Ứng phó với thực trạng già hóa dân số

(Baohatinh.vn) - Dân số đang già hóa với tốc độ nhanh đặt ra nhiều thách thức về vấn đề chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội. Cùng với việc hình thành hệ thống chính sách thì phát huy vai trò người cao tuổi (NCT) vẫn là giải pháp cần đặc biệt quan tâm, vừa tạo ra những giá trị hữu ích cho xã hội, vừa giúp người già sống vui, sống khỏe.

Nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10:

Sống vui, sống khỏe, sống có ích!

Đã gần 80 tuổi, nhưng cụ Dương Đức Tiếp ở Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) vẫn luôn gương mẫu, đi đầu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các phong trào của địa phương. Khi xóm phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, cụ đã tiên phong phá dỡ hàng rào kiên cố để mở rộng đường, tạo hiệu ứng tích cực cho bà con lối xóm làm theo. Và mới đây nhất, ông đã đứng ra vận động nhân dân viết thư kêu gọi con em xa quê ủng hộ kinh phí nâng cấp khu nghĩa trang của xã. Suốt 3 tháng miệt mài, ông cùng bà con kêu gọi được 160 triệu đồng và đã thuê thợ hoàn thành công trình này.

ung pho voi thuc trang gia hoa dan so

Nhân viên Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh chăm sóc y tế và phục hồi chức năng cho bệnh nhân cao tuổi.

Ông Tiếp tâm sự: “Tuổi càng cao, sức khỏe yếu hơn, không làm được nhiều việc, nhưng tôi luôn cố gắng làm những việc nho nhỏ tùy theo sức mình có ý nghĩa với gia đình và xã hội. Qua mỗi việc tốt, việc có ích, chúng tôi cảm thấy rất vui vẻ, thanh thản, lại càng có lợi cho sức khỏe tuổi già”…

Mỗi người một hoàn cảnh, ứng xử, nhưng hầu hết những NCT ngày nay đều có cách nghĩ rất tích cực, đó là họ không muốn mình trở thành gánh nặng của con cháu, của xã hội mà luôn nỗ lực, rèn luyện để sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Theo ông Nguyễn Huy Liệu - Chủ tịch Hội NCT Hà Tĩnh, việc nêu gương sáng và sống vui, sống khỏe, sống có ích đã trở thành phong trào xuyên suốt, nền tảng trong hoạt động của hội. Hàng năm, xuất hiện rất nhiều điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực như làm kinh tế, khuyến học, “ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, bảo vệ QPAN, an ninh trật tự, gương mẫu thực hiện các phong trào, điển hình trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… Hiện toàn tỉnh có trên 8.000 hội viên NCT tham gia công tác Đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, trong đó, trên 700 người làm bí thư chi bộ, trưởng thôn; 181 chủ tịch hội khuyến học xã, phường…

“Già hóa chủ động”…

Bên cạnh mặt tích cực, thực trạng già hóa dân số đang đặt ra nhiều vấn đề. Những bệnh thường gặp nhất ở NCT là về xương khớp, cao huyết áp, các bệnh về mắt và suy giảm trí nhớ. Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, sinh hoạt hàng ngày và sự hòa nhập cộng đồng của NCT. Đa số NCT ở Việt Nam chưa có thói quen khám bệnh định kỳ, vì vậy, khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn, khiến việc chữa trị rất khó khăn.

Theo kết quả điều tra quốc gia về NCT Việt Nam, chỉ 4,8% NCT có sức khỏe tốt và rất tốt, 65,4% yếu và rất yếu. Trong đó, có 26,1% NCT không có bất cứ loại BHYT nào, trên 51% NCT không đủ tiền chi trả cho việc điều trị, dẫn đến không điều trị.

Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có chỉ số già hóa dân số nhanh. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Lê Cảnh Nhạc trong buổi làm việc với Hà Tĩnh gần đây cho biết, Hà Tĩnh có chỉ số già hóa là 61% trong khi chỉ số bình quân của cả nước là 43%. Còn ông Phan Huy Tú - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cũng bày tỏ băn khoăn vì thực trạng người trẻ đi làm ăn xa, để người già sống ở quê đang có xu hướng phổ biến.

Điều đặc biệt quan tâm nữa là hệ thống các CLB, trung tâm dưỡng sinh, giúp sống vui, sống khỏe của NCT trên địa bàn còn quá khiêm tốn. Còn mô hình chăm sóc sức khỏe cho NCT tại cộng đồng cũng gần như chưa có. Cuối năm 2012, Chi cục DS-KHHGĐ triển khai đề án “Tư vấn và chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng”, đã thành lập 6 CLB tại 6 xã với 360 thành viên tham gia. Tuy nhiên, theo Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Phan Huy Tú, mô hình này được triển khai theo đề án của Trung ương, nhưng kinh phí rất ít và đến nay, trung ương vẫn chưa có tổng kết, đánh giá nên chưa thể nhân rộng.

Làm thế nào để già hóa là thành tựu đúng nghĩa chứ không phải là gánh nặng? Các chuyên gia cho rằng, cần có nhiều giải pháp, trong đó, phải có sự trợ giúp của Nhà nước. Do đó, việc tuyên truyền về già hóa dân số cần mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức của xã hội, người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho y tế, giáo dục, sự tham gia và công việc ổn định cho thanh niên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các nhu cầu của thế hệ NCT trong tương lai.

Về phía người dân, cần chủ động ứng phó với già hóa dân số bằng cách: “Nếu bạn đang là người trẻ thì hãy chủ động chuẩn bị cho giai đoạn “già” của mình bằng cách lao động làm giàu, tích lũy cho tuổi già, còn nếu như đã già rồi thì lúc này không còn gọi là “già hóa chủ động”. Tuy nhiên, vẫn có thể chủ động phát huy những khả năng, vai trò cống hiến cho gia đình, xã hội và chính bản thân mình”, ông Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nhấn mạnh.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast