Văn hóa Facebook

(Baohatinh.vn) - Không phải là một chất có thể đưa vào cơ thể, nhưng Facebook (Fb) đã làm nhiều người… nghiện. Điều đó cho thấy sức hút khó cưỡng của mạng xã hội này. Heghel từng nói đại ý, cái gì được thực tế thừa nhận, cái đó có logic hợp lý. Để logic hợp lý ấy phát huy tính tích cực, Fb đang rất cần những thái độ tích cực của những chủ nhân.

Với chức năng là mạng xã hội, Fb trở thành nơi mỗi người chia sẻ tâm tư, tình cảm. Người sáng lập Fb đã tinh ý khi “đánh” vào nhu cầu của con người trong thời kỳ hậu công nghiệp. Ở đó, trước áp lực của thời gian và sự toàn năng của công nghệ, con người dễ bị tổn thương và thiếu hụt tình cảm, nhiều người rơi vào tình trạng cô đơn. Giữa lúc ấy, Fb đã đến và thiết lập cho mỗi người một không gian rộng mở, giúp giãi bày, chia sẻ cảm xúc. Ở góc độ phục vụ nhu cầu tình cảm và các trạng thái tâm lý của con người, Fb đã là sản phẩm rất nhân văn. Với tính chất liên kết không biên giới, Fb thu hẹp không gian, giúp nhiều người tìm được bạn cũ, kết nối bạn mới; nhiều người thân xa cách vẫn trò chuyện với nhau hàng giờ. Đặc biệt, vì liên kết rộng mở, Fb là nơi hội tụ những cá nhân có cùng nhu cầu và ý chí.

Văn hóa Facebook ảnh 1

Ảnh minh họa từ internet

Bởi vậy, Fb không ít lần giành chiến công vang dội khi hội tụ những tấm lòng yêu nước, nhân ái, vì một thế giới hòa bình, tích cực và lành mạnh. Còn nhớ hồi tháng 5/2014, biển Đông “dậy sóng”, Fb đã tạo cơn sóng lòng, thể hiện tình yêu nước nồng nàn ở tất cả các chủ nhân tài khoản. Lúc ấy, hầu hết các tài khoản đổi ảnh đại diện, ảnh bìa bằng các hình ảnh cờ đỏ sao vàng, có các biểu ngữ phản đối Trung Quốc. Fb đã tạo nên sự nhất thể trong hành động và ý nghĩ, qua đó, góp phần tố cáo hành động bất tuân luật pháp của Trung Quốc. Fb cũng là nơi gửi các thông điệp nhân ái đến mọi người.

Một ví dụ nổi bật là mới đây, nhóm phụ nữ Liberia đã phát động trên Fb chiến dịch ngăn chặn thái độ kỳ thị người Liberia với khẩu hiệu “I am a Liberian, not a virus” (Tôi là người Liberia, không phải vi-rút). Các bức ảnh của chiến dịch đã có tốc độ lan truyền chóng mặt, thu hút sự đồng cảm của cộng đồng Fb đến từ các châu lục khác nhau trong nỗ lực chống dịch bệnh Ebola. Và còn đó nữa, rất nhiều người lập hội cùng sở thích, chia sẻ kinh nghiệm như: Hội cựu học sinh Trường Phan Bội Châu, Hội những bà mẹ nuôi con, Hội chơi chim kiểng, học tiếng Anh…

Trong cuộc sống, đôi khi hạn chế lại nằm trong chính ưu điểm. Fb với tính chất là tài khoản cá nhân, liên kết dễ dàng đã trở thành nơi thể hiện lối sống, hành vi tự do và thậm chí vô nguyên tắc. Tính chất tự do làm cho nội dung trên Fb muôn hình vạn trạng, đến mức thiếu kiểm soát. Mặt trái của hiện tượng này là nhiều nội dung đăng tải thiếu tính giáo dục, thậm chí, xâm phạm quyền cá nhân. Điện thoại có tính năng chụp ảnh đã giúp mọi người dễ dàng “chộp” những khoảnh khắc ưa thích, đôi khi để mua vui.

Có những tấm ảnh đẹp, nhưng cũng vô vàn bức ảnh phản cảm được người dùng tung lên Fb. Sự việc học sinh N.T.T.L (SN 1995, vừa học xong lớp 12 Trường THPT Hai Bà Trưng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) tự tử vì bị bạn ghép ảnh, đăng tải lên Fb năm 2013 là một bài học đắt giá. Đăng nhập Fb để thổ lộ trạng thái tâm lý. Tiếc thay, có nhiều trạng thái… “rỗng”. Bởi vậy, Fb đã trình chiếu những tình trạng xấu xí, phản văn hóa như: “tự sướng” thế nào, mặc trễ ra sao, đi đâu, đi xe gì, ngủ thế nào, trút giận theo kiểu “giận cá chém… Fb” với những lời lẽ thô bỉ. Không ít người hễ có khúc mắc với bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí là gia đình thì không trao đổi trực tiếp mà bêu xấu hoặc bày tỏ trên “chợ” Fb…

Văn hóa Facebook ảnh 2
Sử dụng Facebook trong gia đình ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, hành vi của trẻ.

Đáng tiếc, những hiện tượng trên đôi khi là của một số người có học vấn, có địa vị, hay tên tuổi trong làng giải trí với mục tiêu cố tình “nổi tiếng”. Bên cạnh đó, các hành động có chủ đích như kích động, lôi kéo chống chính quyền… đã xuất hiện nhiều lần trên Fb, trở thành rào cản lớn đối với nhiều quốc gia. Dĩ nhiên, cùng với việc chăm chút cho tài khoản cá nhân, Fb đã ngốn của mọi người lượng thời gian tương đối lớn. Quá trình đó, trớ trêu thay, mỗi người phải chi trả kinh phí, đồng thời tích cực làm giàu cho những chủ thể xa xôi, mà cao nhất là Mark Zuckerberg.

Một tài khoản Fb tích cực là một tài khoản được tạo nên bởi cá nhân có suy nghĩ và hành động tích cực. Để làm được điều đó, mỗi chủ nhân phải có ý thức nghiêm túc trước các vấn đề đăng tải (dĩ nhiên có thể vui hoặc buồn, hoặc hài hước). Điều này rất quan trọng khi chúng ta đang tham gia vào các chuỗi kết nối. Lúc này, hành động của mỗi người có can hệ sâu sắc tới cộng đồng, ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần cảnh báo với con về tình trạng sử dụng Fb tùy tiện, xúc phạm cá nhân, xâm phạm quyền con người, thậm chí tiếp tay cho tội phạm; cần định hướng cho con sử dụng Fb theo hướng có văn hóa.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast