Vệ sinh ATTP: Bao giờ hết “Nóng” ?

Hiện nay, vệ sinh an toàn thực phẩm ( VSATTP) đang trở thành vấn đề nhức nhối, nhất là dịp Tết Nguyên Đán đang cận kề. Rất nhiều vụ buôn bán, vận chuyển, sản xuất và sử dụng thực phẩm" bẩn” được các cơ quan chức năng vạch trần. Dù các ban, ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều nỗ lực, nhưng thực tế cho thấy, tình hình VSATTP vẫn là vấn đề nan giải và gây ra nhiều nỗi lo trong nhân dân.

Từ rau, củ, quả mất an toàn…

Chưa đầy một tháng nữa là đến tết Quý Tỵ, nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm, trong đó có mặt hàng rau xanh đã và đang có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, mối lo về rau củ quả không rõ nguồn gốc, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích... khiến không ít người tiêu dùng hoang mang. Để tìm câu trả lời cho vấn đề này, chúng tôi đã gõ cửa các cơ quan chức năng, đồng thời đến một số vùng trồng rau, các cơ sở kinh doanh thực phẩm và thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh. Kết quả chỉ khiến nỗi lo của chúng tôi càng lớn thêm…

Vỏ bao bì thuốc trừ sâu, phân bón thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng…được vứt bừa bãi ở ruộng rau xóm Khanh, xã Thạch Liên (Thạch Hà).
Vỏ bao bì thuốc trừ sâu, phân bón thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng…được vứt bừa bãi ở ruộng rau xóm Khanh, xã Thạch Liên (Thạch Hà).

Đi dọc cánh đồng rau xã Thạch Liên (Thạch Hà), đập vào mắt chúng tôi là hàng loạt vỏ bao bì thuốc trừ sâu, phân bón thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng… của Việt Nam và nước ngoài sản xuất. Chị V ở xóm Khang (Thạch Liên) tiết lộ: “Không phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng thì rau làm sao xanh và tốt được hả em. Rau mà còi cọc thì bán không được giá, thậm chí lái buôn còn không mua. Biết là phun thuốc như thế độc hại nhưng không làm thế thì không thể có lãi được em à”. Cũng theo chị V, trung bình một loại rau từ khi gieo trồng đến lúc thu hoạch có chăm sóc cỡ nào cũng phải mất 2 đến 3 tháng nhưng nếu phun thuốc kích thích vào thì rút ngắn được cả chục ngày, thậm chí có loại sau dăm ba ngày đã cho thu hoạch.

…đến sản phẩm gia cầm, gia súc không được kiểm dịch

Chợ kinh doanh giết mổ gia cầm tập trung thành phố Hà Tĩnh được đầu tư trên 4,5 tỷ đồng với công suất thiết kế 10 đến 15 nghìn con / ngày. Tuy nhiên, anh Bùi Văn Tý, cán bộ kiểm dịch chợ gia cầm cho biết: “Hiện tại chợ có 2 hộ kinh doanh, mỗi hộ có 4-5 lao động, mỗi ngày giết mổ vài trăm con gia cầm. Trong khi đó, lượng gia cầm tiêu thụ trên thị trường không qua chợ và không được kiểm dịch lớn hơn rất nhiều. Các chủ hộ chăn nuôi gia cầm đưa đi bán và các hộ buôn bán nhỏ, lưu động thì chỉ khi nào lực lượng chức năng đẩy đuổi, buộc phải vào chợ thì họ vào nhưng khi vằng lực lượng chức năng họ lại ra ngoài đường bán ”.

Vào giờ tan tầm, hàng ngày có nhiều người bán gà làm sẵn bán ở khu vực cổng chợ Bắc Hà (còn gọi chợ Vườn Ươm). Chị Hằng ở phường Trần Phú (thành phố Hà Tĩnh) cho biết: "Thực tế mua ở đây tôi cũng không biết là gà đã được kiểm dịch hay chưa và xác định nguồn gốc ở đâu, nhưng cũng do tiện đường và tin tưởng vào người bán nên mua về sử dụng”.

Có rất ít lượng gia cầm tiêu thụ trên thị trường được qua kiểm dịch.
Có rất ít lượng gia cầm tiêu thụ trên thị trường được qua kiểm dịch.

Tại chợ Hà Tĩnh, chúng tôi đến quầy hỏi mua ruốc bông. “Anh chị mua loại 15 nghìn đồng hay loại 55 nghìn đồng một lạng? chị bán hàng hỏi lại. Khi chúng tôi thắc mắc: “Sao 2 loại giá tiền chênh lệnh nhiều vậy?”, chị bán hàng cho biết: “Loại tôi làm thì giá 55 nghìn một lạng, còn loại 15 nghìn thì nhập ở nơi khác về”. Quan sát bằng mắt thường, chúng tôi không thể phân biệt được sự khác nhau của 2 loại ruốc bông này. Và loại ruốc bông giá 15 nghìn đồng/lạng được làm bằng nguyên liệu nào thì chỉ có người làm mới biết!

Và thức ăn đường phố không đảm bảo

Thành phố Hà Tĩnh là nơi tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn, điểm bán thực phẩm đã qua chế biến phục vụ nhu cầu ẩm thực của người dân. Bên cạnh đó còn có loại hàng rong bán các thức ăn đã nấu sẵn (thường được gọi chung là thức ăn đường phố). Có thể nói, các lọai thực phẩm đã qua chế biến khá đa dạng và tiện lợi đối với người tiêu dùng. Thế nhưng, các loại thức ăn trên được bày bán có bảo đảm VSATTP hay không, thì đa phần người sử dụng đều không biết được.

Theo khảo sát của chúng tôi, trên địa bàn thành phố nhiều quán ăn không đảm bảo VSATTP. Nơi chế biến thức ăn thì ẩm thấp, thức ăn không được che đậy, bát, đũa…bày la liệt và rửa trong nhà vệ sinh; thức ăn của khách được bốc bằng 2 bàn tay trần… Riêng chợ Hà Tĩnh có hơn 800 cơ sở kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, trong đó có hàng chục quầy hàng kinh doanh thực phẩm đã chế biến. Hầu hết các quầy hàng này đều đặt ở những vị trí chưa đảm bảo vệ sinh, thậm chí có hàng ăn còn đặt ngay sau nhà vệ sinh của chợ, bên cạnh cống rãnh (quán bánh bèo, quán nước, hàng bánh mướt, ram, giò…). Cơ quan chức năng chỉ kiểm định được các cơ sở lớn, còn các cửa hàng bán thức ăn sẵn thì không kiểm soát được. Hàng ngày, có hàng nghìn lượt hộ kinh doanh và khách ra vào chợ. Trong số ấy, có hàng trăm thực khách sử dụng thức ăn đã qua chế biến và không đảm bảo VSATTP.

Ông Nguyễn Duy Hòa - Trưởng Ban quản lý chợ Hà Tĩnh cho biết: Hàng năm, Sở Công thương đã tổ chức tập huấn và cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức VSATTP cho các hộ kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế tại chợ vẫn còn tình trạng bàn hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, dùng các chất phụ gia không cho phép…

Đối với lĩnh vực VSATTP, các ngành liên quan đã thường xuyên có các cuộc kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, độ an toàn của thực phẩm. Tuy nhiên, VSATTP sẽ vẫn là vấn đề “nóng”, nếu công tác quản lý chưa quyết liệt, nhà sản xuất, kinh doanh và bản thân người tiêu dùng vẫn dễ dãi trong lựa chọn thực phẩm, thờ ơ với sức khỏe của cộng đồng và chính mình.

Nhiều “khoảng trống” trong công tác quản lý

Hiện ở Hà Tĩnh, công nghệ chế biến thực phẩm chưa được cải thiện, còn thủ công, mang tính hộ gia đình, cá thể. Nhiều phong tục tập quán sinh hoạt còn phức tạp, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, tiêu dùng còn có phần hạn chế.

Người tiêu dùng rất khó lựa chọn chính xác thực phẩm nào là an toàn.
Người tiêu dùng rất khó lựa chọn chính xác thực phẩm nào là an toàn.

Bên cạnh đó, trên địa bàn toàn tỉnh chưa có nhiều vùng sản xuất thực phẩm sạch, việc sử dụng hoạt chất bảo vệ thực vật, phân hóa học còn phổ biến và với số lượng lớn, một số hộ còn dùng các chất kích thích tăng trưởng trong sản xuất nhưng chưa được giám sát đánh giá mức độ tồn dư ô nhiễm trong thực phẩm. Đối với công tác quản lý thú y, giết mổ vẫn còn tồn tại tình trạng sản phẩm gia súc, gia cầm chưa được kiểm tra thú y vẫn được lưu thông bày bán, thậm trí có một số sản phẩm từ gia súc, gia cầm bị bệnh. Tình trạng kinh doanh hàng hóa thực phẩm giả, quá hạn, kém chất lượng vẫn còn diễn ra.

Mức độ xử phạt quá nhẹ

Theo bác sỹ Võ Tá Thành, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục VSATTP tỉnh, năm 2012, toàn tỉnh đã tổ chức được 389 đoàn thanh tra kiểm tra liên ngành, 76 đoàn thanh tra hậu kiểm đã kiểm tra, thanh tra, kiểm soát được 10.824 lượt/ 11.373 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống… Trong đó có 8.789 có ở đạt tiêu chuẩn quy định, 2.035 cơ sở vi phạm, xử lý vi phạm hành chính 702 cơ sở (trong đó 65 cơ sở bị phạt tiền với số tiền phạt 62,4 triệu đồng). Bên cạnh đó, các đoàn còn tổ chức 3 đợt kiểm tra, giám sát trong sản xuất kinh doanh nông sản và thủy sản thực phẩm… Từ công tác thanh tra, kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng năm 2012 cho thấy có quá nhiều cơ sở vi phạm VSATTP, tuy nhiên số lượng bị xử phạt bằng tiền quá ít và số tiền phạt cũng rất nhẹ. 65 cơ sở vi phạm mà chỉ xử phạt 62,4 triệu đồng thì tái phạm là điều dễ hiểu.

Cơ quan chức năng lấy mẫu thực phẩm thử các chất phụ gia như hàn the, phẩm mầu ngoài danh mục cho phép sử dụng.
Cơ quan chức năng lấy mẫu thực phẩm thử các chất phụ gia như hàn the, phẩm mầu ngoài danh mục cho phép sử dụng.

Bên cạnh đó, công tác cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VSATTP đối với cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân buôn bán, kinh doanh còn nhiều hạn chế. “Khi phát hiện các cơ sở vi phạm VSATTP, các cơ quan chức năng chủ yếu đang dừng lại ở mức độ nhắc nhở và xử phạt bằng tiền ở mức thấp nhất (từ 300.000 -500.000 đồng theo Nghị định 45) nên tính răn đe chưa cao”, bác sỹ Võ Tá Thành thẳng thắn.

Theo các cơ quan chức năng, công tác đảm bảo ATVSTP còn gặp nhiều khó khăn. Để bảo đảm chất lượng ATVSTP thì tất cả các khâu từ nuôi trồng, đánh bắt đến sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng đều phải đạt vệ sinh và an toàn. Theo quy định, rau, củ, quả… trồng trong vườn; lợn, gà… trong chuồng là trách nhiệm quản lý của Sở NN&PTNT; khi rau, củ, quả… , lợn, gà…. thành sản phẩm mang bán thuộc trách nhiệm của Chi cục ATVSTP, lực lượng quản lý thị trường. Xã Thạch Liên (Thạch Hà) hiện có trên 120 hộ chuyên canh sản xuất rau màu cao cấp tại xóm Thọ và xóm Khang, với tổng diện tích gần 5 ha. Phó chủ tịch UBND xã Thạch Liên Nguyễn Văn Hợi cho biết: “Hàng năm, xã đều tổ chức các đợt tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn đến từng hộ dân nhưng việc người dân thực hiện đúng cách hay không thì xã không thể kiểm soát được. Họ có nhiều cách tinh vi để qua mắt chính quyền và người dân xung quanh như phun trộm vào ban đêm, thậm chí có hộ đang phun thuốc bị bắt tại trận nhưng vẫn chối bay. Chính quyền xã chỉ có thể kiểm soát bằng cách vận động người dân xung quanh tố giác. Nếu phát hiện có trường hợp vi phạm thì chúng tôi đến tận nhà tuyên truyền vận động để họ không tái phạm”.

Cần “mạnh tay” xử lý vi phạm và nâng cao ý thức “tự vệ” cho người tiêu dùng.

Mặc dù những năm qua, công tác kiểm tra, xử phạt được tiến hành khá thường xuyên nhưng hiệu lực không đủ mạnh nên tình trạng vi phạm VSATTP vẫn tái diễn. Chính vì vậy, tăng cường kiểm tra là biện pháp cần làm thường xuyên, liên tục. Việc xử lý vi phạm không dừng lại ở người sản xuất kinh doanh mà người quản lý, lãnh đạo các địa phương, đơn vị…cũng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm và mức quy định xử phạt cũng cần tăng cao để đủ tính răn đe.

Thường trực BCĐ liên ngành về VSATTP tỉnh tổ chức đoàn công tác kiểm tra, giám sát tình hình VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Theo lãnh đạo Sở y tế, Sở NN&PTNT và Sở Công thương: “Trong thời gian tới các ngành sẽ phối hợp, chỉ đạo quyết liệt, công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm VSATTP, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013”.
Thường trực BCĐ liên ngành về VSATTP tỉnh tổ chức đoàn công tác kiểm tra, giám sát tình hình VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Theo lãnh đạo Sở y tế, Sở NN&PTNT và Sở Công thương: “Trong thời gian tới các ngành sẽ phối hợp, chỉ đạo quyết liệt, công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm VSATTP, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013”.

“Trong thời gian tới, các ngành chức năng sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra và triển khai Nghị định 91/2012/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Theo đó, mức xử phạt cáo nhất với hành vi vi phạm là 100 triệu đồng, cơ sở vi phạm có thể bị rút giấy phép kinh doanh, công khai thông tin về cơ sở vi phạm qua các phương tiên thông tin đại chúng….Đồng thời, các ngành chức năng sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các quy định của pháp luật về VSATTP cũng như cách thức để người dân lựa chọn các mặt hàng thực phẩm an toàn”- bác sỹ Thành cho biết thêm.

Điều không kém phần quan trọng hiện nay là cần xây dựng ý thức cho các tầng lớp nhân dân, tạo thói quen ăn uống vệ sinh bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi Pháp lệnh VSATTP; tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, đồng thời cụ thể hóa các chế tài xử lý vi phạm. Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng sẽ là chưa đủ nếu thiếu đi sự hợp tác của cả cộng đồng xã hội, từ nhà sản xuất, đến người tiêu dùng… Bởi hiện này, có quá nhiều người tiêu dùng lựa chọn những thứ đồ rẻ, ngon và tiện lợi, không để ý đến các tiêu chuẩn VSATTP. Chính những sở thích và thói quen đó là con đường nhanh nhất để thực phẩm “bẩn” dễ dàng xâm nhập.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast