Đánh giá cán bộ phải thật sự công tâm, khách quan

Có dịp tiếp xúc và trao đổi với nhiều cán bộ, đảng viên, hầu hết mọi người đều cho rằng trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là vấn đề khó nhất và khâu yếu hiện nay.

Những nhân tố gây ra sự khó khăn đó phần nhiều phụ thuộc vào đạo đức, chủ quan của con người như sự nể nang, cảm tình cá nhân, lợi ích của một người hoặc một nhóm người có thẩm quyền đánh giá và nhất là yếu tố văn hóa phương Đông mà đặc trưng là tâm lý "duy tình" tác động mạnh mẽ vào quá trình đánh giá. Chính vì thế mà việc tìm ra những phương thức làm cho quá trình đánh giá được khách quan, khoa học và chính xác phụ thuộc nhiều vào việc hạn chế những tác động xấu từ yếu tố văn hóa, đạo đức.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí T, đảng viên lão thành nhấn mạnh: Đánh giá cán bộ là vấn đề hết sức hệ trọng và rất nhạy cảm, phức tạp. Nó chẳng những là khâu mở đầu quyết định để bố trí, sử dụng cán bộ đúng hay sai, mà còn là một nhân tố dễ gây ra những tâm tư, thắc mắc, mất đoàn kết nội bộ.

Việc đánh giá cán bộ phải dựa trên căn cứ đức và tài. Đạo đức và năng lực là hai vấn đề quan trọng tạo nên phẩm chất của con người, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, cả đức và tài không thể xem nhẹ mặt nào. Khi đánh giá cán bộ cần cụ thể hóa tiêu chuẩn về đạo đức, năng lực của từng chức danh, lấy đây làm cơ sở để tất cả mọi người tham gia đánh giá đều phải thực hiện.

Khi đánh giá về đạo đức thì phải xem xét họ ở các khía cạnh về lối sống, sinh hoạt và việc chấp hành kỷ luật, các quy định của Đảng và Nhà nước..., nếu sinh hoạt, tiêu xài lãng phí, bất minh thì chắc chắn là có "vấn đề" về đạo đức. Khi đã có đủ tiêu chuẩn, điều kiện về đạo đức thì trong quá trình đánh giá cần chú trọng xem xét năng lực, hiệu quả công tác thực tiễn để dễ so sánh, phân biệt, không bị các yếu tố cảm tính chi phối.

Về đánh giá năng lực cần được xem xét trên cả hai khía cạnh: Một là, kiến thức, hiểu biết của người đó, vì chỉ có hiểu được công việc mới làm tốt được việc trong mọi hoàn cảnh. Hai là, sự vận dụng kiến thức đó vào cuộc sống đem lại kết quả thực tiễn như thế nào.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều đảng viên cho rằng, phải bảo đảm chế độ tập thể, dân chủ trong việc đánh giá cán bộ. Những nhận xét, kết luận về cán bộ nhất thiết phải do tập thể có thẩm quyền quyết định. Cấp quản lý cán bộ phải tiếp cận với cán bộ, trực tiếp nghe cán bộ tự đánh giá về mình; đồng thời phải có cơ chế lấy ý kiến nhận xét của tổ chức Đảng và quần chúng cơ sở nơi cán bộ đó công tác và nơi cư trú. Phải thực sự lấy hiệu quả công tác và sự đóng góp thực tế làm thước đo phẩm chất và năng lực cán bộ.

Muốn đánh giá cán bộ đúng, phải có quan điểm và phương pháp thật sự khoa học, khách quan, công tâm, trung thực theo một quy trình dân chủ. Dân chủ là khâu then chốt trong việc đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ và là điều kiện cần thiết để bảo đảm cho công tác cán bộ đạt hiệu quả tốt. Nếu chúng ta khép kín thì không tránh khỏi chủ quan, võ đoán và sự thiên lệch. Và nếu chỉ nêu quan điểm dân chủ mà không có cơ chế, phương thức, biện pháp tiến hành dân chủ hóa trong đánh giá cán bộ thì cũng khó đánh giá đúng và toàn diện cán bộ. Cần công khai hóa công tác đánh giá, nội dung được đánh giá trong khuôn khổ tổ chức, cơ quan để đương sự và mọi thành viên trong cơ quan biết.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast