Công tác Đảng trong doanh nghiệp (Bài 2): Khó tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước

(Baohatinh.vn) - Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã mở ra hướng phát triển cho các doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực nhà nước: DN cổ phần, DN tư nhân (DNTN), DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)... Tuy nhiên, công tác Đảng trong DN ngoài khu vực nhà nước rất khó khăn.

>> Công tác Đảng trong doanh nghiệp (Bài 1): DNNN - tổ chức Đảng là hạt nhân chính trị

Nhà máy Cọc sợi Vinatex Hồng Lĩnh hoạt động ngày càng hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động
Nhà máy Cọc sợi Vinatex Hồng Lĩnh hoạt động ngày càng hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động

Những năm gần đây, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu, hoạt động SXKD của các DN gặp nhiều khó khăn, nhất là các DN ngoài khu vực nhà nước. Nhưng được sự quan tâm của T.Ư và sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, Hà Tĩnh là một trong những địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn, với số vốn chiếm gần 20% của cả nước. Cộng với nhiều chủ trương, biện pháp khuyến khích, kêu gọi đầu tư để phát triển DN thuộc các thành phần kinh tế, số lượng DN ngoài khu vực nhà nước ở Hà Tĩnh vẫn tăng nhanh. Hiện nay, đã có gần 2.900 DN. Các DN ngoài khu vực nhà nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 78.000 lao động, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, đóng góp đáng kể cho sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Theo đồng chí Lê Hoàng Dũng - Phó phòng Tổ chức Đảng - Ban Tổ chức Tỉnh ủy, những năm qua, số lượng tổ chức đảng và đảng viên trong các DN ngoài khu vực nhà nước tăng. Đến nay, toàn tỉnh có 85 tổ chức đảng với 1.936 đảng viên, chiếm gần 40% tổng số đảng viên trong DN. Một số tổ chức đảng từng bước phát huy vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo đảng viên, các tổ chức đoàn thể; tuyên truyền người quản lý DN, người lao động chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ SXKD; chủ động trao đổi với quản lý DN để thống nhất đề nghị cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN; tham gia xây dựng và thực hiện điều lệ, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, các quy chế, nội quy lao động trong DN; vận động công nhân lao động tham gia tích cực các hoạt động nhân đạo, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... góp phần phát triển KT-XH và ổn định chính trị tại các địa phương. Điển hình như Đảng bộ Công ty CP Phát triển công nghiệp & Xây lắp thương mại Hà Tĩnh, Đảng bộ Công ty CP Gạch ngói Cầu Họ, Chi bộ Công ty CP Tư vấn xây lắp điện v.v...

Mặc dù đạt được một số kết quả nhưng khi đề cập đến công tác Đảng trong DN ngoài khu vực nhà nước, hầu như cán bộ các ban xây dựng Đảng từ tỉnh đến huyện, thành phố, thị xã đều khẳng định khó khăn, nhất là đối với loại hình DNTN và DN có vốn FDI. Trước hết, về số lượng, tổ chức đảng còn ít, số DNTN trong toàn tỉnh có chi bộ chiếm chưa đến 3%. Ngay tại TP Hà Tĩnh, nơi có số lượng DN nhiều nhất tỉnh cũng chỉ có 2 chi bộ Đảng/856 DN, chiếm tỷ lệ dưới 0,025%. Từ năm 2009 đến nay, Thành ủy Hà Tĩnh chỉ phát triển được 2 tổ chức đảng trong DN, một con số quá khiêm tốn. Không chỉ vậy, hiện nay vẫn còn một số huyện như Hương Khê, Lộc Hà, Thạch Hà chưa thành lập được tổ chức đảng trong DN. Về loại hình DN có vốn FDI, Hà Tĩnh mới chỉ có 2/54 DN có tổ chức đảng. Đây cũng là một vấn đề cần phải được quan tâm trong thời gian tới, nhất là khi tỉnh ta ngày càng thu hút nhiều DN nước ngoài vào đầu tư trên địa bàn.

Bên cạnh đó, số chi bộ sinh hoạt đều đặn mỗi tháng 1 lần không nhiều. Nội dung sinh hoạt chủ yếu là thông tin các vấn đề do cấp ủy cấp trên cung cấp; nắm tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và người lao động trong DN; kiểm điểm công tác tháng qua và đề ra phương hướng tháng tới; lãnh đạo hoạt động các tổ chức đoàn thể trong DN. Một số chi bộ chưa chú trọng đánh giá vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của chi bộ và tính tiên phong gương mẫu của đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao; chưa thể hiện rõ tính lãnh đạo, giáo dục và chiến đấu... Những hạn chế đó đã làm cho tổ chức đảng và đảng viên trong DN kém hấp dẫn đối với chủ DN cũng như công nhân lao động ở những đơn vị chưa có chi bộ.

Chi bộ Công ty CP Cơ điện nông nghiệp & Xây dựng Hà Tĩnh (TX Hồng Lĩnh) thuộc DNTN, thành lập và hoạt động cách đây 7 năm, khi chủ DN chưa phải là đảng viên. Từ hiệu quả hoạt động của chi bộ, thấy rõ vai trò của tổ chức đảng trong DN, Giám đốc Công ty Đậu Xuân Đồng đã tự nguyện phấn đấu và gần đây vinh dự được kết nạp vào Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ.

Một DNTN khác là Công ty CP Tư vấn & Xây dựng Miền Trung, chuyên tư vấn, thiết kế các công trình dân dụng, công nghiệp giao thông, thủy lợi... Giám đốc Công ty Nguyễn Việt Đức, tuy chưa phải là đảng viên, nhưng đã sẵn sàng tạo mọi điều kiện để Đảng bộ Khối DN tỉnh thành lập chi bộ công ty. Sau hơn 3 năm hoạt động, chi bộ đã kết nạp 11 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong chi bộ lên 15 người. Các đảng viên phát huy tốt vai trò, được bố trí vào các vị trí chủ chốt của công ty; riêng Giám đốc Nguyễn Việt Đức đang phấn đấu để trở thành đảng viên.

Đó là hai trong số các tổ chức đảng trong DNTN được chủ DN tạo điều kiện thuận lợi để thành lập và hoạt động, mặc dù bản thân họ khi đó chưa phải là đảng viên.

Trong thực tế, số DNTN tích cực thực hiện chủ trương thành lập tổ chức đảng như trên không nhiều, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay. Giải thích vì sao Thành ủy Hà Tĩnh không phát triển được tổ chức đảng trong DN, Phó ban Tổ chức Thành ủy Hồ Thị Hương Giang nêu nguyên nhân khách quan: số lượng DNTN trên địa bàn tuy nhiều nhưng hầu hết quy mô nhỏ, chủ yếu là DN xây dựng cơ bản, DN công nghiệp ít, năng lực cạnh tranh thấp. Một số chủ DN chưa nhận thức đầy đủ, thậm chí thiếu trách nhiệm trong việc thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể; chưa tạo điều kiện về kinh phí, thời gian để các tổ chức hoạt động. Tuy vậy, về chủ quan, đồng chí Phó ban Tổ chức Thành ủy cũng thẳng thắn thừa nhận việc thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng về xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong DN chưa tương xứng với vai trò, vị trí, lợi thế của thành phố.

Trao đổi về khó khăn của công tác Đảng trong DN ngoài khu vực nhà nước, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Đăng Chất cho rằng, phần lớn các DNTN ở tỉnh ta đều có quy mô rất nhỏ (dưới 10 lao động), chưa đủ điều kiện để thành lập tổ chức đảng. Công tác tuyên truyền, vận động để chủ DNTN hiểu và tự nguyện phấn đấu vào Đảng vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Nhiều chủ DNTN là quần chúng chưa có chí hướng, động cơ phấn đấu vào Đảng do chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của tổ chức đảng, đảng viên trong DN; còn có tâm lý lo ngại ràng buộc về mặt chính trị, tổ chức, họ sợ nếu vào Đảng phải tham gia sinh hoạt chi bộ, học tập chính trị, ảnh hưởng đến thời gian quản lý DN.

Khi được tuyên truyền, vận động phấn đấu vào Đảng thì hầu hết chủ DN đều tìm cách né tránh với nhiều lý do khác nhau như DN đang gặp khó khăn về vốn, đầu ra sản phẩm, nên ưu tiên hàng đầu là tháo gỡ khó khăn cho DN. Do đó, một mặt, các chủ DN không muốn vào Đảng, mặt khác, họ cũng không quan tâm, tạo điều kiện cho người lao động trong DN mình phấn đấu trở thành đảng viên... Vì vậy, đến nay, Hà Tĩnh mới chỉ có 41/2.867 DNTN có tổ chức đảng với 928 đảng viên là minh chứng đầy đủ về sự khó khăn của công tác Đảng trong DNTN nói riêng và DN ngoài khu vực nhà nước nói chung.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast