Tuổi thơ, em không được đến trường

Trong khi những đứa trẻ cùng trang lứa khác náo nức tựu trường để được học, được nô đùa thỏa thích cùng chúng bạn thì em Lê Thái Được (sinh năm 1996, xóm 3, Thị trấn Vũ Quang, Hà Tĩnh) lại phải tự bươn chải để kiếm sống. Tuổi thơ em không được đến trường, không hề biết đến con chữ.

Chị Lan(mẹ em Được) bên căn nhà của mình
Chị Lan(mẹ em Được) bên căn nhà của mình

Tuổi thơ thất học

Về huyện mới Vũ Quang-Hà Tĩnh sau 10 năm thành lập huyện, thấy rõ nền kinh tế-xã hội ở đây đã phát triển vượt bậc, đời sống người dân được nâng lên đáng kể. Song bên cạnh đó, vẫn còn những số phận, những mãnh đời đầy bất hạnh mà chúng ta cần giang rộng vòng tay nhân ái, yêu thương. Trường hợp của em Lê Thái Được là một trong những số phận, mãnh đời như thế.

Được sinh năm 1996, hiện gia đình em trú tại xóm 3, Thị trấn Vũ Quang(Hà Tĩnh). Em là đứa trẻ không cha vì mẹ em không có chồng.Theo bà Trần Thị Loan( bà ngoại của Được) thì: “Mẹ hắn tàn tật, không có ai cưới hỏi, tui(tôi) nhủ mẹ hắn đi kiếm đứa con riêng để sau này hai mẹ con nương tựa vào nhau mà sống”. Vì thế, sau này khi em được sinh ra, bà ngoại mới đặt cho em cái tên ngộ nghĩnh: “Được” như để kỉ niệm về đứa cháu “trời cho” này.Ngày em ra đời, dù trong đêm giá rét nhưng cả nhà vẫn cảm thấy ấm áp, hạnh phúc.

Nhưng ở đời, sinh con ra mà “mẹ tròn con vuông” đã là khó khăn, vất vả thì việc nuôi con khôn lớn, trưởng thành lại càng vất vả, khó khăn gấp bội phần. Đối với người mẹ bình thường, nuôi con đã khó thì với người mẹ tàn tật lại không biết chữ như chị Lan, việc nuôi con lại càng khó khăn hơn. Chính vì thế, 14 năm nay, em Được không được đến trường, không được đi học. Và hiện nay em cũng là người mù chữ như mẹ của mình.

Đưa cho em tờ báo, chúng tôi bảo em đọc một đề mục thì em không đọc được, chỉ cười hiền lành và nói: “Em xin chịu, em không đọc được”. Khi chúng tôi hỏi: “Em có muốn đi học không?” Em liền cúi mặt, im lặng, một lát sau trả lời: “Có. Nhưng em nhiều tuổi thế này, học sợ không vào nữa”. Chúng tôi đọc được trong đôi mắt em sự xót xa, nối tiếc. Trường học chỉ là trong ước mơ, là thứ “xa xỉ” đối với em.

Và những hệ lụy

Không được đến trường, suốt ngày em lêu lổng khắp đầu đường xó chợ, người ta bày cho cái gì nói theo cái đó. Mà người bày tốt thì ít, kẻ bày điều xấu thì nhiều. Bà Loan cho biết: “Nó trông thế mà lắm tật lắm chú ạ. Ra ngoài đường ngoài sá, rồi thì bọn thanh niên tiêm nhiễm cho đủ thứ thói hư tật xấu như nói tục, chửi thề, ăn cắp vặt, hút thuốc, uông rượu v.v…Khổ lắm chú a, mình thương hắn, hắn chẳng thương mình, đánh hắn thì mình xót bởi hắn hư cũng có phần lỗi tại mình mà ra”.

Còn chị Lan thì cho biết thêm: “Có đứa xấu bụng còn bày cho về nhà cãi lại(không vâng lời), thậm chí còn có lời lẽ xúc phạm bà và mẹ nữa. Hiện nay, bà và mẹ đều bất lực trước việc nuôi dạy con, cháu nên gia đình đã gửi cháu cho người cậu ruột mở nhà hàng ăn uống tại Thị trấn Vũ Quang để cậu tạo công ăn việc làm cho, kẻo để ở nhà nó quấy.” Được biết ở với cậu, em Được làm các công việc như quét dọn nhà cửa, bồi bàn, phục vụ khách; đôi khi còn phải vặt lông gà lông vịt, rửa chén bát…để kiếm sống.

Cần lắm, những tấm lòng nhân ái, mở rộng vòng tay yêu thương giúp đỡ em Được sớm đến được với “con chữ”, sớm hòa nhập tốt với cộng đồng và xã hội. Mọi tấm lòng sẻ chia lúc này đối với em, dù không sớm nhưng vẫn hãy còn chưa muộn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast