70 năm ấy biết bao nhiêu tình!

(Baohatinh.vn) - Tôi về tổ dân phố Tuy Hòa, phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh), tìm đến nhà ông Đoàn Trọng Hách trong một ngày đông nắng ấm. Sửa sang lại chiếc khăn chít mỏ quạ, bà Lê Thị Lan – vợ ông Hách bảo: “Gần 90 tuổi rồi, ông nhà tôi sức cũng đã yếu nhiều. Cùng tuổi đời nhưng ông hơn tôi 2 tuổi Đảng, thêm năm nữa, tôi mới nhận huy hiệu 70 năm. “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ” chẳng biết có sống đến ngày đó”. Nói thế, nhưng bà lại cười. Nụ cười vang xa…

Nhìn bà Lan, tôi chợt nhớ đến hình ảnh người bà trong cổ tích xa xăm với miệng nhai trầu, hàm răng đen, ánh mắt cười hiện nhiều nếp nhăn vì năm tháng. Cạnh bà, ông Hách khuôn mặt đầy đặn, nước da trắng đỏ, mái tóc bạc trắng. Trước mắt tôi là hai ông bà gần 90 tuổi ư? Tôi không thể tưởng tượng được rằng, ở độ tuổi thượng thọ ấy, ông bà lại có thể có thần thái và sự tỉnh táo tuyệt vời đến thế.

70 năm ấy biết bao nhiêu tình! ảnh 1

Ông Hách - bà Lan trở thành những người cất giữ nhiều câu chuyện

Trò chuyện, tôi được biết, trước đây, ông là giáo viên, bà là cán bộ xã. Ông bảo: “Ông tham gia giành chính quyền ở xã Đồng Lưu, Thạch Hà quê ông. Sau Cách mạng tháng Tám, ông được Bí thư chi bộ xã và Chủ tịch UBND xã Đồng Lưu giới thiệu kết nạp Đảng”. Từ sau sự kiện ấy, ông giữ cương vị Phó Bí thư Việt Minh xã. Cơ duyên, hay nói đúng hơn, sự tương liên của những con người tiêu biểu đã khiến họ gặp nhau. Dầu ông ở xã Đồng Lưu, bà ở xã Đại Tiết (tức Thạch Linh) nhưng họ đã sớm thành vợ chồng.

Bà kể: “Để chuẩn bị giành chính quyền, năm 1944, khi đó, tôi chưa đủ 18 tuổi, nhưng tổ chức giao làm bí thư phụ nữ xã. Ông Bảy - Đội trưởng đội liên hiệp đến vận động, nói với mẹ tôi: con của bà vừa biết chữ Nôm, vừa biết chữ Quốc ngữ nên rất cần để vận động, tuyên truyền chống Pháp. Các bà, các chị trong xã được gọi đến tập trung, tôi được giao nhiệm vụ đọc: Hoan hô phái bộ đồng minh/ Tứ cường quốc sư đoàn/ Chống mưu mô xâm lược/ Nước Việt Nam của người Việt Nam/ Một tự do, hai là chết. Chỉ có từng đó chữ nhưng tôi phải đi khắp nơi để đọc, rồi còn giải thích cho chị em về ý nghĩa của cờ đỏ sao vàng”.

Liên tục đóng góp cho phong trào cách mạng, không quản ngại khó khăn, gian khổ, năm 1947, bà Lan được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám thắng lợi, bà tiếp tục làm bí thư phụ nữ tại xã Toàn Lưu, là Ủy viên BCH Phụ nữ huyện Thạch Hà. Còn ông, là đảng viên đã học hết tiểu học, có biết ít nhiều tiếng Pháp, được tổ chức bố trí làm giáo viên. Khi thì giáo viên sơ cấp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học vùng biển Thạch Hải, khi thì về Ty Giáo dục, rồi vào vùng núi Kỳ Anh... Cứ thế, sự nghiệp giáo viên đeo đẳng ông kể từ năm 1946. Mà cái sự nghiệp ấy của ông cũng chẳng giống nhiều người! Ông hoạt động như một cán bộ trong vai trò nhà giáo. Là cán bộ của Ty Giáo dục, nhưng nhiều lần ông được điều động làm thư ký các trường cấp 3: Phan Đình Phùng, Kỳ Anh, Nguyễn Trung Thiên.

Ông đưa tay bóp trán: “Có hai sự kiện trong đời khiến tôi không thể quên: Năm 1953, lúc đó, tôi là Hiệu trưởng Trường Cấp 1 Đồng Lưu và Bí thư đoàn thanh niên cứu quốc phụ trách thu nông nghiệp thì tổ chức điều đi chống di cư ở Hưng Nguyên (Nghệ An). Nhận lệnh, tôi lên đường đến Nghệ An có một cán bộ đưa đi. Vật lộn ở đó 2 năm, cuối năm 1955, khi nhận lương trên huyện, tôi mới hay, ông thân sinh đã từ trần”.

Sự kiện thứ hai ông Hách bảo không thể quên là việc thoát khỏi cái chết trong gang tấc. “Năm 1968, tôi được Ty Giáo dục điều động làm Thư ký Trường Cấp 3 Kỳ Anh. Hôm đó, đưa 40 học sinh đào sỏi làm đường về, vừa bước chân đến giếng nước rửa chân thì ngay tại nơi thầy trò đào sỏi, cách đó gần 1 km, máy bay địch thả bom. Sống, chết đúng là có số”.

Ông chừng đã mệt, giọng thều thào, đưa chiếc gậy cầm trên tay gõ gõ xuống mặt đất, bàn tay run run. Tôi hiểu, ông đang sống hết mình với những gì đã trải. Chẳng hết mình sao được khi những ngày tháng đó, ông thực sự là người của tổ chức. Không phải ngẫu nhiên, những năm 60, ông đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến. Từ Kỳ Hoa (Kỳ Anh) xa xôi, cứ 2-3 lần/tháng, ông ra Ty Giáo dục báo cáo đều đặn, dọc đường, nhiều lần thấy máy bay Mỹ, ông quẳng xe, nằm sát đường, báo cáo xong lại về tận Đèo Ngang. Ấy thế nhưng, có khi 7-8 tháng ông không về nhà.

“Tôi hồi đó cũng tưởng chết, thế mà không” - bà Lan sôi nổi tựa như người mới 50. “Có lần, tôi cùng 11 chị gánh lá ngụy trang từ Thạch Vĩnh xuống cầu Cày cho bộ đội. Pháo sáng khi đó đầy trời. Gần đến nơi thì gặp máy bay Mỹ. Chúng tôi quẳng gánh, lao người xuống thông hào”.

Bà dừng nhai trầu: “Bom thả từ cầu Cày đến Thạch Lưu. Khét rẹt! Tỉnh dậy, trời đã khuya. Nhìn xung quanh chỉ còn tôi và bà Nậy, mọi người đã quay về. Tôi bảo bà Nậy xuống tận đơn vị bộ đội, nhờ các anh lên lấy lá. Quay lại, mỗi người rút 4 cái đòn xóc để về trả cho người ta. Về đến nhà thì gà gáy”. Với tinh thần con người của tổ chức, hăng hái, gan dạ, năm 1964, bà được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, được trao Huy hiệu phụ nữ 5 tốt và nhiều hình thức khen thưởng khác.

Là chứng nhân gần suốt thế kỷ, ông Hách - bà Lan trở thành những người cất giữ nhiều câu chuyện. Chuyện của những người già luôn là đáng nghe, huống chi, đấy lại là hai đảng viên đi qua “thời đất nước gian lao”. Rời khỏi nhà hai đảng viên lão thành trong nắng chiều chạng vạng, tôi cảm thấy tin hơn, yêu hơn màu cờ đỏ sao vàng…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast