Bài 1: Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu

(Baohatinh.vn) - Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn, nhằm tiếp tục hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng và đổi mới công tác cán bộ, Hà Tĩnh đã chỉ đạo thí điểm mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã tại 16 xã, thị trấn. Qua thực tiễn mô hình cho thấy, việc phát huy vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu được thể hiện rõ hơn, tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, điều hành và hiệu quả trong tổ chức thực hiện.

Nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã:

Tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, điều hành

Từ cuối năm 2009 đến đầu năm 2010, mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch lần lượt được triển khai tại 16 xã, phường, thị trấn làm thí điểm trên địa bàn toàn tỉnh. Những địa phương được lựa chọn thực hiện mô hình đều có điều kiện KT-XH tương đối phát triển, an ninh chính trị ổn định. Thêm một yếu tố không kém phần quan trọng đó là phần lớn đội ngũ cán bộ đã được chuẩn hóa, đặc biệt là cán bộ chủ trì được quy hoạch giữ các chức vụ chủ chốt đều có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cán bộ xã Sơn Bằng (Hương Sơn) luôn cố gắng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân
Cán bộ xã Sơn Bằng (Hương Sơn) luôn cố gắng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân

Được cấp ủy, chính quyền và nhân dân “chọn mặt gửi vàng” và qua 4 năm đảm nhiệm cả 2 “vai”, Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thạch Châu (Lộc Hà) Nguyễn Tiến Tám đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Xã nằm trong tốp về đích NTM đầu tiên của tỉnh; Đảng bộ nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Theo Bí thư - Chủ tịch UBND xã Thạch Châu Nguyễn Tiến Tám, để đảm nhận tốt 2 “vai”, ngoài năng lực, sự công minh còn phải tôn trọng tính tập thể, biết thể hiện vai trò bí thư và chủ tịch đúng lúc, đúng chỗ và đặc biệt phải giao việc để tạo cơ hội cho các đồng chí cấp phó thể hiện năng lực của bản thân…

Để không “ôm” việc, không “độc diễn”, Bí thư - Chủ tịch UBND xã Thạch Châu Nguyễn Tiến Tám đã phân công nhiệm vụ cho các cấp phó một cách cụ thể. Nhờ đó, công tác Đảng và chính quyền ở Thạch Châu trong những năm qua đều được giải quyết trôi chảy. “Không độc đoán, ôm việc nhưng cũng không được buông lỏng quản lý. Vì vậy, dù giao việc cho đội ngũ cấp phó nhưng bí thư - chủ tịch vẫn phải thường xuyên trực tiếp kiểm tra, giám sát” - ông Tám nói.

Còn theo Bí thư - Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc (Can Lộc) Mai Khắc Tám thì: “Để tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, điều hành và tránh “nhầm vai”, trước khi giải quyết công việc, tôi luôn xác định rõ việc của Đảng hay của chính quyền, hoặc công việc đó là của chính quyền nhưng với quan điểm và vai trò của Đảng sẽ phải chỉ đạo giải quyết như thế nào cho phù hợp”.

Hiệu quả trong tổ chức thực hiện

Cán bộ nào phong trào ấy, sự đúng đắn trong việc “chọn mặt gửi vàng” là một trong những yếu tố quyết định để các xã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương, góp phần đổi thay diện mạo nông thôn. Câu chuyện mà mỗi khi nhắc đến ở Kỳ Tân (Kỳ Anh), người dân trên vùng đất “chảo lửa, túi mưa” lại không giấu nổi sự thán phục xen lẫn tự hào, đó là câu chuyện về đích NTM trong năm 2013 một cách ngoạn mục.

Hệ thống GTNT xã Kỳ Tân đạt trên chuẩn nhờ sự chỉ đạo bài bản, quyết liệt của lãnh đạo và sức mạnh đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hệ thống GTNT xã Kỳ Tân đạt trên chuẩn nhờ sự chỉ đạo bài bản, quyết liệt của lãnh đạo và sức mạnh đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Được chọn để thay thế cho xã Kỳ Giang, Kỳ Tân khởi động mục tiêu về đích năm 2013 khi các “đội bạn” đã đi được một quãng đường khá xa. Tuy nhiên, Kỳ Tân đã trở thành điển hình trong toàn tỉnh về sự quyết tâm và cách làm sáng tạo trong huy động nguồn lực xây dựng NTM. Trong đó, ấn tượng nhất là hệ thống đường GTNT được xây dựng quy mô, rộng rãi, đi kèm hệ thống mương thoát nước, lề đường được làm “trên chuẩn”. Thành công ấy có được từ sức mạnh đồng thuận của lòng dân và sự thống nhất cao trong lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu: bí thư đồng thời là chủ tịch.

Cũng nhờ sự đồng thuận, thống nhất từ chủ trương nên quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, Khánh Lộc luôn là đơn vị dẫn đầu tỉnh trong các phong trào như: chuyển đổi ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, cắm mốc hành lang giao thông; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao; cán bộ, đảng viên đoàn kết, đồng thuận; Đảng bộ nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Năm 2014, Khánh Lộc phấn đấu về đích NTM. Bí thư - Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc Mai Khắc Tám chia sẻ: “Điều thuận lợi của mô hình này là tạo sự đồng nhất trong quan điểm giữa bí thư và chủ tịch, khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm. Đặc biệt, đồng chí bí thư - chủ tịch có điều kiện để tư duy độc lập, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

Phó Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh Nguyễn Văn Danh cho biết: Qua thực tiễn, ưu thế của mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã đã phát huy được vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của cấp ủy gắn với sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền một cách nhanh nhạy, thông suốt và kịp thời. Các chủ trương, nghị quyết khi đã ban hành đều có tính khả thi cao và sớm đi vào hiện thực. Với một số địa phương, đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch có điều kiện để tư duy độc lập, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, góp phần thúc đẩy phong trào đi lên. Nhưng thực tế cũng cho thấy nhiều bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện mà nguyên nhân chủ yếu cũng là do sự hạn chế về năng lực của người đứng đầu.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast