Với rừng, ông chưa hề có cuộc chia tay

Gian nan tự thuở mới lọt lòng rồi trải qua gian khổ của cuộc chiến tranh chống Mỹ đã rèn đúc nên ông Trần Thanh Long, vị giám đốc gần 40 năm chung thủy với nghiệp rừng... Ông là người trưởng thành từ thực tiễn và luôn năng động, đổi mới cách nhìn, cách nghĩ, tạo ra một hướng đi đúng với dòng chảy kinh tế thị trường.

Gian nan tự thuở hàn vi

Thú thật, tôi quen biết ông Long đã hơn 15 năm, nhưng gặp ông không quá 10 lần và “gặp nhau lần nào cũng vội” bởi ông là “con người của công việc”. Hai lần tôi ở lại ăn cơm với ông tại đơn vị, mỗi lần như thế nhìn kim đồng hồ đã chỉ 13h và người mệt mỏi, mồ hôi vã ra sau chuyến “chui từ rừng về”. Một lần xem đơn vị ông thử nghiệm trồng măng Bát Độ, một lần chiến dịch truy quét nạn sâu róm phá hoại rừng thông. Hai lần thực tế như vậy, tôi đều cảm nhận sự vất vả, khổ ải của công nhân trồng rừng và giám đốc làm nghề rừng như ông. Khi thì ông bị nhiễm độc từ hơi thuốc trừ sâu làm ngạt phổi, huyết áp tăng cao, phải nằm viện mấy tuần liền; khi thì 2 chân sưng vù vì chạm vào sâu róm phải điều trị bằng kháng sinh liều cao.

Công ty nhân Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê chăm sóc cao su trên đất Sơn Hồng (Hương Sơn)
Công ty nhân Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê chăm sóc cao su trên đất Sơn Hồng (Hương Sơn)

Giám đốc Trần Thanh Long người cao mập, khuôn mặt chữ điền, nước da bánh mật, đôi mắt đen luôn mở to đầy cương nghị. Cũng từ đôi mắt ấy nhen lên trong ông một nghị lực vượt khó, một hoài bão lớn lao. Con người này không bao giờ chịu trói buộc trước những tư duy cũ.

Cầm tinh con Rồng nên bố đặt tên ông là Long. Trần Thanh Long lớn lên trên vùng quê nghèo, gia đình lại càng khốn khó hơn bởi thời ấy bố mẹ ông cứ nghĩ “trời sinh voi sinh cỏ” nên sinh liền 11 người con, Trần Thanh Long là con cả.

Chưa đầy 18 tuổi, Trần Thanh Long đã háo hức được vào lính. Nhưng khốn nỗi cả 5 lần khám tuyển đều bị “bật ra khỏi đội hình”, bởi cơ thể ông có “trục trặc”. Ngày ấy nếu không vào được bộ đội thì tình nguyện đi TNXP, miễn sao mình đừng hèn nhát, đừng vô cảm trước vận mệnh của dân tộc. Năm 1969, sau khi học hết THPT, Trần Thanh Long rời lũy tre làng, gia nhập đội TNXP mở đường (thuộc đội 1 – Công ty Xây dựng cơ bản lâm nghiệp tỉnh Hà Tĩnh). Với 9 năm làm công nhân cầu đường, chàng thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết Trần Thanh Long đã vượt qua bao đèo cao, suối sâu; nếm trải những đêm nằm lán trại gặp mưa to, ướt sũng chăn màn; nếm trải những ngày thiếu lương thực, khẩu phần ăn trưa chỉ được cấp chiếc bánh mì bằng nắp chuông xe đạp. Bàn tay càng dày thêm nốt chai, Trần Thanh Long càng hiểu đích thực hơn ý nghĩa cuộc đời trai trẻ sống là cống hiến.

“Mốc son” cho sự nghiệp trồng rừng

Giám đốc Trần Thanh Long hạnh phúc trong ngày nhận Huân chương Lao động
Giám đốc Trần Thanh Long hạnh phúc trong ngày nhận Huân chương Lao động

Bây giờ nhắc tới Trần Thanh Long - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê Hà Tĩnh, ai cũng thán phục một con người “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe". Kinh nghiệm thực tiễn qua quá trình làm việc ở nhiều cơ quan khác nhau trên lĩnh vực lâm nghiệp đã giúp ông có phương pháp điều hành bộ máy, quản lý và định hướng đi đúng cho doanh nghiệp (DN) trong SXKD.

Ông Trần Thanh Long nhận quyết định điều động của Sở Lâm nghiệp Hà Tĩnh về làm Giám đốc Lâm trường trồng rừng Hương Khê (tháng 3/1996) trong bối cảnh DN này đang hết sức gian khó. Hàng trăm công nhân nghỉ việc không lương, nợ ngân hàng quá hạn lên tới 300 triệu đồng; đoàn kết nội bộ bị rạn nứt nghiêm trọng; nhà cửa hoang phế, quạnh hiu; tài sản đơn vị hồi ấy chỉ còn độc nhất một chiếc xe Uoát “vừa đi vừa đẩy”.

Một cán cán bộ lãnh đạo trong ngành lâm nghiệp tỉnh lo lắng: khéo đưa cậu Long về lại dìm cậu xuống vực luôn, nhưng ông Long thì không sợ bởi ông đã “lập trình được trong đầu mình” những giải pháp khá cụ thể khi nhìn rõ được tiềm năng của rừng và sức mạnh người lao động.

Ông Long trăn trở: Một doanh nghiệp được giao quản lý tới 13.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 3.000 ha rừng thông mà 200 công nhân phải chịu đói thì vô lý quá. Vấn đề lớn được ông gỡ lúc này là nhen lên niềm tin cho người lao động và tìm thị trường, đối tác để tiêu thụ sản phẩm nhựa thông.

Cuộc họp đầu tiên ra mắt giám đốc mới, ông Long dõng dạc nói: “Tôi được điều về đây, các đồng chí có thể chưa tin tôi, nhưng tôi rất tin các đồng chí. Lúc này hơn lúc nào hết phải củng cố lại tình đoàn kết nội bộ; không được kéo bè kéo cánh, không bới móc chuyện cũ gây hoang mang”. Cuộc họp chỉ 2 tiếng đồng hồ xoay quanh chủ đề “chỉnh đốn tư tưởng người lao động” nhưng ai nghe và ngẫm nghĩ cũng thấy ông giám đốc mới nói có lý, có tình, họ như trút được những bức xúc, buồn nản từ lâu đang dồn nén trong lòng. Nhưng củng cố tư tưởng cho cán bộ, công nhân trong cơ quan chưa đủ mà phải siết chặt kỷ cương trong Đảng...

Càng tiếp xúc với nhiều đảng viên trong đơn vị và cả những đảng viên lão thành, ông càng hiểu nguyên nhân bắt đầu từ đảng viên thiếu gương mẫu trong công việc, thiếu ý thức xây dựng tập thể. Chính vì thế, vài tháng sau, Huyện ủy Hương Khê xuống đơn vị làm việc và yêu cầu tổ chức đại hội Đảng, nhưng ông Long phân tích rõ về thực trạng tình hình chi bộ ở đây, phải tiếp tục chỉnh đốn và đấu tranh phê và tự phê hơn nữa, lúc đó đại hội Đảng trong chi bộ mới thành công. Và cuối năm đó, đại hội đã diễn ra “thuận chèo mát mái” như ông dự kiến.

Củng cố được lòng tin trong Đảng, trong quần chúng đó là nền tảng vững chắc nhất để Giám đốc Trần Thanh Long tin ở mình có thể xoay chuyển được tình thế trong SXKD thích ứng với cơ chế thị trường. Kể từ đó trở đi, ông thường xuyên ăn không đúng bữa, ngủ không đúng giấc, hết ra Hà Nội lại vào Sài Gòn, hết đệ trình hồ sơ từ cơ quan này tới cơ quan khác, cố gắng hoàn tất công việc của mình. Sản phẩm nhựa thông đã được ký kết xuất khẩu sang Ấn Độ. Năm 1996 - năm đầu tiên trong lịch sử đơn vị đã xuất khẩu được 970 tấn nhựa thông trong kế hoạch khai thác 1.000 tấn nhựa.

Người lao động bắt đầu có thu nhập ổn định, cơ quan bắt đầu góp được vốn liếng để trả nợ dần cho ngân hàng và nộp ngân sách Nhà nước. Để thuận lợi trong làm ăn với đối tác, năm 1997, Lâm trường trồng rừng Hương Khê chính thức đổi tên thành “Công ty SXKD thông Hà Tĩnh”. Ông Long tâm sự với tôi: “Từ năm 1997-2007, năm nào đơn vị ông cũng xuất khẩu được từ 700 - 900 tấn nhựa. Không chỉ GQVL cho công nhân, đơn vị còn giúp hàng trăm nông dân có thêm thu nhập bằng làm hợp đồng chích nhựa”.

Tôi hỏi ông Long: “Rừng thông đang đẹp thế và nguyên liệu đầu ra đang ổn định sao ông lại chuyển hướng sang trồng cây cao su?”. Ông Long cười vui vẻ: “Trồng cao su là chiến lược lâu dài và bền vững nhất, định hướng này được Chính phủ khuyến khích. Chính vì thế, tôi đã tạo được cơ may và bước ngoặt cho đơn vị ngay từ lời đề xuất trong một cuộc họp được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự tán đồng và ủng hộ”.

Giã biệt cây thông để trồng cây cao su khi đã được các cơ quan chức năng đồng thuận và Tổng Công ty Cao su Việt Nam tích cực giúp đỡ, nhưng việc không hề dễ. Chuyện viết đơn thư nặc danh tố cáo ông hàng tập chưa đủ, họ còn gửi tin nhắn qua điện thoại đe dọa, nhưng tất cả những “ngón bài” đó không làm ông nhụt chí. Từ xung đột nhỏ đến xung đột lớn, xung đột nào người trực tiếp giải quyết hậu quả vẫn là Giám đốc Trần Thanh Long. Từ chuyện dành hẳn 1 năm trời ròng rã để người dân Sơn Hồng nghe và đồng thuận chuyển đổi hơn 850 ha rừng nghèo sang trồng cao su không chỉ có ông mà cán bộ, nhân viên của ông cũng trưởng thành lên nhiều từ công tác dân vận. Khi dân hiểu rồi thì không có việc gì gắn với lợi ích của dân mà dân không giúp.

Bây giờ công ty đã mở ra tới 7 nông trường trồng cao su tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Hương Sơn với diện tích được quy hoạch 10.000 ha, hơn 4.000 ha đất trồng cao su đã bắt đầu khép tán.

Giám đốc Trần Thanh Long đã nói đúng và làm đúng như thế. Ông Long thành thật chia sẻ: “Tôi đã được tặng nhiều bằng khen, huân chương và cả cúp vàng “Vì sự phát triển DN Việt Nam” nhưng điều hạnh phúc nhất đối với tôi đó là mái ấm gia đình, mái ấm đơn vị, mái ấm quê hương và mái ấm từ nhân dân”.

Một ngày không xa, những cánh rừng cao su bạt ngàn màu xanh kia sẽ thi nhau tuôn dòng mủ trắng. Một vị giám đốc khác sẽ thay thế ông, “tre già măng mọc” - đó là quy luật cuộc đời. Nghĩ thế, ông Long lại càng thấy vui, vì những hướng “đột phá” trong chiến lược kinh doanh của mình đang hiện hữu...

Tháng 11-2012

Bút ký

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast