“Tui sẽ vì em trai cho đến hơi thở cuối cùng”...

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cha mẹ mất sớm, chứng kiến cảnh em trai bị bệnh tâm thần hành hạ, chị La Thị Quyết (sinh năm 1958) đã quyết định gạt đi ước mơ hạnh phúc gia đình của bản thân ở vậy chăm sóc em. Đó là câu chuyện cảm động mà mỗi khi nhắc đến thì người dân xóm Cầu Sơn (Thượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) ai cũng cảm động và mến phục.

Câu chuyện buồn khó kể

Chúng tôi tìm về nhà chị La Thị Quyết ở xóm Cầu Sơn vào một buổi chiều muộn, khi ánh nắng đang nhạt dần ở phía Tây. Khung cảnh hiện ra trước mắt chúng tôi trông thật đáng thương: Phía trong căn phòng khóa kín là một người đàn ông ngoài 50 tuổi, thân hình gầy còm, miệng lẩm bẩm, mắt ngước nhìn lên trần nhà một cách vô hồn. Chị Quyết giải thích: “Cậu Sơn nhà tui bị bệnh tâm thần nhưng hiền lắm. Chỉ những lúc lên cơn thì bao nhiêu áo quần đồ đạc đều xé rách hết, có khi tui cho ăn thì cậu ấy còn ném cả bát cơm vào mặt”.

Chị Quyết đang cho em trai uống nước
Chị Quyết đang cho em trai uống nước

Cho anh Sơn uống nước xong, chị Quyết mời chúng tôi vào trong căn nhà nhỏ mà chị vừa mới dành dụm cất tạm nằm đối diện với căn phòng anh Sơn ở. Rót cốc nước lọc mời khách chị ngậm ngùi kể về hoàn cảnh gia đình mình. Ngày xưa bố chị, ông La Văn Tam, đem lòng yêu thương bà Phạm Thị Quỳnh. Chị và anh La Văn Sơn lần lượt ra đời là kết quả của mối tình đó. Năm 1960, bà Quỳnh đột ngột ra đi bỏ lại cho ông Tam hai đứa con thơ dại lúc đó chị Quyết vừa tròn 2 tuổi còn anh Sơn thì mới được mấy ngày tuổi. Ít năm sau đó, ông Tam cũng bỏ chị em chị Quyết mà đi. Hai chị em lớn lên trong vòng tay yêu thương của những người thân xung quanh. Lớn lên trong hoàn cảnh thiếu sự chăm sóc của bố mẹ, chị Quyết thấy tủi thân cho mình thì ít mà thương em thì nhiều, chị hi sinh những hạnh phúc nhỏ nhất của mình để dành cho em. Ngày ngày chị đi mò cua bắt ốc lấy tiền nuôi em ăn học. Cậu bé Sơn lớn lên trong vòng tay yêu thương của chị nên càng thương chị nhiều hơn. Sơn chăm chỉ làm việc phụ giúp chị và cố gắng học hành để chị vui lòng.

Năm 1976, khi đang học lớp 10, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Sơn xung phong vào bộ đội, tham gia huấn luyện ở Khe Lang và sau đó chuyển vào tổng kho Long Bình (Đồng Nai). Ở vị trí nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà đơn vị giao phó, được các cấp chỉ huy và đồng đội tin yêu, mến phục. Nhưng, làm việc ở tổng kho Long Bình được một thời gian, một tai họa đã cướp đi của chị Quyết tình thương và niềm hy vọng duy nhất: Anh Sơn đã mắc căn bệnh tâm thần mất hết trí nhớ và tinh thần hoảng loạn.

Năm 1978 anh được đơn vị cho xuất ngũ về địa phương điều trị. Căn bệnh quái ác đã dập tắt bao nhiêu mơ ước của chàng trai trẻ và gieo vào lòng người chị gái nỗi đau xót xa bởi chị vẫn luôn hy vọng em trai mình sẽ có được một cuộc sống hạnh phúc để bù vào những thiệt thòi từ thuở ấu thơ. Chị Quyết ngậm ngùi: “Ngày nghe tin em trai mắc bệnh tâm thần tui như chết đứng. Cậu ấy vốn hiền lành, chăm ngoan học giỏi sao ông trời nỡ đày đọa.” Nói đến đôi mắt chị ngấn đầy nước.

“Tui sẽ vì em cho đến hơi thở cuối cùng”

Anh Sơn luôn nhìn thất thần, vô định lên mái nhà
Anh Sơn luôn nhìn thất thần, vô định lên mái nhà

Bệnh tình anh Sơn ngày càng nặng, chị Quyết ngày đêm chăm sóc chạy chữa thuốc thang cho em trai nhưng bệnh không thuyên giảm. Mỗi khi lên cơn anh Sơn lại đập phá hết đồ đạc trong nhà, áo quần thì không chịu mặc. Thương em chị đành bán hết mọi thứ trong nhà để đưa em ra bệnh viện tâm thần Nghi Phú (Nghệ An) điều trị nhưng không có kết quả. Lòng chị như quặn thắt, dằn vặt khi không còn cách nào khác phải nhốt em vào căn phòng kín tối tăm. Suốt hơn 20 năm qua chị Quyết nuôi em trai bị nhốt trong phòng kín, 20 năm với bao đêm dài trằn trọc không ngủ vì mỗi khi lên cơn anh Sơn lại gào thét. Tiếng gào thét của anh Sơn làm cho lòng chị cảm thấy như đang xát muối. Chị thương em nhưng lực bất tòng tâm bởi gia cảnh nhà chị cũng chẳng có gì đáng giá. Căn nhà nơi chị sinh sống giờ đã xuống cấp nghiêm trọng, mỗi cơn mưa nhỏ cũng làm dột ướt hết.

Hoàn cảnh gia đình không nơi nương tựa, anh em họ hàng thân thích thì không có ai, chị Quyết đã từng ước mơ có một mái ấm gia đình để làm điểm tựa khi về già. Năm 1991, chị lấy chồng ở Hương Khê (Hà Tĩnh) nhưng rồi vì thương em chị không nỡ bỏ em theo chồng. Chồng chị thì không chịu được cảnh em vợ điên dại nên không ở lại, chị đành ngậm ngùi chia tay chồng ở vậy chăm sóc em. Chị Quyết nghẹn ngào:“Tui sẽ vì em cho đến hơi thở cuối cùng. Em trai tôi đã thiệt thòi nhiều rồi giờ tui là điểm tựa duy nhất của nó.”

Thương cho hoàn cảnh gia đình chị Quyết, chính quyền xã đã bố trí cho chị làm nghề trông trẻ. Mặc dù đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống cho hai chị em nhưng chị rất vui vì hằng ngày chị được trông thấy lũ trẻ vui đùa, niềm hạnh phúc duy nhất ấy là điểm tựa tinh thần giúp chị vượt qua những mặc cảm, cô đơn trống trải trong tâm hồn..

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast