Vụ “sưu cao thuế nặng” ở Can Lộc: Bi kịch hóa đời sống nông thôn

Sau “trận bão” thông tin về tình trạng “sưu cao thuế nặng” ở huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) được lan truyền trên báo và mạng điện tử, mới đây, Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản khẳng định, một số thông tin nói trên là “sai sự thật”, “thiếu tính xây dựng” và “bi kịch hóa đời sống ở nông thôn” cũng như ảnh hưởng đến chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Vụ “sưu cao thuế nặng” ở Can Lộc: Bi kịch hóa đời sống nông thôn ảnh 1

Xã tự đặt ra khoản thu vô lý?

“Tâm điểm” của những thông tin về “sưu cao thuế nặng” là xã Thường Nga (Can Lộc). Một số chi tiết, nhân vật của địa phương này được “chà đi xát lại” trong loạt bài “Gánh nặng quê nghèo”. Có thể tóm tắt chủ đề của loạt bài nói trên là địa phương đã tự áp đặt các khoản thu vô lý buộc người dân phải nộp, đến mức vụ thu hoạch xong, dân bán sạch lúa cũng không đủ tiền nộp. Đó là một nguyên nhân đẩy người dân đến cảnh bần cùng, khánh kiệt, người thì khóc lóc thảm thiết, kẻ thì phải trả ruộng, dắt díu nhau đi xứ khác làm ăn.... Một số tình huống được đẩy lên đến cao trào, tình cảnh người nông dân được mô tả chẳng khác gì “anh Pha, chị Dậu” thuở trước.

Để chứng minh địa phương đã tự đặt ra các khoản thu vô lý, nhóm tác giả đã dẫn ra khoản thu “Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất”, một loại quỹ lên tới 750 triệu đồng mà người dân không biết, cán bộ thôn cũng không hay, không có trong Nghị quyết HĐND xã. Tuy nhiên, để xây dựng phương án thu quỹ này, UBND xã Thường Nga đã có “Kế hoạch dự trù khối lượng làm đường, mương năm 2015 trình cử tri” ngày 20.12.2014. Ngày 30.12.2014, UBND xã tiếp tục có Tờ trình số 59/TTr-UBND, trình HĐND xã nội dung là “Quỹ giao thông thủy lợi nội đồng”. HĐND xã Thường Nga đã ban hành Nghị quyết số 47 ngày 9.1.2015 về xây dựng cơ bản và dự toán ngân sách năm 2015, đồng ý với tờ trình của UBND xã.

Điều đáng nói là trong Nghị quyết số 47 nói trên, danh mục “Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất” đã được thay bằng “Quỹ khác thu theo sào thay khẩu”. Đây là sơ suất đã được khai thác nhằm khẳng định khoản thu “Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất” không có trong Nghị quyết HĐND. Ở một số xóm, người dân đã họp bàn và thống nhất phương án hiến đất mở rộng đường, góp tiền làm đường bêtông (ximăng được tỉnh hỗ trợ) để xóa bỏ những con đường hẹp, lầy lội bao đời nay; một số xóm thì góp tiền xây dựng, tu sửa nhà văn hóa.

Về bản chất, đây là loại quỹ vận động nhân dân tự nguyện đóng góp để xây dựng làm đường, kênh mương nội đồng. “Các khoản thu để xây dựng nông thôn mới cơ bản được người dân đồng tình, vì thực chất họ được hưởng lợi. Tất nhiên cá biệt vẫn có một số người chống đối” - ông Trần Đình Hài - nguyên Bí thư Đảng bộ xã Nga Lộc - nói.

Nhờ huy động tốt các nguồn lực, trong đó chủ yếu từ nguồn ngân sách và các dự án, đến nay, xã Thường Nga đã đạt 12/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Bộ mặt địa phương đã thay đổi hẳn so với trước đây với hệ thống đường sá, kênh mương, các công trình như nhà văn hóa, trường học, trạm xá... đều khang trang. Đặc biệt, địa phương đã xây dựng được 68 mô hình sản xuất như chăn nuôi trang trại tập trung, trồng cây ăn quả có giá trị, nuôi bò sữa... góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 15% vào năm 2010 đến nay đã xuống dưới 5%.

Một số địa phương cũng bị phản ánh có tình trạng “sưu cao thuế nặng” như xã Thanh Lộc thì đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nên không còn huy động dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng. Xã Kim Lộc đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nên huy động người dân đóng góp xây dựng trường mầm non, nhà văn hóa.

Về danh mục các khoản thu, theo liệt kê thì nhiều, nhưng trong đó có hai loại là các loại quỹ theo quy định của Nhà nước như phòng, chống thiên tai, quỹ bảo trợ trẻ em, quỹ khuyến học, đền ơn đáp nghĩa. Thực chất số tiền nộp cho các loại quỹ này không đáng kể. Loại thứ hai là huy động đóng góp của người dân để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn mới như đường bê tông, kênh mương, nhà văn hóa, trường học... được thực hiện thu theo khẩu hoặc theo đầu sào ruộng.

Đây cũng là điều tất yếu vì chủ trương xây dựng nông thôn mới là huy động sức dân để lo cho dân, người dân có quyền và nghĩa vụ đóng góp xây dựng quê hương. Tuy nhiên, đối với một số hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn thì các khoản thu xây dựng hạ tầng là nặng. Bên cạnh đó, có một số khoản thu không đúng quy định như thu tiền để xây dựng trụ sở xã, trả phụ cấp cho cán bộ các đoàn thể không có lương, một số cán bộ giải thích cho dân cũng chưa đầy đủ... Đây là những bất cập, sai sót đã được chỉ ra và huyện Can Lộc đã chỉ đạo khắc phục.

Bi kịch hóa đời sống nông thôn

Tại xã Thường Nga, hiện nay số hộ nghèo đã giảm xuống 5%, trong đó có một số hộ đặc biệt nghèo đã được phản ánh trên báo chí như hộ chị Trần Thị Thành (xóm Đông Nam), chồng bị ung thư qua đời, đông con tuổi ăn học. Theo biên bản họp xóm, mỗi khẩu phải đóng 200.000 đồng để góp xây dựng đường xóm, còn tại xã, trong năm 2015, chị Thành phải nộp 403.000 đồng, ngoài ra còn một số khoản nợ của các năm trước dồn lại. Quả thật địa phương đã thiếu uyển chuyển trong việc vận động các khoản thu đối với hộ chị Thành; hay với trường hợp bà Lê Thị Hương (xóm Văn Minh), hộ cận nghèo do già cả, chậm chạp, con cái đau ốm. Tuy nhiên, nhìn vào các trường hợp cá biệt này để vẽ bức tranh cuộc sống người dân ở nông thôn hiện nay là cách nhìn phiến diện. Nguyên nhân dẫn tới nghèo đói của các hộ này là do hoạn nạn, đau ốm, chứ không phải từ các khoản thu của chính quyền.

Để tăng thêm độ “tối” cho bức tranh về đời sống nông thôn, một số bài báo còn đặt ra phép tính chi phí đầu tư của một sào ruộng ở xã Kim Lộc còn cao hơn tổng giá trị sản phẩm thu hoạch được. Trong tình cảnh đó, các khoản thu của chính quyền đã khiến người dân khánh kiệt, phải viết đơn trả ruộng, bỏ làng dắt díu nhau đi xứ khác kiếm sống. Đỉnh cao của “bi kịch” là chuyện ông Nguyễn Công Khoa (xã Thường Nga) bị khai trừ khỏi Đảng vì thiếu 29kg thóc để nộp “sản”.

Không chỉ từ góc nhìn phiến diện, tác dụng của những thông tin “bi kịch” về nông thôn còn diễn đạt thiếu trung thực, thổi phồng sự việc nhằm gây ấn tượng mạnh. Trường hợp bà Lê Thị Hương khóc được chú thích là “khóc khi nhắc đến các khoản thu” đã bị chính bà này phản ứng quyết liệt vì nguyên nhân khóc là tủi thân do hoàn cảnh khó khăn, chứ không liên quan chuyện thuế má. Đảng ủy xã Thường Nga đã có văn bản khẳng định ông Nguyễn Công Khoa không bị khai trừ ra khỏi Đảng, mà là ông này xin xóa tên đảng viên.

Mặt khác, chuyện xảy ra đã 24 năm, nhưng được nhắc lại mà không nói rõ thời gian, nên mọi người nghĩ rằng tổ chức Đảng hiện nay đã khai trừ ông Nguyễn Công Khoa. Đây là chi tiết “đổ dầu vào lửa” trong hiện trạng thông tin người dân bị o ép vì các khoản thu đang lan truyền. Phép tính đầu tư cho một sào ruộng bị lỗ cũng bị chính nhân vật liên quan - bà Nguyễn Thị Phúc (xã Kim Lộc) - phủ nhận. Theo bà Phúc, mỗi sào ruộng mỗi vụ tính trung bình cũng lời được khoảng 1 triệu đồng. “Nếu mà lỗ, thì ai làm” - bà Phúc nói. Chuyện nông dân viết đơn trả ruộng cũng đã bị UBND xã Kim Lộc bác bỏ, địa phương hiện nay là một trong những vùng thâm canh lúa khá nhất huyện.

Thông tin thiếu tính xây dựng

Theo Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Hà Tĩnh Phan Tấn Linh tại công văn số 91 ngày 29.7.2015, thì nội dung phản ánh về tình trạng “sưu cao thuế nặng” tại Can Lộc có một số thông tin sai sự thật, thiếu tính xây dựng, bi kịch hóa đời sống ở nông thôn, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của địa phương; đặc biệt là ảnh hưởng đến những nỗ lực, thành tựu của các xã, của huyện và của tỉnh Hà Tĩnh trong xây dựng nông thôn mới.

Theo laodong.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast