"Có tầm, có tâm" trong luân chuyển cán bộ .

Theo số liệu của Ban tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh, trong hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, Hà Tĩnh đã có gần 1.000 cán bộ được luân chuyển.

Về công tác ở các huyện , thành phố, thị xã, có dịp trao đổi vấn đề này, nhiều cán bộ, đảng viên phản ánh: hơn bất cứ lĩnh vực nào khác, công tác này đòi hỏi tập thể cấp ủy, người đứng đầu phải "có tầm, có tâm".

"Cái tầm" ở đây là tầm nhìn, tầm hiểu biết. Mục đích luân chuyển là để cán bộ thể hiện hết năng lực của mình, rèn luyện kiến thức toàn diện, cách thức tổ chức lãnh đạo, điều hành ở các môi trường và điều kiện khác nhau. Trình độ văn hóa, bằng cấp chuyên môn, chính trị, mới chỉ là điều kiện cần, chứ chưa phải đủ. Phải mạnh dạn "thả" cán bộ ra, để họ thể hiện năng lực, đức tài, chuyển tải tiềm năng của mỗi người vào cuộc sống, vào thực tiễn đang đòi hỏi. Luân chuyển phải xuất phát từ yêu cầu công tác "nhìn việc đặt người". Luân chuyển cán bộ còn vì mục đích thật sự tăng cường sức mạnh cho địa phương, cơ sở, đưa cán bộ vào trạng thái động, chứ không vì "tráng men" để được cấp thêm một cái bằng "đã đi địa phương, cơ sở !".

Bên cạnh tầm nhìn, tầm hiểu biết, công tác luân chuyển cán bộ còn đòi hỏi phải có "cái tâm". Người đứng đầu, tập thể quyết định luân chuyển cán bộ phải sung sướng, tự hào thấy trong sự trưởng thành của cán bộ cùng trang lứa, cán bộ cấp dưới, có công lao và tấm lòng của mình. Luân chuyển, bố trí cán bộ làm gì, ở đâu có lợi cho công tác, có lợi cho dân là quyền của tổ chức.

Tuy nhiên hiện nay, mỗi con người, mỗi cán bộ có biết bao mối quan hệ, biết bao nghĩa vụ và lợi ích. Đưa anh chị em vào luân chuyển, tăng cường cho địa phương cơ sở phải hiểu hoàn cảnh của họ trong xử lý các mối quan hệ. Hiểu anh chị em không phải để dễ dãi với người này, bức xúc với người kia, tùy tiện thay đổi, mà hiểu để cùng tháo gỡ, động viên, hỗ trợ. Và khi thấy thật cần thiết, cũng phải thay đổi quyết định. Kinh nghiệm cho thấy phải làm tốt công tác tư tưởng trước, trong và sau luân chuyển. Công tác luân chuyển cán bộ phải bảo đảm phương châm, nguyên tắc: thận trọng, khách quan, gắn luân chuyển với ổn định và phát triển. Cần chống tư tưởng cục bộ, khép kín trong mỗi địa phương, đơn vị; đồng thời cũng chống tư tưởng lợi dụng luân chuyển để trù dập cán bộ.

Cái tầm và cái tâm của người đứng đầu, của tập thể lãnh đạo là như thế; tất cả đều từ sự trong sáng.Vì vậy có thể khẳng định: trong công tác luân chuyển cán bộ, có tầm và có tâm chỉ là một!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast