Văn hóa và Báo chí

Xin được nói ít về khái niệm, định nghĩa Văn hóa, Truyền thông, vì bàn nhiều về khái niệm, định nghĩa ở đây e sẽ rơi vào chữ nghĩa, kinh viện vốn được dành cho các hội thảo khoa học, hội thảo chuyên đề ở tầng cấp bác học. Tư mã tôi xin được trình bày một số cảm nhận về văn hóa truyền thông, và đặc biệt là văn hóa báo chí hiện nay.

Văn hóa là cái nôi ấp ủ và phát triển của giá trị nhân văn, là chuẩn mực cao nhất của tâm linh, đạo đức, tình cảm... của con người. Văn hóa có mặt trong bất cứ một lĩnh vực nào, phạm vi hoạt động nào của đời sống xã hội và là nhân tố nâng cao giá trị của các hoạt động vật chất, tinh thần của con người. Văn hoá và Báo chí có mối quan hệ khăng khít và biện chứng, báo chí là bộ phận của văn hoá nhưng báo chí cũng sáng tạo ra và phổ biến văn hoá, lưu truyền văn hoá... Nó trở thành một bộ phận cấu thành văn hóa, đồng thời là phương tiện thực thi, quảng bá văn hóa.

Bác Hồ dạy: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến người làm báo chí”. Người làm báo là chủ thể của báo chí. Không thể nói văn hóa báo chí khi Nhà báo có thể ngồi vắt chéo chân hạch sách cán bộ cơ sở về việc này, vụ nọ; có thể chỉ mặt người này, người kia mà sa sả về việc này đúng, việc kia sai. Không thể nói văn hóa báo chí khi Nhà báo cho mình một số cái quyền như: xồng xộc vào bất cứ cuộc họp nào; viết về bất cứ cái gì có thể viết; viết sai mà không xin lỗi, không đính chính; “khịa” ra phỏng vấn trong khi không thực hiện phỏng vấn; viết tin theo kiểu “nghe hơi”; không “mắt thấy, tai nghe” vẫn viết phóng sự…

Phản ánh đời sống xã hội một cách chân thật, khách quan, không bịa đặt là yêu cầu tối thiểu của Nhà báo. Thật nực cười là có một số Nhà báo, vì một lý do nào đó mà họ không hài lòng với tổ chức, cá nhân, họ đã cố tình moi móc những việc “ngoài chuyên môn” rồi đưa lên báo, theo kiểu: “chúng tôi đã liên lạc nhiều lần, nhưng vị nọ, vị kia không nghe máy điện thoại”, hoặc “vị nọ, vị kia đã không muốn tiếp nhà báo”… Ô hay, Tư mã tôi, thỉnh thoảng vẫn có những cuộc gọi bị nhỡ do đang chơi thể thao, do đang ăn cơm, do đang bận họp… đấy thôi. Nhà báo muốn gặp ai đó, tìm hiểu về việc gì đó, e rằng cũng phải hẹn hò để người ta có thể xếp lịch, chuẩn bị nội dung mà làm việc, mà trả lời phỏng vấn chứ sao lại có thể gọi “ngang xương” trên điện thoại như thế được nhỉ.

Văn hóa báo chí có nghĩa là đòi hỏi người làm báo phải có văn hóa, nhà báo phải luôn luôn coi tác nghiệp của mình là hoạt động văn hóa. Điều đáng lo ngại nhất là chất lượng tư tưởng, văn hóa, trình độ nghiệp vụ của một số nhà báo hiện nay chưa ngang tầm với yêu cầu của đời sống. Điều đó đòi hỏi bản thân mỗi nhà báo phải có sự nỗ lực trau dồi, rèn luyện không ngừng.

Từ chỗ không “ngang tầm” đó, dẫn đến tác phẩm báo chí cũng thiếu đi lối thể hiện, ứng xử truyền thống của văn hóa Việt Nam. Văn hóa báo chí biểu hiện cuối cùng ở hiệu quả xã hội của từng tác phẩm: tác phẩm được thể hiện như thế nào, đối tượng người đọc là ai, hướng đến giá trị nhân văn như thế nào…

Sao có thể nói văn hóa báo chí khi tác phẩm báo chí ngày nay đầy rẫy những “chiêu” câu khách, những “đâm, cướp, hiếp, giết” được thể hiện bằng những “lâm, khốc, giật, sốc”. Sao có thể nói văn hóa báo chí khi các báo đua nhau đăng những chuyện kích thích trí tò mò, nhằm thỏa mãn nhu cầu tầm thường của ai đó; khai thác triệt để những vụ án đau lòng, bạo lực với những tình tiết rùng rợn. Đua nhau phát tán các hình ảnh khêu gợi, khiêu dâm, những pha quảng cáo phơi bày da thịt, động tác động chạm phản cảm. Có tờ báo, giở ra là vô vàn tít “khủng”, là vô vàn nội dung “trái với thuần phong, mỹ tục”. Có thể là có văn hóa được không khi tác phẩm báo chí khai thác thông tin câu khách theo kiểu “gặp người thân kẻ thủ ác” hoặc “trước khi gây án Luyện đã ăn mì tôm”… Hàng loạt tờ báo đưa tin về một cái chết bình thường của một cá nhân ở một huyện nọ chỉ vì trước đó chị gái anh ta đã tổ chức cho con mình một “siêu đám cưới”. Chưa hết, với kiểu làm báo “nghe nói” họ còn “cho rằng” đó là cái chết do tự tử vì vỡ nợ. Đạo đức, nhân văn và văn hóa ở đâu khi trong bài báo đưa tin về cái chết ấy, người ta còn đăng kèm video clip của đám cưới của con, cháu họ.

Sao lại có thể gọi là văn hóa khi chúng ta gặp trường hợp cùng một tin, bài viết của một tác giả đăng ở nhiều báo khác nhau (nội dung, có khi chỉ là một vụ tai nạn, dăm bảy con rắn hổ chết ven sông, tổ kiến hình con hươu…). Những tin tức vụn vặt còn được xáo xào, thêm thắt, thay tiêu đề… Và, kết quả là: người đọc phải ngồi trước những món ăn hổ lốn, chua vữa.

Văn hóa và Báo chí ảnh 3
Minh họa: Lê Tâm. Nguồn: Hải Ninh Blog

Báo chí, bên cạnh việc ca ngợi cái tốt, cái đẹp, còn phải phản ánh cái xấu, cái ác trong cuộc sống, nhằm làm cho cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn. Tuy vậy, phản ánh cái xấu, cái ác như thế nào mới là việc cần phải bàn. Người viết phải có tầm văn hóa như thế nào để làm chủ được ngòi bút, không buông lỏng, xuôi dòng theo diễn biến của sự việc mà phải kiềm chế, ngăn chặn xu hướng đồng lõa và tha hóa trước cái xấu. Theo một số liệu điều tra, cả nước đã có tới 30.516.587 người dùng internet, chiếm 33,05% dân số. Cũng theo kết quả nghiên cứu khác thì tỷ lệ người trẻ dùng internet chiếm số đông. Người trẻ chính là đối tượng dễ bị cái xấu tiêm nhiễm, lôi kéo. Trong khi đó, thế hệ vàng, tương lai của đất nước lại đang ngày đêm “ngụp lặn” trên internet. Vậy, khi viết, người làm báo cần “để ý” đến đối tượng tiếp nhận này để luôn nhớ rằng báo chí đang thực hiện chức năng, vai trò chuyển tải, quảng bá văn hóa, báo chí là sản phẩm văn hóa của cả xã hội, chứ không phải viết riêng cho một ai đó, cho một bộ phận nào đó.

Từ khi xóa bỏ cơ chế bao cấp, báo chí của ta đã rơi vào mâu thuẫn giữa chất lượng thông tin (chính xác, khoa học, dân tộc...) với yêu cầu phải giật gân, câu khách với mục đích bán được nhiều báo, thu được nhiều quảng cáo để tồn tại và ngày càng có lãi nhiều hơn. Đó là mâu thuẫn có thật, gay gắt và còn thiếu hướng giải quyết ở tầm vĩ mô. Tuy vậy, không thể vì thế mà đồng lõa với khuynh hướng thương mại hóa, tầm thường hóa và dung tục hóa báo chí. Đòi hỏi, mỗi công dân - nhà báo phải nỗ lực, làm tròn trách nhiệm của người quảng bá văn hóa, phải bảo vệ và đề cao những giá trị nhân văn của truyền thống văn hóa Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, không ngừng nâng cao tính đề kháng cho nền văn hóa dân tộc trước những ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa văn hóa.

Những nhiệm vụ này đang được đặt nặng lên vai những người làm báo của nền báo chí Cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập./.

Trong hoạt động báo chí, một số yếu kém, khuyết điểm được nhắc nhở nhiều lần nhưng chậm khắc phục, có mặt, có lúc, có nơi còn trầm trọng hơn. Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hoá, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin không trung thực, thiếu chính xác, phản ánh nhiều về tiêu cực và tệ nạn xã hội, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước; khuynh hướng tư nhân hoá, thương mại hoá báo chí, tư nhân núp bóng để ra báo, kinh doanh báo chí ngày càng tăng…

(Trích Nghị quyết Hội nghị Trung ương V (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast