Giá trị văn hóa của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh

Những ai từng gặp gỡ và nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đều khẳng định ở Người có bóng dáng một nhà nho Xứ Nghệ, vừa đậm chất cộng sản vừa hội tụ nhiều nét tinh hoa văn hóa của nhân loại. Nhà báo, nhà thơ Ô-xíp Man-đen-xtam sau một lần trò chuyện cùng Người (1923) đã dự báo: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”...

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học, từ nhỏ, Hồ Chí Minh đã chịu ảnh hưởng của văn hóa dân tộc và phương Đông. Trong thời kỳ ở Huế, Người đã bắt đầu được tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây và cả những tư tưởng mới trong Tân thư của Nhật Bản, Trung Hoa. Trong bối cảnh đất nước chìm trong nô lệ, lại chưa tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước.

Chính hành trình tìm đường cứu nước đã đưa Người đến với nhiều quốc gia ở các châu lục, được tiếp xúc với nhiều giai tầng, nhiều nền văn hóa. Những tháng ngày ở Paris - trung tâm văn hóa lớn của thế giới, Nguyễn Ái Quốc càng có điều kiện để nhanh chóng chiếm lĩnh vốn tri thức của thời đại. Người đã tiếp thu tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của cuộc đại cách mạng Pháp (1789), lại có điều kiện kết giao với những bậc trí thức và tiếp nhận những giá trị của nền văn học Pháp. Người đã sử dụng tư tưởng của bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền để lên án bọn thực dân đã phản bội quá khứ của cha ông.

Trở về hoạt động tại miền Nam Trung Quốc, những trải nghiệm và nhận thức mới cũng như tư tưởng tiến bộ của Người đã được thể hiện trong tập thơ “Ngục trung nhật ký” và nhiều áng văn thơ khác. Tại đây, Người cũng đã tìm hiểu chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên và tiếp thu từ học thuyết đó những yếu tố phù hợp với mục tiêu trước mắt của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Chính “ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” đã thôi thúc Người đến với chủ nghĩa Mác Lê-nin để tìm kim chỉ nam cho con đường giải phóng dân tộc.

Không chỉ tiếp thu tinh hoa văn hóa, trí tuệ nhân loại và thời đại để hoàn thiện mình, tìm con đường giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh còn là nhà khai sáng văn hóa cho dân tộc. Ngay sau khi vừa giành được chính quyền về tay nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời đưa những kế sách văn hóa vào chiến lược phát triển đất nước. Người phát động phong trào “Diệt giặc dốt” trong toàn quốc. Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu…”. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951), Người khẳng định: “Xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc, đồng thời phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”. Người cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ trung tâm của văn hóa là xây dựng con người mới, con người kiểu mẫu. Văn hóa giáo dục phải chủ động tạo ra những con người ấy. Và theo Người, con người mới mà ta phải vun trồng là con người phát triển toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ; có thế ứng xử văn hóa: vừa kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc, vừa hấp thu tinh hoa thời đại.

Hình mẫu con người mà Hồ Chí Minh hướng tới ấy, có thể nhìn thấy rõ nét qua cách ứng xử văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh – con người Việt Nam đẹp nhất. Người vừa là lãnh tụ kiệt xuất vừa rất giản dị và gần gũi với nhân dân, vừa có uy lực lại vừa có sức cuốn hút lạ kỳ, vừa là nhà chính trị sáng suốt vừa là nhà thơ mẫn cảm; khẩn trương như một chiến sỹ, thanh thản như một triết gia; mềm dẻo mà cương nghị, cao cả mà thiết thực, vô cùng giản dị mà rất mực thanh tao; quan tâm cái lớn, không quên cái nhỏ… “Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lê-nin” (Helen Tourmer - trở thành người Bác như thế nào? - NXB Viện Hàn lâm Beclin 1966).

Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra một thời đại mới, một nền văn hóa mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, cũng là những đóng góp giá trị vào sự phát triển văn hóa của thế giới. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một kho tàng đầy của báu, là di sản chứa đựng bao giá trị, giá trị đó nói cho cùng là giá trị văn hóa mà chúng ta khai thác chưa được bao nhiêu”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast