọi điện liên tục. Ngoài Quý ra còn có 2 người xưng là PV ở báo Dân Trí và PV làm ở báo gì đó. Hôm qua, họ đến làm việc, tôi có gửi phong bì nên họ vui vẻ ra về. Thế mà sáng nay lại thấy gọi điện đến dọa đưa ra ánh sáng(!)”.

Sự việc không dừng lại ở đó. Sáng ngày 14/9, ông Quý điện cho ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND xã, yêu cầu ông và kế toán ngày mai mang 5 triệu đồng xuống thị trấn Phố Châu đưa cho ông ta. Nhưng đến tối, Quý lại điện yêu cầu ông Anh đưa thêm 2 triệu đồng nữa, nói “là để cho sếp”. Thấy không bình thường, ông Anh và kế toán ghi âm lại toàn bộ cuộc đàm thoại nói trên và sau đó nộp cho cơ quan điều tra.

Để làm rõ, ngay chiều hôm sau, chúng tôi đã liên hệ được với nhà báo Nguyễn Xuân Khánh, Thư ký Tòa soạn báo PL&XH. Ông Khánh khẳng định, báo PL&XH không có PV nào tên là Phan Văn Quý ở Hương Sơn - Hà Tĩnh. Nếu phát hiện ra sự mạo danh này, đề nghị công an và các đồng nghiệp làm rõ sự thật. Cơ quan điều tra công an huyện Hương Sơn cho biết, Phan Văn Quý trú tại xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, nguyên là giáo viên dạy hợp đồng tại Trung tâm GDTX Hương Sơn. Đã gần 1 năm nay, anh ta bỏ dạy chuyển sang hành nghề…báo. Đi đâu Quý cũng tự xưng là nhà báo công tác tại báo PL&XH. Theo dư luận của địa phương, Quý và các “đồng nghiệp” thuộc loại này khá nhạy về những thông tin mặt trái xẩy ra ở các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp.

Giấy mời khai trương giả và con dấu vuông tự khắc

Sở dĩ Phan Văn Quý và một số người khác có cơ “làm ăn” được trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung bộ chính là nhờ vào số giấy giới thiệu được phát ra từ cái gọi là “VPTT báo PL&XH Bắc Trung bộ” tại Nghệ An. Theo điều tra báo PL&XH có ký hợp đồng với một PV là ông Phạm Ngọc Lý làm phóng viên thường trú tại Nghệ An. Với con dấu vuông tự khắc, ông Lý đã tùy tiện ký, cấp nhiều giấy giới thiệu cho hàng chục người hoạt động trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung bộ dưới các mác “báo PL&XH”.

Để phô trương thanh thế của mình, ngày 28/6/2011, ông Phạm Ngọc Lý đã ký một loạt giấy mời, đóng dấu gửi lãnh đạo, các cơ quan chức năng và một số doanh nghiệp trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đến “Dự lễ khai trương Văn phòng thường trú Bắc Trung bộ, báo Pháp luật & Xã hội” tại Nghệ An. Giấy mời đã phát đi, “giấy xin hỗ trợ” lễ khai trương cũng đã đến được những địa chỉ cần đến, thế nhưng, không hiểu sao đến phút chót phải hoãn lại…vô thời hạn! Việc này, không chỉ Chi cục Hải quan CKQT Cầu Treo, lãnh đạo Công an huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh mà nhiều đơn vị được mời cũng lấy làm lạ. Bởi hoa đã đặt mua, bia và nước ngọt “hỗ trợ” cũng được chuyển về tận VPTT ở Nghệ An khá lâu rồi mà không thấy hồi âm gì nữa.

Những người có trách nhiệm nói gì?

Được hỏi về tính hợp pháp của VPTT này, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Nghệ An, ông Đặng Khắc Thắng khẳng định, trước đây báo PL&XH có văn bản xin cử PV thường trú trên địa bàn nhưng sau này không có nhân sự tại đây. Những người hoạt động tự xưng phóng viên báo PL&XH lại không có tên trong văn bản. Nếu báo muốn đặt văn phòng nhất thiết phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục của Thông tư số 13 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc họ tự tiện tổ chức mời khách, khai trương văn phòng như nêu trên là vi phạm. Đề cập vấn đề này, về phía báo PL&XH, cơ quan chủ quản, cũng nêu rõ, tòa soạn không hề có chủ trương cho ra mắt VP như nội dung trong giấy mời nói trên. Được hỏi về con dấu đóng trên giấy mời và các giấy giới thiệu, nhà báo Nguyễn Xuân Khánh, Thư ký tòa soạn cho biết, Tòa soạn báo PL&XH không hề có mẫu dấu này, và khẳng định: Đây là dấu giả, do họ tự khắc lấy!

Giấy mời khai trương giả đóng con dấu vuông tự khắc của ông Lý

đã "nuốt" của các cơ sở khá nhiều phong bì và bia, nước ngọt tài trợ!

Trước sự việc xẩy ra tại xã Sơn Lĩnh, theo Thượng tá Dương Văn Trường, Trưởng Công an huyện Hương Sơn, là vi phạm pháp luật. Ông cho biết, khi nhận được tin báo, Công an Hương Sơn đã cử ngay 10 cán bộ, chiến sĩ vào cuộc. Hiện đang tiến hành lấy lời khai, tường trình của phía bị hại, thu thập chứng cứ để xử lý. Ông Trần Văn Hùng, Viện trưởng Viện KSND Hương Sơn cho PV biết, Viện cũng đã cử cán bộ làm việc với cơ quan điều tra để làm rõ vụ tống tiền này. Ông cho rằng, tình trạng mạo danh nhà báo, đe dọa, sách nhiễu doanh nghiệp, đơn vị, địa phương lâu nay gây ra nhiều bức xúc trên địa bàn của huyện, cần được nghiêm trị. Cũng theo ông Hùng, vụ tống tiền này có liên quan đến một số đối tượng khác. Còn nhân vật mà Phan Văn Quý thường nhắc nhiều lần với biệt danh là “Sếp”, trong khi mặc cả cũng đang được cơ quan điều tra xác minh, làm rõ.

Sự việc nói trên một lần nữa nhắc nhở các cơ quan báo chí, các Sở TT&TT cần siết chặt hơn công tác quản lý các VPĐD, PVTT trên địa bàn.

Trong 2 ngày: 17 và 18/9/2011, CQĐT đã trực tiếp làm việc, nghe tường trình và lấy lời khai đối với những người liên quan đến vụ nhà báo dởm tống tiền cán bộ xã. Ngoài việc Phan Văn Quý “tống tiền” 7 triệu đồng, còn có một số đối tượng trước đó đã lấy tiền của các cán bộ UBND xã Sơn Lĩnh. Sáng ngày 20/9, CQĐT sẽ triệu tập Phan Văn Quý đến Công an huyện Hương Sơn, làm rõ việc ông này tống tiền và sử dụng tài liệu giả để tác nghiệp

.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast