Vô cảm với nỗi đau da cam !

Chờ đợi đến 3 năm trời, người dân Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh mới tá hoả khi biết rằng: 82 bộ hồ sơ xét duyệt công nhận đối tượng bị ảnh hưởng chất độc hoá học, theo thông tư số 08/2009/TT-BLĐTBXH, ngày 07/04/2009 - Bộ LĐTBXH của họ vẫn nằm im trong... tủ của xã, mà không được chuyển xuống huyện để xem xét như theo quy định.

Nỗi đau “chồng lên” nỗi đau

Chúng tôi tìm đến nhà anh Đậu Văn Phúc 57 tuổi ở xóm 1, xã Cẩm Mỹ vào một chiều chạng vạng hoàng hôn của ngày mùa, nắng gắt. Cả nhà anh Phúc vẫn đang đi làm đồng chưa về, chỉ có anh con trai tên Tình bị mù cả hai mắt sờ soạng dẫn chúng tôi vào nhà. Khá lâu sau anh Phúc mới về nhà, vừa rót nước anh Phúc vừa kể: anh nhập ngũ năm 1972 vào sư đoàn bộ binh chủ lực 325 của Quân đoàn 2, tham gia bảo vệ thành cổ Quảng Trị và giải phóng Miền Nam. Sau 1975 anh xuất ngũ, về quê lấy vợ, gia đình anh sinh được 05 người con thì hai đứa bị bệnh: đứa con trai đầu đã mất, đứa con trai thứ ba thì bị mù cả hai mắt. Năm 2009 anh đã làm hồ sơ xin xét duyệt công nhận đối tượng bị ảnh hưỏng của chất độc hoá học cho cả hai cha con, song đến nay cũng như bao người khác, sau 3 năm mỏi mòn chờ đợi anh mới ngả ngửa người ra khi biết hồ sơ vẫn còn đang nằm im ỉm trong tủ của UBND xã ! “Không biết các ông trên xã nghĩ gì chứ chẳng ai hay hớm gì khi làm đơn đề nghị công nhận con mình bị nhiễm chất độc màu da cam”, anh Phúc chua xót nói.

Anh Đậu Văn Phúc và cậu con trai bị mù cả hai mắt tại buổi làm việc với phóng viên
Anh Đậu Văn Phúc và cậu con trai bị mù cả hai mắt tại buổi làm việc với phóng viên

Rời nhà anh Phúc, chúng tôi đến nhà ông Dương Văn Bày ở thôn 10, vừa lúc Bà Trần Thị Giáp - vợ ông Bày đi làm đồng về. Thấy nhà báo đến, chưa kịp cởi nón bà Giáp đã nghẹn ngào: chồng tôi năm nay đã 73 tuổi, bị bệnh liệt rung; ăn khó nuốt, nói không nói được, đi lại hết sức khó khăn, chết đến nơi rồi những tưởng làm hồ sơ để được nghi nhận chút “công lao” nhỏ mọn, để được hưởng chút chế độ thêm vào thuốc thang... ai ngờ các ông lãnh đạo xã lại tai quái như thế này... Dường như bao ức nghẹn cứ thế trào ra, bà Giáp mặc nhiên kể lể về nỗi mất mát, thiệt thòi xa chồng đánh trận, nuôi con rồi lại nuôi chống ốm đau trở về, đến việc người ta dửng dưng trước sự hi sinh, mất mát của chồng bà. Kìm nén cảm xúc, chúng tôi vào thăm ông Bày đang nằm trong nhà... và thật xót xa khi thấy hai dòng nước mắt chảy dài trên má ông Bày. Thì ra, dù không nói được nữa ông Bày vẫn còn nghe rõ câu chuyện giữa chúng tôi và vợ ông... Nhin những dòng nước mắt của người cựu binh đã từng ngang dọc khắp Bình Trị Thiên khói lửa, từng hân hoan về làng với tấm lon Thiếu tá QĐND Việt Nam anh hùng khiến cho chúng tôi - những người lớn lên sau năm 1975 không khỏi đắng cay thay cho việc làm bất nhẫn của các “ông quan” ở xã Cẩm Mỹ.

Ông Dương Văn Bày đang nằm liệt giường bật khóc khi nghe nghe vợ trình bày sự ấm ức với phóng viên
Ông Dương Văn Bày đang nằm liệt giường bật khóc khi nghe nghe vợ trình bày sự ấm ức với phóng viên

Vô cảm !

Không riêng gì trường hợp của ông Bày và anh Phúc, toàn xã Cẩm Mỹ hiện có 82 trường hợp đã làm hồ sơ đề nghị xét duyệt từ năm 2009. Khi được hỏi vì sao lại “om” các hồ sơ này lại, không nộp lên huyện

Ông chủ tịch xã Cẩm Mỹ: Không nộp hồ sơ là do để ... quên !
Ông chủ tịch xã Cẩm Mỹ: Không nộp hồ sơ là do để ... quên !

như theo quy định. Ông Kiều Thanh Bình - Chủ tịch UBND, Trưởng ban chính sách xã Cẩm Mỹ lại loanh quanh đổ tội cho ... cấp dưới. Ông Bình cứ loay hoay “biện bạch” : việc này do cán bộ chính sách là ông Phú làm... chậm. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề: trong 3 năm qua đã có rất nhiều người dân lên gặp những cán bộ liên quan và ông để hỏi về các hồ sơ của họ nhưng tại sao các hồ sơ đó vẫn... nằm im trong tủ thì ông Bình không có câu trả lời thuyết phục.

Làm việc với chúng tôi bà Nguyễn Thị Bảo Ngọc – Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên khá bất ngờ khi phóng viên “đặt vấn đề” về nội dung trên. Nên vị phó chủ tịch này liền gọi điện ngay cho ông Bình - Chủ tịch xã Cẩm Mỹ để “ngọn ngành” sự việc. Sau đó bà Ngọc cho biết: việc xã Cẩm Mỹ “giữ” lại 82 bộ hồ sơ đề nghị xét chế độ chất độc hoá học là hoàn toàn có thật. Bà Ngọc còn cho biết thêm: theo như ông Bình phản ảnh thì năm 2009 xã đã xét duyệt xong 82 bộ hồ sơ nói trên, và cán bộ xã đã lên huyện để nộp nhưng không gặp, sau đó mang về rồi để... quên ! Bà Ngọc cũng cho rằng: để xẩy ra việc này trách nhiệm trước hết thuộc về ông Bình - Chủ tịch, kiêm Trưởng ban chính sách của xã Cẩm Mỹ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Lộc – Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc màu da cam huyện Cẩm Xuyên hết sức bất bình: đây là việc làm đi ngược lại chủ trương thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những người có công. Bản thân ông Lộc cũng đã nhiều lần gọi điện, trực tiếp lên xã Cẩm Mỹ gặp ông Bình, ông Phú để thúc giục chuyển hồ sơ để xét duyệt, song đều bị “phớt lờ”. “Đảm bảo quyền lợi cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam là việc làm hết sức nhân văn, phù hợp với đạo lý của dân tộc nhằm chung tay làm vợi bớt nỗi đau da cam... việc làm trên của lãnh đạo xã Cẩm Mỹ là hết sức phi nhân văn, vô cảm” – ông Lộc bức xúc cho biết.

Lời kết

Có hai điều khiến chúng tôi rất trăn trở sau khi tiến hành tiến hành thu thập tài liệu để viết bài này.

Ông Nguyễn Đình Lộc - Chủ tịch Hội nạn nhân CĐMDC Cẩm Xuyên: "Đây là việc làm đi ngược lại chủ trương thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những người có công
Ông Nguyễn Đình Lộc - Chủ tịch Hội nạn nhân CĐMDC Cẩm Xuyên: "Đây là việc làm đi ngược lại chủ trương thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những người có công

Đó là khi về Cẩm Mỹ chúng tôi không khỏi chua xót khi “mắt thấy, tai nghe” về những việc làm thiếu trách nhiệm, hời hợt trong công tác thực hiện chính sách xã hội ở đây. Trong quá trình tìm hiểu sự việc, chúng tôi còn phát hiện thấy còn có tới hơn 50 trường hợp đã làm hồ sơ xét duyệt đề nghị hưởng bảo trợ xã hội theo Nghị định 13, ngày 27/02/2010 của Chính Phủ (người cao tuổi cô đơn, người tàn tật không có khả năng lao động, người mắc bệnh tâm thần...) của năm 2011 cũng đang bị các ông xã Cẩm Mỹ “om” lại chưa chuyển xuống cho huyện xét duyệt như theo quy định.

Thứ nữa, kiểu trả lời do để “quên” như ông chủ tịch xã Cẩm Mỹ trả lời bà Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên nghe sao thật đắng chát. Xin không bàn về trách nhiệm quản lý ở đây, chỉ riêng về khía cạnh luân thường đạo lý của dân tộc đã thấy thật là bất nhẫn. Dù là ai, cũng đều không được ngoảnh mặt trước những hi sinh, mất mát thiệt thòi của những người vì độc lập của dân tộc, tự do hạnh phúc của mọi người – đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vĩnh hằng của ông cha. .Hy vọng hành vi vô trách nhiệm, trái với luân thường đạo lý "có một không hai" này của các ông “quan phụ mẫu” địa phương chỉ xẩy ra ở xã Cẩm Mỹ!.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast