Ước mơ của những học trò nghèo vùng lũ

Hơn 1 tháng kể từ khi cơn lũ lịch sử đi qua, nhiều xóm làng ở Hà Tĩnh vẫn ngổn ngang với bao khó khăn .Tuy vậy các em học sinh vẫn tiếp tục đến trường “nuôi” chữ ,lũ lụt có thể cuốn trôi nhà cửa, tài sản và thậm chí là cả tính mạng nhưng khó có thể cuốn mất ước mơ được đến trường của học trò miền Trung.

“Mẹ ơi con vẫn được đến trường”

Cái nghèo và cái đói đã cướp đi tính mạng của bố em Nguyễn Thị Sen (lớp 8C – Trường THCS Đồng Lạng – Đức Thọ) ngay từ khi em vẫn còn trong bụng mẹ. Kể từ đó mọi gánh nặng đổ dồn lên vai mẹ Sen. Một mình bà phải vất vả ngược xuôi làm thuê đủ việc để có tiền cho em ăn học. Thương mẹ, cám cảnh nghèo của gia đình, Sen chỉ biết vùi đầu vào học. “Hai mẹ con sống ở đây không gần bà con họ hàng nên những lúc buồn, lúc đói chỉ biết ôm nhau khóc. Mẹ chỉ vui mỗi khi em được điểm 10 và cuối kỳ mang giấy khen về nhà. Thế nhưng bây giờ dù có được nhiều điểm 10 thì em cũng không được thấy mẹ cười nữa rồi”, Sen tâm sự trong tiếng nấc nghẹn.

Báo Tuổi trẻ TP.HCM trao học bổng "Ngăn dòng bỏ học" cho HSSV nghèo vùng lũ
Báo Tuổi trẻ TP.HCM trao học bổng "Ngăn dòng bỏ học" cho HSSV nghèo vùng lũ

Tháng 4 năm 2010, mẹ Sen lại rời bỏ em sau một thời gian vay mượn khắp nơi để chữa chạy căn bệnh tắc đường ruột nhưng không qua khỏi. Sen bảo: "Trước lúc mất, mẹ em cứ day dứt vì không tiếp tục thực hiện được lời hứa với bố là sẽ nuôi con ăn học thành tài". Sau đám tang mẹ, cô bé 14 tuổi ấy phải bắt đầu cuộc sống tự lập một mình với 15 ngàn đồng trong túi và món nợ 15 triệu vay ngân hàng, làng xóm để chữa bệnh cho mẹ.

Khi cơn lũ đến, một mình Sen phải chống chọi với cái đói, cái rét trong căn nhà không có cửa. “Em chỉ kịp cầm di ảnh mẹ và vài cuốn sách rồi chui lên chạn nằm khóc thôi. Có ít thóc, ít khoai em đi mót hàng ngày cất ở dưới gầm giường và đồ đạc đều bị nước cuốn sạch”, Sen sụt sùi nói. Những ngày này, các đoàn cứu trợ đi qua hoặc người làng thương tình cho cái gì thì Sen ăn cái đó. Ban ngày em đến lớp với bữa đói bữa no, còn buổi tối về em phải một mình đối diện với nỗi buồn và nỗi sợ của con trẻ trong căn nhà trống.

Sen tâm sự: “Mẹ ra đi là mất mát lớn nhất về tinh thần, bên cạnh đú sự thiếu thốn về vật chất càng làm hai chị em khốn đốn. Tiền lãi ngân hàng ngày càng tăng, khiến chị gái em học lớp 7 phải bỏ học vào Nam kiếm sống, mong kiếm tiền nuôi em ăn học... Giờ đây, một mình em trong căn nhà tranh mẹ để lại, ngày nắng nóng, mưa lạnh gió thốc vào tứ bề. Nhưng em hứa sẽ cố gắng chăm học và học giỏi để vượt qua số phận, chỉ có học mới thành đạt và thoát nghèo.

Em Đinh Văn Hùng bên người anh họ
Em Đinh Văn Hùng bên người anh họ

Cũng không biết bố mình là ai, mẹ mất sớm nhưng em Đinh Văn Hùng ở xóm 4, xã Hương Đô, (Hương Khê) may mắn hơn vì được sống cùng anh chị con nhà bác họ. Nhưng nguy cơ không được tiếp tục đến trường cũng đang đeo bám Hùng giống như Sen vì em phải mang món nợ gần 20 triệu đồng vay chữa bệnh cho mẹ trước lúc bà mất; còn gia đình anh chị thì đã kiệt sức sau cơn lũ dữ. Anh Nguyễn Văn Hường, người đang cưu mang Hùng cho biết: “Trước lúc mất, mẹ Hùng bán một nửa vườn nhà mà vẫn không đủ tiền trả nợ. Hùng ngoan ngoãn, lại học giỏi nhưng lại phải thua kém bạn bè vì không đủ sách vở, quần áo đến trường. Vợ chồng tôi cũng cố lắm nhưng cũng rất khó khăn vì còn đang nuôi 2 đứa con ăn học”

Nhọc nhằn với ước mơ

Ở trường THPT Lê Hữu Trác II (Hương Sơn), em Nguyễn Thị Diệu, học sinh lớp 12C1 được thầy cô và bạn bè nhắc đến là một cô học trò nhỏ có nhiều thành tích trong học tập. Thế nhưng, ít ai biết cô bé ấy đã phải vượt qua nghịch cảnh với nỗi buồn, khó khăn chồng chất và cả những “cơn ác mộng” trong ngôi nhà mình đang sống.

Bố mất từ năm Diệu 1 tuổi, mẹ gửi em ở nhà ngoại để đi tìm hạnh phúc riêng. Mẹ vì nghèo nên không chăm lo được cho em mà nhà ngoại thì cũng tả tơi như manh áo rách. Hàng ngày, Diệu luôn phải trong tư thế sắn sàng chạy trốn khỏi nhà hoặc sang ngủ nhờ hàng xóm mỗi khi 2 người cậu sống cùng nhà bị bệnh thần kinh lên cơn đập phá đồ đạc, đuổi đánh em. Đồng lương thương binh của ông chia ra nuôi mấy miệng ăn, thuốc thang cho hai cậu nhiều khi cũng chẳng đủ. Đường đến trường của em vì thế cũng cứ mờ dần theo sức lực của ông bà ngoại đã ngoài 80 tuổi. Diệu ao ước: “Em không có quyền lựa chọn cho mình số phận, em nghèo nhưng không có gì đáng buồn cả. Chỉ mong rằng em được tiếp tục học để sau này làm giáo viên dạy chữ cho những học trò nghèo như em”.

Thầy Nguyễn Văn Hoan - Chủ nhiệm lớp của Diệu băn khoăn: “Sức học của Diệu luôn đứng đầu lớp, năm nào em cũng là học sinh giỏi tỉnh môn Địa Lý. Thế nhưng hoàn cảnh của em khó khăn quá. Cơn lũ vừa rồi lại làm cho ông bà em thêm kiệt sức, nếu phải dừng việc học thì thật là tiếc và tội cho em”.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình trao quà cho em Nguyễn Thị Diệu
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình trao quà cho em Nguyễn Thị Diệu

Mặc dù có cha mẹ bên cạnh nhưng con đường đến trường để học tập, nuôi ước mơ của em Thái Thị Long (lớp 12B5, THPT Lê Hữu Trác I) cũng gập ghềnh giống như Diệu. Mẹ Long bị tâm thần sau khi sinh đứa con thứ hai, bố em cũng bị tai nạn chấn thương sọ não cách đây hai năm khi đang đi làm ở mỏ đá Sơn Trà. Ngày cơn lũ lịch sử đầu tháng 10 ập đến, một mình Long chỉ kịp đưa bố mẹ và em gái đi trốn, khi quay về thì nước đã ngập gần lút mái, đồ đạc, thóc gạo cũng bị cuốn trôi theo dòng lũ dữ. Hiện tại có người bà con trong TPHCM biết em học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn nên đang có ý muốn đưa Long vào nuôi ăn học. Long băn khoăn: “Ở nhà thì sợ không được đi học nữa nhưng vào trong đó thì bố mẹ và em gái không có người chăm sóc. Sang năm thi đại học rồi mà giờ em cũng không biết tiếp tục như thế nào…”

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast