Anh em đau một, mình... đau mười!

(Baohatinh.vn) - Trong 2 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã phải xử lý kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên.

Khi nói đến việc làm bất đắc dĩ đó, nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo tỉnh và các địa phương, đơn vị đã tâm sự: Anh em bị kỷ luật đau một, thì mình... đau mười! Điều này thể hiện lương tâm của người cán bộ lãnh đạo. Để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng mới xử lý, kiên quyết loại trừ ra khỏi Đảng những phần tử cơ hội, thoái hóa biến chất, chứ thực tình bản thân họ cũng đau lắm, bởi như Bác Hồ đã căn dặn: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Ảnh minh họa từ internet

Ảnh minh họa từ internet

Với những người lãnh đạo có lương tâm thì “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” là điều quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, trong vấn đề đảm bảo sự đoàn kết và bao trùm lên tất cả là trong các mối quan hệ giữa người với người. Vì vậy, nếu ai đó xem việc thi hành kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên là “thành tích” thì đó là sự hiểu lầm rất đáng tiếc.

Tuy nhiên, điều cần bàn là làm thế nào để vừa bảo đảm cho toàn Đảng chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và các chế độ lãnh đạo, sinh hoạt Đảng, khắc phục hiện tượng tự do, tùy tiện, vi phạm nguyên tắc tổ chức, chế độ sinh hoạt Đảng, vừa hạn chế tối đa việc xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.

Trao đổi về vấn đề này, một đảng viên lão thành ở TP Hà Tĩnh thẳng thắn: Cần phải bảo đảm tính thường xuyên, chủ động, kịp thời trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Một trong những nguyên nhân làm cho công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng các cấp vừa qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn là do chưa tiến hành thường xuyên, chủ động, kịp thời, thậm chí khi xẩy ra vụ việc, hoặc cấp trên nhắc nhở mới kiểm tra (?!).

Trong khi đó, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (2006), cấp ủy và UBKT các cấp được giao thêm nhiệm vụ giám sát. Yêu cầu của giám sát là theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị. Nhiệm vụ của giám sát chủ yếu chú trọng đến việc nắm tình hình, theo dõi và quan sát; trực tiếp từ việc lấy thông tin qua các nguồn khác nhau chính thức và không chính thức, nghiên cứu báo cáo, nghe trình bày trực tiếp, nắm phản ánh của công luận, dư luận quần chúng, đảng viên... qua đó nhận xét, đánh giá, kiến nghị.

Trong đánh giá sẽ chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm cụ thể, nhắc nhở, cảnh báo, hay nói cách khác là “vỗ vai” nhắc nhở đồng chí của mình khi sai phạm vừa mới manh nha. Do đó, công tác giám sát mang tính nhân văn cao, ngăn ngừa không để xảy ra sai phạm. Chính vì vậy, muốn tránh được nỗi đau khi phải xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên, rõ ràng không còn cách nào khác, chúng ta cần làm tốt công tác giám sát của Đảng!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast