Công tác tuyên giáo góp phần xây dựng Đảng vững mạnh

Công tác tuyên giáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là bộ phận hợp thành chủ yếu trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Từ khi thành lập (3/2/1930) đến nay, Đảng ta luôn coi công tác tuyên giáo là vũ khí sắc bén, sức mạnh to lớn, động viên toàn Đảng, toàn dân làm nên những thành tựu vĩ đại.

Kỷ niệm 83 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2013)

Thành tích nổi bật của công tác tuyên giáo mà Đảng bộ Hà Tĩnh tiến hành trong thời kỳ 1930-1975 đã góp phần quan trọng vào việc động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh đoàn kết chặt chẽ về chính trị và tinh thần, cùng quân dân cả nước hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược quy mô và tàn bạo do thực dân Pháp và đế quốc Mỹ gây ra. Có biết bao cán bộ, đảng viên đã ngã xuống trong những năm tháng hoạt động vô cùng khó khăn, gian khổ để tuyên truyền, giác ngộ và vận động quần chúng theo Đảng làm cách mạng. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, tổ chức và đội ngũ tuyên giáo các cấp đã được chăm lo xây dựng, củng cố ngày càng trưởng thành vượt bậc...

Sắc màu ngày hội lớn. Ảnh: Ngọc Minh

Sắc màu ngày hội lớn. Ảnh: Ngọc Minh

Dưới sự khởi xướng và lãnh đạo của Đảng, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Phát huy truyền thống, công tác tuyên giáo tiếp tục là một bộ phận hữu cơ trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng để đảm bảo Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; làm cho Đảng thực sự tiêu biểu về bản lĩnh, đạo đức, trí tuệ của giai cấp công nhân và của dân tộc, có đủ năng lực đề ra đường lối, chiến lược, sách lược đúng đắn, đưa cách mạng vững bước đi lên.

Đồng chí Đặng Quốc Vinh - UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 400 cán bộ làm công tác tuyên giáo; trong đó gần 150 cán bộ chuyên trách làm việc tại Ban Tuyên giáo, trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố, thị xã, các đoàn thể chính trị - xã hội; 262 cán bộ tuyên giáo kiêm nhiệm tại các xã, phường, thị trấn. Đội ngũ làm công tác tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở đều đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phát huy tốt năng lực, sở trường; có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân.

Những năm qua, công tác tuyên giáo đã làm tốt việc định hướng tư tưởng, nắm bắt dư luận xã hội, tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề nảy sinh từ cơ sở; các hoạt động khoa giáo, lý luận chính trị và lịch sử Đảng, văn hóa - văn nghệ đạt kết quả khá. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động báo chí được tăng cường, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng được đổi mới trên tất cả các mặt. Vai trò, vị thế của ngành tuyên giáo ngày càng được khẳng định bằng những đóng góp to lớn vào sự phát triển của quê hương trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài; chính trị ổn định, KT-XH phát triển, QPAN được giữ vững. Với những đóng góp to lớn đó, ngành Tuyên giáo Hà Tĩnh đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá: “trung thành - tận tụy - sáng tạo - hiệu quả”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 168 thường xuyên trao đổi kinh nghiệm việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuấn Hiển

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 168 thường xuyên trao đổi kinh nghiệm việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuấn Hiển

Từ kinh nghiệm thực tế của công tác tuyên giáo trong vận động nhân dân di dời tái định cư, GPMB phục vụ các công trình, dự án trọng điểm, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Kỳ Anh Đặng Xuân Lự chia sẻ: Hướng về cơ sở, giải quyết tư tưởng từ cơ sở là một yêu cầu cấp bách hiện nay. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có thực hiện được hay không phải thông qua phong trào hành động cách mạng của quần chúng bắt đầu từ cơ sở. Trận địa lòng người có vững chắc hay không, phải dựa trên nền tảng là cơ sở. Trong tình hình hiện nay, sâu sát cơ sở, am hiểu cơ sở, tập trung cho cơ sở là mục tiêu hàng đầu của công tác tuyên giáo. Cũng theo đồng chí Lự, tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác tuyên giáo ở cơ sở là: sự ổn định chính trị; mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị; sự nhất trí về chính trị, tinh thần và đời sống của nhân dân địa phương.

Có thể nói, công tác tuyên giáo là công tác của toàn Đảng và lôi cuốn toàn dân tham gia, hưởng ứng, nhưng trước hết, đó là nhiệm vụ của cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, nòng cốt là cán bộ chuyên trách công tác tuyên giáo. 83 năm qua, lớp lớp cán bộ tuyên giáo luôn xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, là người đồng đội tin cậy, người bạn chiến đấu, người hướng dẫn tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, đội ngũ cán bộ tuyên giáo cần tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trau dồi phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, luôn bám sát thực tiễn để có đủ khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ và nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast