Xanh thắm những đồi chè

Nhớ lại cái thời mới vào nghiệp báo, tôi đạp xe không chuông không phanh cùng một đồng nghiệp đến với Nông trường Chè Tây Sơn. Hồi ấy đạp xe đã vất vả nhưng vào được vùng sơn cước này lại vất vả hơn. Phía bên kia sông Ngàn Phố, Tây Sơn như một ốc đảo, chờ mãi mới có một chuyến đò. Mới đó mà đã hơn 20 năm, vùng đất thâm u ngày nào giờ đã thành làng công nhân trù phú...

Những ngọn đồi với vòng sóng lượn của chè theo hình xoáy trôn ốc hiện dần ra trước mắt tôi. Nắng tháng ba tráng một lớp nhũ vàng làm cho búp chè như rướn hết sức để khoe màu non mới. Hoa chè nhuần nhụy và tinh khiết tẩm vào gió một mùi hương thơm lan tỏa khắp không gian.

Công nhân Xí nghiệp chè Tây Sơn thu hoạch chè - Ảnh: Đậu Bình.
Công nhân Xí nghiệp chè Tây Sơn thu hoạch chè - Ảnh: Đậu Bình.

Giám đốc Nguyễn Văn Nhâm nước da bánh mật, cặp lông mày rậm, bước đi xăng xái, ông nói: "Tiềm năng của đất Tây Sơn không thể có một vùng đất nào ở Hà Tĩnh lại trồng chè tốt bằng. Nếu tính tới đức tính cần cù và sáng tạo trong lao động cũng chẳng ai bằng công nhân ở đây". Anh Nhâm mở tủ gỗ lấy ra một tấm bản đồ to đặt trên bàn và cầm cây thước chỉ cho tôi: "Những vùng đất mà chúng tôi được tỉnh cho phép quản lý và sản xuất không chỉ vững mạnh cho hôm nay".

Tháng 12-2009, Xí nghiệp Chè Tây Sơn đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm thành lập. Cuộc gặp gỡ đầy cảm động, khi bao nhiêu thế hệ già trẻ được dịp sum vầy bên nhau. Có người xin hát lại bài hát cũ một thời mình đã hát, có người xin gửi cảm xúc chân thành bằng một bài thơ mới. Những nhân vật hiện diện hôm nay chính là lịch sử tái hiện lại một thời gian khổ nhưng đầy ắp niềm tin.

Bí thư chi bộ Nguyễn Mạnh Thường - người đầu tiên đặt chân lên khai sơn phá thạch để gieo hạt giống chè vào xứ sở này bây giờ đã ngoài 80 tuổi. Tôi chưa hình dung nổi nhờ một thời hăng say lao động và uống nhiều nước chè xanh hay trời ban mà vị "trưởng lão" này lại đang sung sức đến vậy. Ông Thường đôn hậu, nước da hồng hào và đặc biệt bộ tóc bộ râu đều trắng như cước.

Từ khi về hưu tới nay, ông đã trở thành ông lang quen thuộc ở Hương Sơn với những vị thuốc gia truyền được nhân dân tin dùng. Nhắc lại thời trai trẻ, ông nhớ vanh vách từng đồi chè to đến lô chè nhỏ. Mỗi lời tâm sự của người đầu tiên "mở lối" lớp hậu duệ xứ chè càng hiểu thêm sự hy sinh thầm lặng của họ. Cả bốn bề là rừng rậm cả bốn bề lau lách, 8 chàng trai trẻ, trong đó có Nguyễn Mạnh Thường, Đặng Xuân Yến, Hồ Phạm Phức, Hà Huy Lân... hàng ngày phát quang bụi rậm cùng cán bộ trắc địa cắm cọc tiêu xác định lô khoảnh để quy hoạch và canh tác.

Đến thời điểm này, cả Xí nghiệp Chè Tây Sơn đã có gần 250ha diện tích đất trồng chè giống mới năng suất cao và 500ha đất trọc được phủ xanh kết tinh từ ý chí "bàn tay ta làm nên tất cả". Cả tập thể đang dồn lực để đạt mục tiêu từ năm 2010 trở đi đưa năng suất chè lên 80 tạ/ha, xây dựng vùng chè Tây Sơn có quy mô hơn 500ha vào năm 2015, với tổng sản lượng chè búp tươi hơn 4.000 tấn.

Nông trường (năm 1959) lúc đó đặt tên là Voi Bổ, thoạt nghe đã được làm bạn với thú rừng hoang dã rồi. Không nói gì lên Tây Bắc "trèo dốc núi" xa xôi, ở vùng thượng huyện Hương Sơn thưở ấy, lên vùng Ngã Đôi, Rào Mắc, Voi Bổ, Chi Lời... phải là những người mang trong mình trái tim Đam San dũng cảm. Dũng cảm để chấp nhận thiếu thốn trăm bề: thiếu gạo, thiếu muối, thiếu thông tin và thiếu cả tình cảm gia đình, quê hương. Dũng cảm để chống chọi với những cơn sốt rét hạnh hạ đến xanh nhợt làn da.

Ông Thường nhớ lại, hồi ấy voi dữ ra nhiều lắm, voi ra dẫm nát cả vừa ươm chè, anh em nửa đêm phải thức dậy đuổi nó mới chịu tháo lui. Lại có hôm ông Lân đang nằm ngủ tự nhiên ở dưới chân giường mình có tiếng kêu khẹt khẹt. Ông Lân gọi mấy anh em bật dậy và pin đèn soi thì chao ôi một con rắn cạp nong đang khoanh tròn... Chuyện trồng chè hoang dã của những người công nhân Nông trường Chè Tây Sơn những ngày ấy bây giờ chép lại nghe vẫn thấy rùng mình.

Điều kỳ diệu là từ vùng đất Tây Sơn hoang dã đã lay thức hàng trăm nam nữ thanh niên tới nơi này. Bàn tay họ ươm mầm chè xanh tới đâu thì nơi đó dào lên lên sức sống mới. Cô thôn nữ Nguyễn Thị Xuân sinh ra bên bến nước sông La lên đây từ cái thưở tuổi "mười bảy bẻ gãy sừng trâu" bây giờ đã có cháu nội và cháu ngoại, kể rằng: Tôi và chồng tôi hồi đó bàn đến chuyện yêu đương ai cũng thẹn đỏ mặt. Nhưng chuyện khai hoang trồng chè thì làm không khi nào thấy mệt. Lúc đó ở quê tôi chưa biết cày, cứ cầm cày vài bước con trâu đen lại muốn lồng lên như con ngựa bất kham vì lưỡi cày không xới đất lên được. Học cày phải mất vài tháng mới đi đúng vòng xẻ đúng độ sâu, chồng tôi phải tốn công lắm mới huấn luyện được tôi có đường cày đảm đang...".

Vừa nhắc lại những dòng hồi ức này, chị Xuân vừa cười ngặt nghẽo. Chị tâm sự tiếp: Nhiều bữa máy bay rà thấp quá, công nhân đang làm phải vào hầm trú ẩn. Công nhân thời ấy lên tới hơn 300 người, đơn vị vừa sản xuất vừa thành lập làng chiến đấu. Phương tiện sản xuất trong thời chiến của đơn vị chỉ có vài chiếc máy rà rễ và 3 máy kéo C100 của Liên Xô trợ giúp. Thiếu dầu chạy máy, những chàng thanh niên trẻ của Nông trường lại hăm hở đạp xe ra Hà Nội lầm lũi trong đêm khuya để chở từng can dầu. Đường đi hàng trăm cây số, vượt qua những đường vừa mới tắt khói bom. Chiến tranh nhưng cây chè và lòng người Tây Sơn thanh thản đến lạ lùng.

Điều thú vị nhất là những đêm trăng sáng vằng vặc ra đồi hái chè, gió nam lồng lộng thổi, cả đồi chè Tây Sơn tắm trong biển trăng... Không hiểu từ trăng hay từ rễ chè bén duyên đất để nhiều đôi trai gái bén duyên tơ: Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét / Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng/ Như xuân đến chim rừng lông trở biếc/ Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương.

Một tình yêu bao la trong sáng và cao thượng của bao nhiêu thế hệ trồng chè Tây Sơn đã tạo nên làng công nhân Tây Sơn hôm nay. Tình yêu như phép màu kỳ diệu bắt núi phải cúi đầu, bắt đất dồn nhựa sống nuôi cây, bắt chè phải thành búp thành lá.

Tình cờ trong chuyến đi công tác lần này, tôi gặp lại hai người thân hữu học hồi phổ thông. Anh Phan Văn Cầu (quê Sơn Bình) hiện làm trưởng phòng tổ chức hành chính của cơ quan. Sau đêm ngủ tại nhà Cầu, tôi hiểu thêm sức sống của làng công nhân chè Tây Sơn. Một ngôi nhà ba gian thoáng đãng được cấu trúc bằng gỗ: cột gỗ, trần gỗ, cửa gỗ và cái phản nằm đến lọ hoa bài trí trong nhà cũng gỗ. Gỗ mít, xoan đâu, sang, hóp... Thứ này làm nhà vừa đẹp vừa chắc.

Nhớ lại thời điểm năm 1986-1988, gia đình anh Cầu cũng như một số gia đình công nhân khác định quay gót về quê cày ruộng bởi nghề chè khó khăn quá... Gạo không đủ ăn, con cái đi học cách trở sông đò... Trăm thứ thiếu chỉ vì sản phẩm bế tắc do chất lượng chưa đảm bảo. May sao nghề chè đổi mới phương thức làm ăn. Nông truờng Chè Tây Sơn được đổi tên thành Xí nghiệp Chè Tây Sơn và thực sự "trở dạ đất bằng cuộc cách mạng xanh".

Cách mạng về khoán sản phẩm tới người lao động. Cách mạng về thay đổi thiết bị tiên tiến. Cách mạng về phương thức quản lý tổ chức và chính sách khuyến khích ưu đãi đối với những người sản xuất. Đơn vị trở thành một thành viên trực thuộc Công ty Chè Hà Tĩnh. Hành trình cho sản phẩm chè nối vòng tay với bạn bè trên thế giới được xuất phát từ sự tự đổi đời. Cho tới hôm nay, phương thức khoán hộ vẫn được xem là phương thức tối ưu. Mỗi hộ nhận khoán từ 1 - 2ha đất trồng chè thì cả xí nghiệp lên tới hàng trăm héc ta chè. Theo ông Nguyễn Văn Nhâm: "Nghề trồng chè trên đất Tây Sơn hiện nay tuy chưa giàu nhưng không bao giờ thua lỗ. Xí nghiệp đổi mới trong khâu kỹ thuật chế biến và cung ứng các dịch vụ cho cây chè. Người sản xuất chủ động trong sản xuất chăm sóc".

Nghề trồng chè và thu hoạch chè đều theo thời vụ. Quỹ thời gian khá nhiều, đất đai dư giả nên nhà nào cũng tạo lập cuộc sống cho mình hai chân: một chân bám vào cây chè, một chân bám vào chăn nuôi. Hàng trăm gia đình Tây Sơn ai cũng có chuồng trại gia súc gia cầm. Về Tây Sơn giữa tháng ba này không chỉ được thưởng ngoạn hương vị chè thơm, còn được thưởng ngoạn vẻ đẹp của đàn trâu đen láng mượt, đàn bò vàng đốm lửa đang nhai cỏ phởn phơ và những chú hươu sao ngơ ngác trổ cặp nhung hồng.

Dưới đồi chè xanh ngắt lặng lẽ những hàng cây trẩu đang nở bừng hoa trắng. Mặt trời đang lên xanh thắm trên những đồi chè với tiếng cười ban mai trong trẻo...

Tháng 3-2010

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast