Xử lý “mỗi nơi mỗi kiểu”

Trong khi một số nơi xử lý cán bộ, đảng viên (CBĐV) vi phạm chính sách DS/KHHGĐ nghiêm minh thì những nơi khác, việc xử lý lại nương nhẹ. Chính việc xử lý “mỗi nơi mỗi kiểu”, chưa tạo được sự thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác DS/KHHGĐ. Đã đến lúc cần xây dựng một quy chế thống nhất trong xử lý CBĐV vi phạm chính sách DS/KHHGĐ.

Cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS/KHHGĐ

Vi phạm chính sách DS/KHHGĐ. Xử lý? Hình minh họa
Vi phạm chính sách DS/KHHGĐ. Xử lý? Hình minh họa

Là huyện có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên nằm ở tốp đầu toàn tỉnh, trong đó, số lượng CBĐV vi phạm chính sách DS/KHHGĐ chiếm tỷ lệ cao nên gần đây, Lộc Hà siết chặt việc xử lý cán bộ, công chức vi phạm chính sách DS/KHHGĐ. Đáng kể, năm 2012, Trưởng phòng Giáo dục huyện Lộc Hà bị luân chuyển về làm Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu Phạm Bá Nội bị luân chuyển xuống vị trí thấp hơn. Từ đầu năm 2013 đến nay, huyện Lộc Hà đã luân chuyển 32 trường hợp là giáo viên vi phạm chính sách DS/KHHGĐ theo hướng từ trường thuận lợi sang trường khó khăn.

Ông Trần Xuân Lương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết: “Để siết chặt việc xử lý CBĐV vi phạm chính sách DS/KHHGĐ, huyện ban hành quy chế về tiếp nhận, luân chuyển, thuyên chuyển cán bộ, giáo viên trên địa bàn huyện. Trong quy chế có nội dung trường hợp vi phạm chính sách dân số sẽ phải chịu hình thức kỷ luật thuyên chuyển công tác. Sau khi ban hành quy chế, huyện tiến hành phổ biến và lấy ý kiến góp ý ở tất cả các trường học trên địa bàn huyện nên tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao”. Với cán bộ, giáo viên, Lộc Hà áp dụng quy chế luân chuyển, thuyên chuyển nhưng đối với trường hợp là đảng viên không giữ chức vụ thì việc xử lý chỉ có thể áp dụng mức khiển trách. Chính mức xử phạt quá nhẹ này là nguyên nhân khiến tình trạng CBĐV vi phạm chính sách DS/KHHGĐ gia tăng.

Cùng vi phạm chính sách DS/KHHGĐ, nhưng việc xử lý ở mỗi địa phương mỗi khác. Ngay trong một huyện, các địa phương có mức độ xử lý khác nhau thì giữa các huyện, việc xử lý càng thiếu sự thống nhất, đồng bộ. ở huyện Đức Thọ, một số trường hợp là đảng viên giữ chức vụ vi phạm chính sách DS/KHHGĐ nhưng chỉ bị xử lý ở mức độ khiển trách như: Phó ban Quản lý dự án UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lễ. Nhiều địa phương, trường hợp CBĐV vi phạm chỉ mới xử lý về mặt đảng mà chưa xử lý về mặt chính quyền.

Thực hiện KHHGĐ để có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con tốt (ảnh chụp tại Trường Mầm non xã Kỳ Lợi). Ảnh: Phan Trâm
Thực hiện KHHGĐ để có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con tốt (ảnh chụp tại Trường Mầm non xã Kỳ Lợi). Ảnh: Phan Trâm

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đức Thọ Nguyễn Minh Tài cho biết: “Hình thức xử lý kỷ luật đối với đảng viên sinh con thứ 3 trở lên quá nhẹ nên có một số đảng viên, nhất là những trường hợp sinh con một bề “tình nguyện” bị xử lý kỷ luật để được sinh con thứ 3”. Hiện nay, đối với công chức, viên chức là đảng viên vi phạm chính sách DS/KHHGĐ thì xử lý theo Quyết định 09/QĐ-TW ngày 24/3/2011 của Bộ Chính trị (thay cho Quy định 94/QĐ-TW ngày 15/10/2007) là kỷ luật bằng hình thức khiển trách nếu sinh con thứ 3, cảnh cáo hoặc cách chức nếu sinh con thứ 4 (nếu có chức vụ), khai trừ khỏi đảng nếu sinh con thứ 5. Nếu công chức, viên chức không là đảng viên thì xử lý theo Nghị định số 114/2006/NĐ-CP ngày 3/10/2006 của Chính phủ và Quyết định số 18/2009/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Anh Phan Quỳnh Lam - Trưởng phòng Truyền thông của Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh cho biết: “Hiện tại, Quyết định số 18 của UBND tỉnh đã bộc lộ những điểm yếu. Quy định về xử phạt CBĐV vi phạm chính sách DS/KHHGĐ chưa cụ thể và chế tài chưa đủ mạnh để răn đe. Bởi vậy, tỉnh cần ban hành một văn bản mới, thống nhất trong xử lý CBĐV vi phạm chính sách DS/KHHGĐ trên địa bàn toàn tỉnh”.

Cũng theo anh Phan Quỳnh Lam, trước khi sửa đổi, bổ sung Quy định 94/QĐ–TW của Bộ Chính trị, những đảng viên giữ các chức vụ chính quyền, đảng, đoàn thể nếu vi phạm chính sách DS/KHHGĐ thì bị xử lý khá nặng, thậm chí bị cách chức về đảng, đoàn thể, chính quyền nên việc chấp hành của CBĐV tốt hơn. Bởi vậy, T.Ư cần xem xét sửa đổi quy định xử lý đối với đảng viên vi phạm, hình thức xử lý cần nghiêm minh hơn, mang tính răn đe và làm gương đối với quần chúng. Ủy ban Kiểm tra T.Ư cần có hướng dẫn cụ thể hơn việc xử lý kỷ luật đối với đảng viên giữ các chức vụ Đảng, đoàn thể, chính quyền vi phạm chính sách DS/KHHGĐ.

Phó Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh Nguyễn Huy Tú cho biết: Trước tình trạng CBĐV vi phạm chính sách DS/KHHGĐ ngày càng tăng nhưng mức độ xử lý vi phạm mà T.Ư quy định còn quá nhẹ, thiếu chặt chẽ, tỉnh ta đang xây dựng quy chế về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách DS/KHHGĐ. Quy chế ra đời sẽ tạo được sự thống nhất chung trong xử lý cán bộ, công chức vi phạm chính sách DS/KHHGĐ và những hình thức xử lý nghiêm minh, mang tính răn đe sẽ góp phần đẩy lùi tình trạng CBĐV vi phạm chính sách DS/KHHGĐ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast