Hai chữ "đức", "tài" của người cán bộ kiểm tra Đảng

Cán bộ kiểm tra của Đảng là bộ phận cán bộ chuyên trách về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, là lực lượng chủ công, nòng cốt và là nhân tố quyết định việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp.

Khi đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, đạo đức, lối sống ngày càng biến đổi nhanh chóng thì công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đòi hòi phải được đổi mới, tăng cường một cách toàn diện và quyết liệt. Điều đó đặt ra yêu cầu phải xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ.

Nói đến phẩm chất, năng lực của người cán bộ tức là nói về vấn đề “đức” và “tài”. Cán bộ kiểm tra cần phải có đủ cả “đức” lẫn “tài” của cán bộ làm công tác Đảng nói chung, đồng thời cũng mang những đặc điểm có tính đặc thù của ngành.

“Đức” của người cán bộ kiểm tra, giám sát trước hết là lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, lòng trung thành với Đảng, với chế độ và ý thức trách nhiệm cao trong công việc. Đây là những phẩm chất cốt lõi, cơ bản của người làm công tác kiểm tra, có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác. Chúng tạo ra cái "tâm" trong sáng để cán bộ kiểm tra có thể vượt qua mọi sự cám dỗ, có bản lĩnh bảo vệ cái tốt, cái đúng, có dũng khí đấu tranh loại bỏ các hành vi tiêu cực, lãng phí, quan liêu, tham nhũng; đưa lại tinh thần sẵn sàng hi sinh lợi ích để cống hiến hết mình vì nhiệm vụ; không định kiến, không có động cơ cá nhân hoặc chạy theo tình cảm riêng tư mà luôn đặt lợi ích của Đảng, lợi ích của tập thể lên hàng đầu.

“Đức” của người cán bộ kiểm tra còn là tính khách quan, công bằng, vô tư, khách quan, trung thực, xây dựng, yêu thương đồng chí. Có những phẩm chất này, người cán bộ kiểm tra mới có thể kết luận chính xác, kịp thời, thấu tình, đạt lý, tôn trọng sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên và giữ uy tín tổ chức đảng, đảm bảo được nguyên tắc, phương châm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Đối với người cán bộ kiểm tra, giám sát, “tài” thể hiện ở việc am hiểu Điều lệ Đảng, chính sách, phát luật của Nhà nước; nắm vững và vận dụng linh hoạt quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương pháp tiến hành công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật; tinh thông và sử dụng thuần thục nghiệp vụ. Đồng thời, đó là vốn kiến thức rộng trên các mặt chuyên môn - kỹ thuật, các vấn đề kinh tế, chính trị và kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Nhất là khả năng nắm bắt tình hình, phát hiện được các dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên; tư duy khoa học, khả năng tổng hợp, phân tích tình hình, nhìn nhận sự việc chính xách, rõ ràng, rành mạch, phân định được đúng, sai, tốt, xấu.

“Đức” và “tài” là hai tiêu chuẩn quan trọng không thể thiếu của người cán bộ ngành kiểm tra hiện nay. Do vậy, việc xây dựng hai tiêu chuẩn này trong nhân cách người cán bộ ngành kiểm tra Đảng là nền tảng quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của Đảng.

Hiện nay, được sự quan tâm, chăm lo xây dựng của cấp uỷ đảng, đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát ở các cấp không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, phẩm chất đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ năng lực được nâng lên một bước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới thì đội ngũ kiểm tra, giám sát ở một số nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Do vậy, phải tiếp tục coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra, giám sát một cách toàn diện trên các mặt “đức” và “tài”.

Vì thế, trước hết cần nâng cao nhận thức của cấp ủy, ủy ban kiểm tra về vai trò của cán bộ kiểm tra đối với công tác kiểm tra, giám sát nói riêng và sự nghiệp cách mạng của Đảng nói chung để cấp ủy tăng cường quan tâm, chăm lo, xây dựng, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp và nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác, tâm huyết của từng cán bộ kiểm tra đối với nhiệm vụ bản thân đang đảm nhiệm.

Hai là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra nắm vững các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là nắm vững các quy định về công tác kiểm tra, giám sát, có kỹ năng kiểm tra, giám sát thuần thục, tác phong công tác cụ thể, khoa học, thích ứng trong mọi tình huống.

Ba là, thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng để cán bộ kiểm tra luôn giữ vững niềm tin vào Đảng, vào chế độ; nâng nhận thức, tinh thần đề cao cảnh giác, kiên quyết chống lại các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, tha hóa phẩm chất đạo đức, lối sống; nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức cách mạng và tính tiên phong gương mẫu trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó chú trọng việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật và thực hiện các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.

Bốn là, Ủy ban kiểm tra các cấp nghiên cứu ban hành chuẩn mực cụ thể của cán bộ kiểm tra phù hợp với điều kiện từng địa phương, đơn vị để cán bộ kiểm tra có cơ sở, căn cứ phấn đấu, rèn luyện, trau dồi. Đồng thời, là cơ sở, căn cứ thực hiện việc quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, sử dụng cán bộ kiểm tra.

Năm là, cùng với quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra, cấp ủy, ủy ban kiểm tra phải khuyến khích, phát huy được ý thức tự học, tự rèn luyện của từng đồng chí cán bộ kiểm tra, đây là giải pháp bền vững nhất trong việc nâng cao phẩm chất, năng lực người cán bộ kiểm tra hiện nay.

(UBKT Tỉnh ủy Hà Tĩnh)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast