Viết ở chòi canh lửa

Bám rừng để ngăn chặn lâm tặc và hỏa tặc, đó là một trong những giải pháp quan trọng nhất mà Hạt Kiểm lâm Hương Khê đang thực hiện. Trèo đèo, lội suối và hy sinh thầm lặng giữa mưa chan, nắng táp, lực lượng kiểm lâm đã tạo được ý thức tự giác trong nhân dân để họ tham gia bảo vệ rừng.

“Điểm chốt” giữa rừng thẳm

Nhắc tới chuyện Hạt Kiểm lâm Hương Khê lo bảo vệ rừng tại gốc, anh Lĩnh - một cán bộ trong đơn vị kể: Đầu năm Quý Tỵ này, vừa ăn tết xong, Hạt trưởng Hoàng Xuân Lương đã khẩn trương triển khai cuộc họp đầu năm để phân công người chuẩn bị hành lý lên đường.

Những khu rừng Hương Lâm, Sông Tiêm, Rào Cam, Rào Trình... chỉ cần cán bộ kiểm lâm vài ngày không đặt chân tới thì lâm tặc sẽ dựng xưởng cưa ngay giữa đám cây cổ thụ. Phá rừng thời hiện đại đâu còn đơn giản rìu rựa mà đầy đủ cả dụng cụ cưa đơn, cưa vòng và cả hung khí tự vệ để chống trả quyết liệt khi bị lực lượng bảo vệ rừng phát hiện.

Tuần tra giữa đại ngàn.
Tuần tra giữa đại ngàn.

Đã nhiều thập kỷ trôi qua, những cuộc đụng độ với lâm tặc càng cho các anh thêm dạn dày kinh nghiệm. Kinh nghiệm tìm dấu vết gỗ lâm tặc đốn hạ thu giấu lòng thung, khe suối; kinh nghiệm phát hiện ngụy trang gỗ trên tàu thuyền, ô tô… Nhưng có một điều mà anh em cán bộ Hạt Kiểm lâm đau đáu là dẫu tuần tra và kiểm soát bao nhiêu, với địa hình hàng trăm ngàn ha rừng cũng không thể nào ôm xuể. Do vậy, máu rừng vẫn chảy. Ngăn chặn những mối nguy hiểm thường xuyên rình rập này chỉ còn con đường duy nhất là phải xây dựng lực lượng chốt chặn tại rừng.

Đối với nghề kiểm lâm, rừng xanh đã trở thành “ngôi nhà thiêng” gắn kết suốt cuộc đời. Hạt phó Dương Ngọc Hạnh chia sẻ: “Hơn 6 tháng rồi, huyện Hương Khê không xẩy ra vụ lâm tặc nào phá rừng lớn làm chấn động dư luận như ngày xưa nữa. Có người bảo, vì rừng hết gỗ tốt nên lâm tặc “gác cưa bỏ nghề”. Không đúng đâu!... Nạn phá rừng mấy năm gần đây giảm hẳn là nhờ trên địa bàn Hương Khê, ở đâu có rừng phòng hộ, rừng đại ngàn hay rừng trồng thì ở đấy lực lượng kiểm lâm luôn chăm lo trấn giữ…”.

Sau cuộc hành trình hơn 3 tiếng đồng hồ đầy vất vả, tôi đã được 2 chiến sĩ kiểm lâm đưa vào hiện trường các anh đang làm việc. Khu vực tôi đặt chân tới là tiểu khu 228 và 247 thuộc địa phận xã Phú Gia, một trong những điểm vùng sâu nhất của huyện Hương Khê. Cho đến bây giờ, cư dân sinh sống vẫn còn thưa thớt, càng vào xa chỉ có rừng và núi, bốn bề thung sâu dốc đứng. Thuở trước, Phú Gia còn là chốn nương thân của hổ và chó sói, bây giờ, 2 loài động vật ấy biến mất, chỉ còn lại khỉ, vượn, hoẵng và thỉnh thoảng lại có vài chú voi rừng ra “thăm bản làng”...

Ngôi nhà lá dựng lên có độ dài khoảng 30m bằng tranh, tre, nứa. Mái lán lợp bằng lá cọ bây giờ đã ngả sang màu vàng sẫm và khô quắt lại, mấy chiếc rui mè cũng khô theo. Tôi nhẩm đếm: 3 cán bộ Hạt Kiểm lâm Hương Khê, 2 chiến sĩ BĐBP, 2 cán bộ bảo vệ rừng của BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm. 7 chàng trai này vừa làm nhiệm vụ, vừa phải tự lo liệu chuyện bếp núc. Thức ăn hàng ngày rất đạm bạc, chỉ có nước mắm, lạc rang, cá khô, vừng mang theo. Thêm nồi canh cải thiện là những món rau rừng anh em hái được bên bờ suối. Tuy vậy, cả 7 anh em đều rất mực đoàn kết, đồng cam cộng khổ để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Giữa chốn rừng núi thâm u này, không tiếp cận được với sóng điện thoại di động, không có truyền hình, Internet nhưng “7 chàng ngự lâm” vẫn nhận được thông tin khi có chiếc đài bán dẫn mang theo.

Anh Phan Chân Thức tâm sự: “Cái gì cũng thế anh ạ, sống lâu và chịu khó rèn luyện rồi sẽ thích ứng dần với môi trường. Mấy ngày đầu chưa quen, đụng cái gì cũng sợ. Đi tuần tra trong rừng thì sợ sên vắt, rắn rết; nằm ngủ thì sợ muỗi chui vào màn; đêm mưa thì sợ rét...”. Thức giải thích thêm: “Tiếng là sợ thế nhưng mọi cái sợ đều có thể khắc phục được. Mấy anh em ở đây chỉ có sợ nhất lâm tặc… phá rừng mà mình không biết”.

- Thế để giải quyết khâu “sợ nhất” này là gì? - tôi hỏi Thức.

Thức đáp: “Mọi người đã vào đây thì không thể lơ là, chủ quan được. Bao giờ cũng có người thức và cũng có người tuần tra. Do vậy, chuyện ngủ cũng được phân công cụ thể theo từng ca kíp”. Hơn 20 năm gắn bó với nghề kiểm lâm, Thức không thoái thác bất cứ việc gì khi được phân công. Giống như Thức, Lê Trọng Nam cũng là một người rất thủy chung với nghề… Từ ngày được phân công đi “trấn ải” rừng xanh, Nam cũng ít có dịp về thăm nhà. Hỏi anh có nhớ vợ nhớ con không, Nam chỉ cười và nói rất hồn nhiên: “Người ta đi bộ đội, ở chiến trường năm bảy năm biệt tin. Mình ở đây đã thấm tháp gì anh”. Anh Nam cũng “bật mí” cho tôi biết: “Từ hôm dựng lán để gác rừng đến nay, hình như lâm tặc “ngửi hơi” được nên “cao chạy xa bay”…

Phòng hỏa từ trên không

Đã hơn 2 tháng nay, Hương Khê vẫn được dự báo nắng nóng nhất nước. Lần trước về Hương Khê đi qua Hòa Hải đã thấm được cái nắng nóng muốn nổ tung tròng mắt giữa cánh đồng khô kiệt nước. Lần này đi với anh em Hạt Kiểm lâm Hương Khê xuống địa bàn xã Lộc Yên, tôi lại thấy nắng nóng và khô hơn lần trước.

Nắng nóng gay gắt nhưng những người giữ rừng ở Hương Khê vẫn luôn bám trực trên chòi canh lửa.
Nắng nóng gay gắt nhưng những người giữ rừng ở Hương Khê vẫn luôn bám trực trên chòi canh lửa.

Vừa đặt chân tới bìa rừng, tôi nhìn lên những ngọn đồi cao, có cảm giác những rừng keo tai tượng và tràm bông vàng đang lả đi trong cái nắng đặc quánh. Khi gió lào thổi mạnh về tây, cây lá đều cúi rạp về tây; gió quần sang đằng đông, cây lại đổi hướng nghiêng về đông. Từng đợt gió lào mạnh cứ bắt cây “đồng diễn thể dục nhịp điệu” hết đêm sang ngày. Chỉ một tàn lửa nhỏ cũng đủ làm nên một biển lửa thiêu rụi hàng trăm ha rừng trồng.

Chả thế mà năm nào cũng vậy, chưa đến mùa nắng, chính quyền xã Lộc Yên và huyện Hương Khê đã lo chuẩn bị đầy đủ các phương án PCCCR. Anh Nguyễn Văn Thắng - cán bộ phụ trách lâm nghiệp xã Lộc Yên nói vui với tôi: “Lộc Yên bây giờ được phong xã 3 nhất rồi: một là thường hay xẩy ra lũ lụt lớn nhất; hai là thường hay bị hạn nặng nhất; ba là xã có diện tích rừng trồng nhiều nhất”. Toàn xã Lộc Yên hiện có 3.200 ha rừng trồng, trong đó rừng thông 1.200 ha, rừng keo 2.000 ha.

Một khu rừng lớn được rào chằng chịt dây thép gai mà ai vào lọt cũng phải chui luồn rất nghệ thuật, đấy là khu vực Rú Ten (dân địa phương còn gọi là Động Thờ). Để đứng được dưới chân chòi canh lửa, mấy anh em chúng tôi đều đã được Hạt Kiểm lâm huyện trang bị cho chiếc mũ cối đội đầu và 2 chai nước khoáng để vừa leo núi vừa uống. Lên tới đỉnh đồi gần 700m, nơi có chòi canh lửa, mồ hôi người nào người nấy vã ra như tắm. Ngửa cổ tu nước ừng ực, từ dưới chân chòi canh nhìn ra xung quanh thấy cả một khoảng màu xanh bao la của rừng keo mới trồng, bên cạnh những rừng thông cứng cáp đã sần lên những lớp vỏ xù xì.

Một cán bộ kiểm lâm kể: 3 năm về trước cũng tại khu rừng Rú Ten này, một đám cháy đã bùng lên vào lúc 9h đêm. Cả Hạt Kiểm lâm Hương Khê cùng dân tập trung áp đảo ngọn lửa. Hơn 3 tiếng đồng hồ sau, đám cháy mới được dập tắt. Đêm ấy, trời không trăng, không sao, chẳng có đèn pin nên anh em không tìm được lối ra, đành phải gọi điện thoại cho người quen trong xóm lên đưa về.

Anh Nguyễn Duy Ưu cho tôi biết: “Từ khi có chòi canh lửa, anh Phan Văn Nguyên - cán bộ Hạt Kiểm lâm và một số cán bộ xã Lộc Yên không ngày nào không thay phiên nhau trực 24/24h. Tôi biết những người đứng trên chòi cao vòi vọi này, không chỉ có trái tim khỏe và đôi mắt sáng mà phải có đức tính chịu khó và sự hy sinh thầm lặng. Hy vọng, vài năm sau Lộc Yên sẽ trở thành “thủ đô xanh” được nhiều người chiêm ngưỡng…

Tháng 7/2013

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast