Cấp uỷ có “bao biện, lấn sân”?

Có dịp đi xuống cơ sở, tôi nghe nhiều cán bộ, đảng viên thảo luận về phương thức thực hiện quyền lực của Đảng như thế nào?. Bởi vì, ở không ít nơi, do chưa nghiên cứu kỹ, phân định rõ ràng nên có lúc cấp uỷ địa phương can thiệp quá sâu, quá cụ thể vào công việc quản lý của bộ máy nhà nước “bao biện, lấn sân”; ngược lại có lúc buông lỏng vai trò lãnh đạo đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Sự trùng, chéo giữa cấp uỷ và UBND cùng cấp không phải là hiếm, nhất là nội dung hội nghị, nội dung công văn v.vv…Tôi đem vấn đề trên trao đổi với các “chuyên gia” về công tác xây dựng Đảng, đồng chí M khẳng định :

-Trong điều kiện Đảng cầm quyền, cấp uỷ thực thi quyền lực của mình chủ yếu thông qua các cơ quan nhà nước. Nhưng cấp uỷ thực thi quyền lực như thế nào, bằng cách nào để quyền lực có hiệu lực? Có người cho rằng cấp uỷ là cơ quan lãnh đạo toàn diện ở địa phương nên cấp uỷ phải quyết định mọi việc, cho ý kiến đối với mọi vấn đề (?). Chính những người đó không hiểu cơ chế, phương thức thực hiện quyền lực thích hợp nên đã tạo cho cấp dưới và người thừa hành cảm giác bộ máy của ta nặng nề, nhiều người chỉ huy!Đúng là cấp uỷ phải chịu trách nhiệm từ việc lớn đến việc nhỏ. Tuy nhiên, cấp uỷ phải thực hiện ý chí của mình thông qua cơ quan chức năng. Có thể khẳng định, năng lực tổ chức của cấp uỷ được đánh giá chính ở khâu này.

Thấy đồng chí M dừng lại, tôi hỏi:

-Vậy theo các đồng chí, cấp uỷ làm thế nào để không“bao biện, lấn sân”, mà vẫn thực hiện được quyền lực của Đảng trong hệ thống chính trị ở địa phương?

Nghe câu hỏi của tôi mọi người im lặng nhìn nhau, một lúc sau, đồng chí Q mới trả lời:

-Theo tôi, để đạt được yêu cầu đó, các cấp uỷ cần thể hiện quyền lực của mình trên các phương diện sau: Một là, thực hiện tốt chức năng vận động, giáo dục và nêu gương. Cấp uỷ địa phương cải tiến nội dung, hình thức và sử dụng các tổ chức trong hệ thống chính trị, các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền giáo dục đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, giúp mọi người hiểu và tự giác thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.Hai là, tiến hành tổng kết thực tiễn, xây dựng nghị quyết. Nắm chắc diễn biến tình hình, phân tích đúng thực trạng và nguyên nhân, từ đó điều chỉnh, bổ sung chủ trương.Trên cơ sở chủ trương, cấp uỷ lãnh đạo HĐND, UBND và các đoàn thể tuỳ theo chức năng của mình thể chế hoá, cụ thể hoá nghị quyết của cấp uỷ. Ba là, sử dụng quyền hạn đối với cán bộ và công tác cán bộ. Quyền lực của cấp uỷ thể hiện chính ở chỗ có thẩm quyền với cán bộ và công tác cán bộ, thực hiện theo phân cấp tại các quy định hiện hành. Thông qua các khâu trong công tác cán bộ, cấp uỷ lựa chọn những cán bộ, đảng viên, quần chúng có phẩm chất và năng lực để bố trí, giới thiệu ứng cử vào các chức vụ ở các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là ở cơ quan nhà nước. Cấp uỷ nắm lấy cán bộ, cái cốt lõi của quyền lực, của vai trò lãnh đạo. Bốn là, kiểm tra việc thực hiện chủ trương của cấp uỷ. Kiểm tra được xem là khâu cuối của của một quá trình lãnh đạo, đồng thời là khởi đầu của quá trình mới. Qua kết quả kiểm tra, cấp uỷ nhắc nhở, động viên những người tham gia thực hiện; điều chỉnh, bổ sung chủ trương; bố trí và sắp xếp cán bộ để đảm bảo nghị quyết được thực hiện có hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast