Vì mục tiêu ổn định mức sinh, nâng cao chất lượng dân số

Ngày 26-12-1961, Hội đồng Chính phủ đã thông qua quyết định khá đặc biệt về việc hướng dẫn sinh đẻ cho nhân dân. Điều 1 Quyết định nêu rõ: Vì sức khoẻ của người mẹ, vì hạnh phúc và hoà thuận của gia đình, và để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp.

Từ Quyết định đầu tiên ấy, trải qua 48 năm, đến nay Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản mang tính toàn diện hơn: NQ Hội nghị lần thứ IV BCH TW khoá VII ngày 14-1-1993, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2010 được Chính phủ phê duyệt ngày 22-12-2000 và Nghị quyết 47-NQ/TW ngày 22-3-2005 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS_KHHGĐ, Pháp lệnh dân số…Tất cả những văn bản trên đã từng bước đưa công tác DS_KHHGĐ vào nề nếp, từng bước ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số vì sự phồn vinh của đất nước.

Đất nước ta đang trong tiến trình hội nhập với quốc tế và khu vực, đòi hỏi yếu tố con người có chất lượng về thể chất lẫn trí tuệ, tinh thần. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết của chương trình Dân số hiện nay. Mục tiêu của chúng ta là giữ vũng cam kết, duy trì mức sinh thay thế, từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Hiện nay quy mô dân số của nước ta rất lớn và vẫn tiếp tục gia tăng.Tổng dân số của nước ta là 76,323 triệu người vào năm 1999, đã tăng lên thành 85,990 triệu người vào 1-4-2009. Như vậy sau gần 10 năm, dân số nước ta tăng lên gần 9,5 triệu người. Với dân số hiện nay,Việt Nam là nước đông dân thứ 3 Đông Nam Á sau Inđonesia, Philippine và đứng thứ 13 trong số những nước đông dân nhất thế giới. Mật độ dân số nước ta hiện nay khá cao với 259 người./km2

Chúng ta đang đứng trước cơ hội và thách thức của chương trình DS_KHHGĐ. Số người bước vào độ tuổi lao động cao và số người trong độ tuổi phụ thuộc ít (dưới 50%) đã tạo nên cơ cấu “dân số vàng”. Nếu biết tận dụng cơ hội này, giải quyết tốt vấn đề việc làm, sử dụng tốt nguồn nhân lực, chúng ta sẽ làm giàu cho đất nước. Chỉ trong vòng 30 năm nữa, nếu chúng ta chưa tận dụng được cơ hội thì cơ cấu dân số đã bước sang giai đoạn “già”.

Trong cuộc họp mới đây nhất với giới báo chí tại Hà Nội, ông Dương Quốc Trọng-Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số đã nói về vấn đề này: “Chúng ta sẽ vội vã bước vào giai đoạn già hoá dân số khi chưa kịp giàu.Một trong những thách thức lớn của Việt Nam là khả năng tận dụng được lợi thế nhân khẩu học tiềm năng một cách hữu hiệu và năng suất nhất. Nhu cầu về giáo dục, đào tạo, việc làm trong các thập kỷ tới sẽ rất lớn”

Con cái mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc. Ảnh: internet

Hiện nay, nước ta đang phải đối mặt với tình trạng di cư tự do gia tăng và mất cân bằng giới tính khi sinh, chất lượng dân số thấp đang cản trở sự phát triển. Tỷ lệ giới tỉnh khi sinh cao (112 bé trai/100 bé gái) sẽ dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng như thiếu hụt phụ nữ, bất bình đẳng giới, buôn bán phụ nữ…Việc nhập cư không kiểm soát được sẽ dẫn đến những quá tải về y tế, giáo dục và an sinh xã hội tại các thành phố và khu công nghiệp, làm trầm trọng thêm các vấn đề về giao thông và môi trường.Chất lượng dân số thấp làm tầm vóc, thể lực, trí tuệ, tinh thần của con người có nhiều hạn chế. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo cao, nghề nghiệp chuyên môn kỹ thuật thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH_HĐH đất nước. Nước ta hiện có 5,3 triệu người khuyết tật, tình trạng bệnh tật và các bệnh lây truyền qua đường sinh dục còn đáng lo ngại.

Mục tiêu cơ bản của công tác dân số trong giai đoạn tới là duy trì mức sinh hợp lý, kiên trì thực hiện mục tiêu gia đình ít con, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 đến 2 con để đến năm 2020, phấn đấu đạt và duy trì tổng tỷ suất sinh ở mức thấp, hợp lý;Chú trọng kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Từng bước nâng cao chất lượng dân số, gỉam nhanh tỷ lệ trẻ em bị dị tật bẩm sinh ở mức 1,5%; Tăng tuổi thọ bình quân và tuổi thọ bình quân khoẻ mạnh; Nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam; Cải thiện quản lý dân số theo hướng hiện đại.

Dân số Hà Tĩnh hiện nay là 1,227 triệu người (số liệu1-4-2009). Trong 11 tháng qua, toàn tỉnh có 15.505 trẻ được sinh ra, tăng 1000 cháu so với năm 2008. Theo báo cáo của Chi cục DS_KHHGĐ, dự kiến hết năm nay, toàn tỉnh ta không đạt chỉ tiêu giảm sinh mà Trung ương và tỉnh giao. Đây là năm thứ 3 tỉnh ta không đạt chỉ tiêu giảm sinh. Hiện tượng tăng sinh diễn ra ở 11/12 huyện thị ( trừ Thành phố Hà Tĩnh). Một số huyện có mức sinh tăng cao so với năm trước là Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hả. Trong 11 tháng qua, đã có 5353 cháu là con thứ 3 trở lên đượcsinh ra. Tỷ lệ sinh trên 2 còn ở mức 21,62%, giảm 2,54% so với cùng kỳ năm 2008.

Những con số trên cho thấy những vấn đề đặt ra cho công tác dân số ở Hà Tĩnh cũng nằm trong những vấn đề mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội hết sức quan tâm. Đứng trước mục tiêu ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số, giảm nhanh sự mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ hội “dân số vàng”, đào tạo một thế hệ kế tiếp có đủ thể chất, trí tuệ tinh thần đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước, cần sự nỗ lực hơn nữa của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương, sự đồng hành chung sức của các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội và đặc biệt là ý thức trách nhiệm của các công dân đối với sự phát triển của đất nước.

Khi nào chương trình DS_KHHGĐ thấm sâu vào ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, của từng gia đình dẫn tới hành vi sinh đẻ có trách nhiệm thì khi đó chúng ta mới có thế đạt được mục tiêu trước mắt là giảm sinh, từng bước tiến tới mục tiêu lâu dài là ổn định mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast