Việt Nam: Quốc gia hạnh phúc nhì thế giới, Mỹ xếp 105

Bản đồ này đánh giá tuổi thọ, mức độ hài lòng với cuộc sống và dấu chân sinh thái của người dân.

Mới đây, tổ chức Quỹ Kinh tế Mới (New Economics Foundation – NEF) ở Vương quốc Anh đã công bố bản đồ Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (HPI) đánh giá thành quả của những quốc gia trên toàn cầu trong việc đem lại cho người dân cuộc sống hạnh phúc trong giới hạn tài nguyên thiên nhiên, trong đó Việt Nam được xếp thứ hai chỉ sau Costa Rica.

Các quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng HPI

Các quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng HPI

Trong khi đó, các quốc gia phát triển ở châu Âu và châu Mỹ lại bị đánh giá rất thấp trong bảng chỉ số HPI này, với việc Anh bị xếp ở hạng 44, cao hơn Đức (47), Tây Ban Nha (62), Canada (65), Úc (76), còn Mỹ bị xếp ở thứ 105 trên tổng số 151 quốc gia.

Tổ chức NEF tuyên bố chỉ số hành tinh hạnh phúc của họ không phải để đo đếm mức độ giàu có, sung sướng về vật chất của người dân các quốc gia trên thế giới, mà nó đánh giá khả năng đem lại cuộc sống vui vẻ, lâu dài, bền vững về môi trường cho dân chúng.

Chỉ số HPI này được đánh giá dựa trên tuổi thọ, mức độ hài lòng với cuộc sống và dấu chân sinh thái (thuật ngữ để chỉ nhu cầu của con người đối với hệ sinh thái Trái đất), và những quốc gia được xếp hạng cao như Việt Nam đều phải có kết quả tốt trong cả ba yếu tố trên.

Để thu thập được dữ liệu phục vụ cho bảng xếp hạng này, NEF đã phỏng vấn trực tiếp người dân tại các quốc gia theo từng tiêu chí trên. Chẳng hạn như theo tiêu chí mức độ hài lòng với cuộc sống, NEF sẽ yêu cầu người dân đánh giá mức sống của mình theo thang điểm từ 0 đến 10.

Còn đối với chỉ số tuổi thọ, NEF dựa trên Báo cáo Phát triển Con người do UNDP thực hiện vào năm 2011 để chấm điểm cho từng quốc gia.

Chỉ số dấu chân sinh thái đánh giá mức độ tiêu thụ nguồn tài nguyên của người dân các quốc gia trên thế giới, chẳng hạn như diện tích đất cần thiết để duy trì cuộc sống bền vững, hay được gọi bằng danh từ bóng bẩy là “hạnh phúc bền vững”. Một quốc gia được đánh giá là “hạnh phúc bền vững” nếu họ có thể duy trì cuộc sống sinh thái này cho người dân mà không cần sự trợ giúp từ bên ngoài.

Những quốc gia tiêu thụ nhiều tài nguyên không được đánh giá cao trong bảng xếp hạng HPI

Những quốc gia tiêu thụ nhiều tài nguyên không được đánh giá cao trong bảng xếp hạng HPI

Theo bảng đánh giá này, những quốc gia “hạnh phúc” nhất là những nước mà trong trường hợp bị cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, họ vẫn có thể duy trì cuộc sống “tự cung tự cấp” đảm bảo cho người dân, và đây là điều gần như không thể đối với các quốc gia phát triển.

Tuy nhiên, một chuyên gia phân tích cho rằng việc hiểu các quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng HPI này là những nước “hạnh phúc nhất” là cách hiểu chưa đúng, vì nó chỉ đánh giá hiệu quả sinh thái của quốc gia đó trong việc duy trì cuộc sống bền vững cho người dân.

Theo đó, HPI không phải là chỉ số thuần túy đo hạnh phúc của quốc gia, và một nước có chỉ số HPI cao có thể là nhờ họ không khai thác quá nhiều tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho cuộc sống.

Điều này giải thích cho thực tế tại sao những quốc gia đang phát triển tại châu Á, Nam Mỹ thường được xếp đầu bảng HPI, trong khi những quốc gia phát triển ở Bắc Mỹ, châu Âu lại thường nằm cuối bảng vì họ đã khai thác và sử dụng quá nhiều tài nguyên thiên nhiên để duy trì cuộc sống.

Theo Khampha.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast