Chỉ nên ra nghị quyết, chỉ thị khi thật cần thiết!

Có dịp về công tác ở nhiều địa phương, đơn vị, tôi nghe đội ngũ cán bộ cơ sở phản ánh: lâu nay có tình trạng "bội thực"chỉ thị, nghị quyết !

Đồng chí M, cán bộ chủ trì cơ sở thẳng thắn:

- Nói thật với anh, lâu nay, tình trạng cán bộ cơ sở "chỉ thị đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần", không còn là chuyện hiếm. Mà chỉ thị, nghị quyết càng nhiều càng dễ trùng lặp, có khi chồng chéo lên nhau, cái sau không bằng cái trước!. Nỗi khổ của cán bộ cấp dưới, trước hết, không phải ở chỗ được giao quá nhiều nhiệm vụ mà là phải nhận quá nhiều chỉ thị, nghị quyết mà không biết mình sẽ phải thi hành như thế nào. Chỗ yếu của chúng ta là đã ra nhiều nghị quyết quá dài, lại thiếu cụ thể, cho nên khó nắm bắt và thực hiện.

Tích cực thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ với quyết tâm cao để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, thách thức. Ảnh: Chinhphu.vn
Tích cực thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ với quyết tâm cao để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, thách thức. Ảnh: Chinhphu.vn

Thấy đồng chí M dừng lại, tôi bèn nêu câu hỏi:

- Vậy theo các đồng chí, khi nào thì nên ra nghị quyết và cách tổ chức thực hiện nghị quyết như thế nào để đạt kết quả tốt?.

Nghe tôi hỏi, đồng chí Q, người có nhiều năm kinh nghiệm công tác Đảng, chân thành nói:

- Theo tôi, chỉ ra nghị quyết, chỉ thị khi thật cần thiết. Nghị quyết, chỉ thị phải xuất phát từ sự cần thiết của cuộc sống và để giải quyết những vấn đề bức bách của cuộc sống! Yêu cầu quan trọng nhất của quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết là sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, giữa việc ra nghị quyết với việc tổ chức thực hiện nghị quyết. Khi đã có nghị quyết thì đồng thời phải có chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết; xác định bước đi thích hợp, giải pháp cụ thể từng thời gian. Phân công rõ trách nhiệm và phối hợp hành động giữa cán bộ và các tổ chức trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết; lựa chọn đúng khâu đột phá trong tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, phải biết dựa vào dân, làm tốt công tác dân vận, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm tính dân chủ, công khai, công bằng trong các vấn đề có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ công dân, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân, phát huy vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên. Sâu sát cơ sở, kịp thời phát hiện và xử lý những khó khăn, vướng mắc của cấp dưới, những vấn đề mới nảy sinh từ thực tế; phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến; coi trọng tổng kết thực tiễn, làm rõ, kết luận những vấn đề mới và bức xúc nảy sinh từ cuộc sống.

Lãnh đạo toàn diện nhưng không "lấn sân" mà phải tôn trọng và phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể nhân dân cùng cấp và các tổ chức kinh tế- xã hội trên địa bàn. Tăng cường chế độ lãnh đạo tập thể, giữ vững kỷ luật, kỷ cương đi đôi với mở rộng dân chủ, phát huy tinh thần chủ động và trách nhiệm cá nhân của từng cấp ủy viên được phân công phụ trách địa bàn hay lĩnh vực công tác. Luôn coi trọng và làm tốt công tác kiểm tra việc chấp hành nghị quyết...

Thực hiện được như vậy, sẽ sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống. Tuy vậy, một việc hết sức quan trọng là phải tổ chức chỉ đạo, sơ kết rút kinh nghiệm, bổ khuyết kịp thời đối với việc triển khai nghị quyết của Đảng; tổng kết việc thực hiện nghị quyết trước khi quyết định những chủ trương, nhiệm vụ mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast