Cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, đã thể chế hóa các nội dung của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng Đảng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Dự thảo Hiến pháp đã bổ sung những nội dung mới rất có giá trị như: quyền con người; phân công rõ các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp; quy định sự kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước để tránh sự lạm quyền, lộng quyền, vi quyền; bổ sung 3 cơ quan nhà nước: Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước nhằm hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, theo tôi vẫn có những nội dung chưa phù hợp cần phải sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện, như sau:

- Tại điều 12 quy định: “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội…”.

Nên bỏ cụm từ “không phân biệt chế độ chính trị và xã hội”, vì còn có quy định này là còn phân biệt.

- Điều 21 quy định: “Mọi người có quyền sống”. Nên đặt vị trí của điều này lên đầu những điều quy định về quyền con người, cụ thể là trước điều 17. Vì “quyền sống” là quyền cơ bản nhất của con người.

- Điều 28 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp”. Nên bổ sung thuật ngữ “theo quy định của pháp luật” vào sau “hội đồng nhân dân các cấp”, để quy định chặt chẽ hơn. Vì việc bầu cử, ứng cử phải theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

- Khoản 3 Điều 32: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa”. Nên bổ sung như sau: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa hoặc sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa”. Quy định thế này đầy đủ hơn và đảm bảo quyền tự bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử.

- Khoản 2 Điều 120 quy định: “Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp; kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn.” Quy định này, chưa đủ sức mạnh để bảo vệ Hiến pháp – văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, mà theo tôi phải thành lập Tòa án Hiến pháp để xét xử các hành vi vi phạn Hiến pháp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast