Xuân ấm lòng người Chứt

Con đường cấp phối từ trung tâm xã vùng sâu Hương Lâm (Hương Khê - Hà Tĩnh) vào bản Giàng 2 uốn quanh sườn núi chênh vênh, càng đi càng hun hút. Những đoạn đang thi công tuyến đường vành đai biên giới, tôi phải nhờ những người dân đi rừng trợ giúp đẩy xe mới vượt nổi dốc. Chân người trước nhấc lên, chân người sau bước tới, mồ hôi thấm đẫm lưng áo, chảy thành dòng xuống mắt cay xè, nhưng đầu ngón tay vẫn bị cái rét cuối đông nơi miền biên viễn làm tê cứng.

Ngôi nhà gỗ lợp ngói, thưng ván thoáng mát và sạch sẽ của trưởng bản Hồ Thị Hồng nằm chon von bên sườn núi đầu bản, hướng ra con suối Cà Rờ. Quây quần quanh bếp lửa hồng sưởi ấm ở giữa nhà, còn có già bản Hồ Thoòng, trung tá Phan Văn Vị – chính trị viên Đồn biên phòng bản Giàng 575 và đại uý Nguyễn Trung Thành – cán bộ vận động quần chúng của đồn và là chồng của trưởng bản Hồng. Câu chuyện của bà con dân bản và những người lính biên phòng cứ nổ tràn như ngô rang, xua tan cái lạnh giá cuối đông nơi miền biên ải.

Bộ đội biên phòng Đồn 575 đến tận nhà vận động dân bản thực hiện nếp sống mới.

Bộ đội biên phòng Đồn 575 đến tận nhà vận động dân bản thực hiện nếp sống mới.

Già bản Hồ Thoòng năm nay đã sống qua hơn 70 mùa rẫy, ấy là con số áng chừng vậy thôi, chứ già không thể nhớ chính xác tuổi của mình bởi từ ngày cất tiếng khóc chào đời đến khi già sinh con đẻ cái rồi nuôi chúng khôn lớn là một chuỗi ngày dài lầm lũi như con nai, con hoãng trong chốn hang sâu nơi đầu nguồn con suối Cà Rờ. Già bảo, theo như gia phả hiện già còn lưu giữ, tổ tiên của người Rục bản Giàng là cặp vợ chồng người trời phái xuống trần. Đó chỉ là huyền sử, cũng giống như chuyện đẻ trăm trứng của người Kinh nhưng để ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục và gốc tích của mình nên bản mới có tên là Giàng - bản của người Trời.

Gốc gác là như thế nhưng đã bao đời nay họ hàng người Chứt đều sinh ra trong hang núi, gọi nhau bằng tên các loài cây rừng và đều có chung họ Nai – tên của loài vật hiền lành, dễ thương và có cùng kiếp sống như dân bản. Cái tên Hồ Nang của già cũng như tên gọi của hơn ba chục con người trong bản hiện nay là do bộ đội biên phòng đồn 575 khai sinh cách đây mới chỉ hơn chục năm trời.

Vâng! Đã hơn chục năm người Rục bản Giàng được bộ đội biên phòng tìm thấy trong chốn hang sâu đem về đây dựng nhà cho họ định cư và giúp họ hoà nhập với cộng đồng. Chỉ mới hơn chục năm người dân bản Giàng được sống đúng nghĩa kiếp con người. Là người lính từng có mặt giúp dân bản từ những ngày đầu ấy, đại uý Thành hào hứng kể lại những năm tháng cán bộ, chiến sĩ đồn 575 cùng dân bản Giàng lăn lộn với đồng đất đưa cây lúa nước lên miền biên ải này giúp bà con ổn định cuộc sống.

Qua nắm bắt tâm lý và nguyện vọng của dân bản, anh em trong đồn hiểu rằng, sở dĩ người Rục thích sống du canh, du cư là do họ không tìm ra được hướng làm ăn để ổn định cuộc sống. Lãnh đạo, chỉ huy đồn xác định, muốn giữ chân dân bản và để ổn định cuộc sống lâu dài cần phải “cho họ chiếc cần câu, chứ không cho xâu cá”. Vì thế, anh em trong đồn đã khảo sát, chọn vùng thung lũng khá rộng và tương đối bằng phẳng hai bên con suối Cà Rờ để dựng nhà lập bản cho bà con.

Với cái nhìn của những “nhà kinh tế”, ý tưởng của đồn đề xuất với cấp trên và địa phương vận động dân bản ngăn suối giữ nước trồng lúa xem ra khá thuận lợi. Cái khó đặt ra, là cán bộ, chiến sĩ đều là con nhà nông, ở dưới đồng bằng cả đấy, nhưng học xong phổ thông là đi bộ đội. Một năm đôi ba lần về phép, tranh thủ, thương bố mẹ, vợ con có tham gia việc đồng áng, thì cũng mẹ, vợ bảo sao làm vậy. Mấy ai tìm hiểu tường tận kỹ thuật gieo trồng, nhất là với các loại giống lúa mới đòi hỏi phải áp dụng những biện pháp kỹ thuật khắt khe. Do vậy, nhận giúp đỡ người dân khai đất trồng lúa nước, lúc đầu cán bộ, chiễn sĩ đồn 575 cứ như “gà mắc tóc”, nhưng rồi họ cũng gỡ được, bằng nhiều biện pháp tích cực.

Các lực lượng thi công tuyến đường vành đai biên giới về bản Giàng.

Các lực lượng thi công tuyến đường vành đai biên giới về bản Giàng.

Đầu tiên là lựa chọn những người quê ở các vựa lúa có chút kinh nghiệm, nhờ các cơ quan chức năng ở địa phương bồi dưỡng và tự học, tự nghiên cứu qua các sách kỹ thuật nông nghiệp mà đồn đã mua, sưu tầm. Khi đã nắm bắt khá vững kỹ thuật canh tác, đội vận động quần chúng và nhiều cán bộ, chiến sĩ khác toả khắp các bản làng, “3 cùng” tận gia đình để cùng ăn, cùng ở, cùng làm, vừa vận động, vừa trực tiếp giúp đỡ dân bản gieo cấy, chăm sóc lúa. Mùa khô năm 1997 là những ngày đáng nhớ nhất của bà con dân bản và những người lính biên phòng nơi đây, đó là thời khắc những hạt thóc vàng đầu tiên ngào ngạt toả hương trên những bờ ruộng chênh vênh bên sườn núi hứa hẹn một cuộc sống ấm no đang về.

Những tháng ngày cùng nhau lăn lộn trên đồng đất cho cây lúa kết nhánh đơm bông càng gắn chặt thêm mối tình quân dân keo sơn gắn bó, dân bản yêu quý gọi bộ đội biên phòng là “người nhà của bản”. Trong niềm vui chung ấy đã nẩy nở mối tình tuyệt đẹp giữa đại uý Thành và trưởng bản Hồng, lúc ấy đang là bí thư chi đoàn thanh niên bản. Anh Thành quê ở xã Sơn Hoà, huyện Hương Sơn, sau khi tốt nghiệp trường trung cấp biên phòng được điều động lên đây công tác. Vốn là một cán bộ của đội vận động quần chúng nên Thành có cơ hội tiếp xúc nhiều, và qua những đêm dạy xoá mù cho bà con, Thành đã lọt vào mắt xanh cô bí thư chi đoàn xinh nhất bản. Mối tình của họ cứ lớn dần lên theo những mùa lúa trĩu bông xua đi cái đói quay đói quắt của người dân nơi miền biên ải. Hai bạn trẻ đã cưới nhau năm 1999 và quyết định gắn bó suốt đời với vùng biên cương này, hiện họ đã có 2 cậu con trai đang tuổi đến trường.

Là thế hệ sinh ra và lớn lên trong hang núi, nhưng lại được những người lính khai sinh và chắp cánh ước mơ, trưởng bản Hồng không giấu nổi niềm hạnh phúc trước sự đổi đời của dòng tộc mình. Chị cho biết, công ơn của những người lính biên phòng với người dân bản Giàng không biết kể sao cho hết, điều đầu tiên dân bản biết ơn là bộ đội đã giúp dân thay đổi tập quán du canh, du cư sống nhờ vào củ chuối, củ mài đào được ở rừng sang sống định cư.

Đồn biên phòng 575 được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 18km đường biên thuộc địa bàn 3 xã biên giới Hương Vĩnh, Hương Lâm và Hương Liên của huyện Hương Khê. Ngoài nhiệm vụ giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, Đồn 575 còn đảm nhiệm dự án bảo tồn đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre và bản Giàng 2. Với phương châm “3 cùng”, hơn chục năm qua, cán bộ, chiến sĩ của đồn thường xuyên bám dân, bám bản, từng bước đưa đồng bào hoà nhập với cộng đồng. Từ một tộc người du canh, du cư, đến nay 100% người Chứt ở 3 bản đã biết chữ và được làm giấy khai sinh, toàn bộ các nóc nhà trong bản đều được ngói hoá, đường làng được đổ bê tông sạch đẹp; bản Rào Tre hiện đã có chi bộ với 3 đảng viên là trưởng bản, chi hội trưởng phụ nữ và một đảng viên trẻ.

Những người lính đã ngăn suối lấy nước, giúp dân khai hoang được hơn 10ha ruộng lúa, dạy dân biết làm nhà để ở, biết trồng cây lúa nước để lấy gạo ăn. Hiện gia đình nào cũng đã có nhà, có ruộng, giỏi làm lúa nước nhất bản là nhà Hồ Sơn mỗi năm thu về hơn 1 tấn thóc, nhà ít cũng được vài ba tạ. Hạt gạo nặng tình ân nghĩa thấm đẫm mồ hôi, công sức của những người lính biên phòng giúp cái bụng người Chứt bớt đói, giữ cho đôi chân dân bản không còn bị lạc bước vào chốn hang sâu. Cái bụng bớt đói thì cái bệnh cũng giảm, và mỗi lúc dân bản ốm đau đã có những viên thuốc chắt chiu từ tiêu chuẩn của anh em trong đồn 575 cứu giúp.

Điều này cũng đã giúp dân bản hiểu ra rằng, bệnh tật không phải do con ma rừng làm tội, muốn phòng tránh nó phải ăn chín uống sôi, phải bắt con trâu, con lợn không được ngủ chung với con người. Dẫu chưa hết cảnh tháng tám ngày ba, nhưng những gì có được hôm nay đã mở ra cho người Chứt bản Giàng một chân trời mới. Hiện bản đã có 2 đảng viên, là trưởng bản Hồng và thiếu uý Hồ Văn Kiều – nhân viên đội vũ trang của đồn 575. Bản có hai quân nhân được nhập ngũ vào đồn là thiếu uý Hồ Văn Kiều và binh nhì Hồ Văn Hải, có 12 cháu đang ở độ tuổi đến trường được nuôi học ở Trường dân tộc nội trú huyện Hương Khê.

Người Chứt ở nơi rừng sâu núi thẳm này đã vinh dự được đón Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, 2 lần đón Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm hỏi, động viên. Điều đáng mừng nhất là hiện 100% con em dân tộc Chứt ở độ tuổi đến trường đều được đi học, có 2 cháu đang theo học ở Trường Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội. Những cô bé, cậu bé hôm nay biết vượt rừng về huyện trọ học rồi đây sẽ vươn tới những chân trời tri thức cao hơn, sẽ là thế hệ tương lai của những người Chứt nơi miền biên ải đang biết vươn mình tiến kịp miền xuôi.

Tháng 01.2010

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast