Khi ý Đảng, lòng dân đồng thuận

(Baohatinh.vn) - Về Ích Hậu những ngày này, được hòa chung không khí náo nức của cán bộ và người dân thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, chúng tôi còn được chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của một vùng quê từng được xếp vào diện nghèo nhất nhì huyện Lộc Hà.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Cách đây hơn 3 năm, bà con xã Ích Hậu vẫn tổ chức canh tác vụ lúa xuân với cơ cấu chủ yếu là trà xuân trung và xuân muộn (chiếm gần 80%). Đặc biệt, ở trà xuân sớm, diện tích gieo cấy loại giống IR 1820 chiếm 40-45%. Việc toàn tỉnh triển khai chủ trương xóa bỏ trà xuân sớm để cơ cấu trà xuân trung và xuân muộn, tập trung sản xuất các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao tưởng chừng không thể thực hiện được khi phải thay đổi tập tục canh tác từ bao đời nay, thế nhưng lại được người dân xã Ích Hậu triển khai rầm rộ, hiệu quả.

Khi ý Đảng, lòng dân đồng thuận ảnh 1

Nhiều con đường trên địa bàn xã Ích Hậu gần như đã được bê tông hóa đạt chuẩn nông thôn mới

Anh Bùi Trọng Đỉnh, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã cho biết: “Sau vụ xuân năm 2013, các giống lúa quen thuộc đã được thay bằng giống lúa lai chất lượng cao như TH3-3, Bio 404 hay giống thuần thiên ưu 8 của trà xuân muộn, xuân trung chỉ chiếm khoảng 33% diện tích và hoàn toàn xóa bỏ trà xuân sớm. “Khi bà con nông dân thu hoạch với năng suất, sản lượng tăng vọt so các năm trước thì chúng tôi mới xem là đã hoàn thành một nhiệm vụ khá nặng nề, sợ nhất là mất niềm tin của bà con” - anh Đỉnh chia sẻ.

Thắng lợi trong chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống lúa chính là bước tạo đà để Đảng bộ và chính quyền xã Ích Hậu tiếp tục chỉ đạo nhân dân mạnh dạn thay đổi tư duy trong chăn nuôi. Trước đây, mỗi hộ dân chỉ nuôi khoảng 1-2 con lợn hoặc bò; đến thời điểm này, nhiều người đã tiếp cận hình thức nuôi liên kết quy mô khoảng 10-20 con/hộ. Giống bò cỏ đã được thay thế bằng giống bò lai zêbu, lai sind có giá trị kinh tế cao. Người dân đã tiếp cận xu hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2014, tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt 201 tỷ đồng, trong đó, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 35,7%; thu nhập bình quân đầu người đến thời điểm này đạt 28 triệu đồng/năm, tăng hơn 18 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 16,53% còn 4,73% so với đầu nhiệm kỳ.

Huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng

Từ cổng trụ sở xã đi bộ chưa đầy 3 phút, chúng tôi đã đến trạm y tế vừa mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Chị Nguyễn Thị Hải - điều dưỡng viên phấn khởi chia sẻ: “Tôi công tác tại trạm đã hơn 8 năm. Ngày trước, đây chỉ là căn nhà cấp 4 lụp xụp, xuống cấp; trạm có 8 phòng thì 5 phòng đã dùng cho việc khám bệnh, còn 3 phòng là khối nhà sản. Nay được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bổ sung trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, chúng tôi hết sức vui mừng”. Được biết, Trạm Y tế xã Ích Hậu được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia tài trợ với tổng kinh phí trên 3,5 tỷ đồng. Công trình quan trọng này đã góp phần giúp xã hoàn thành tiêu chí y tế trong xây dựng nông thôn mới.

Rời trạm y tế, chúng tôi đến thôn Ích Mỹ, một điển hình trong việc tự nguyện hiến đất làm đường giao thông. Bên ấm nước chè xanh nóng hổi, ông Đặng Thái Sơn - Trưởng thôn Ích Mỹ chia sẻ: “Trước đây, các con đường của thôn Ích Mỹ rất nhỏ hẹp, chiều rộng chỉ khoảng 1,5-2m. Đây là một khó khăn lớn khi Nhà nước thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, trong đó, đường phải đạt chuẩn từ 4,5-5m. Tuy nhiên, khi được cấp trên vận động, tuyên truyền, nhân dân đã dần hiểu mục đích cuối cùng cũng là để phục vụ lợi ích của dân nên hơn 100 hộ đã tình nguyện hiến đất đai, tài sản, đóng góp công sức để ủng hộ chính quyền. Nhờ đó, chỉ trong vài năm, toàn thôn Ích Mỹ đã bê tông hóa đúng chuẩn 6/7,4 km, dự kiến, trong năm nay, sẽ hoàn thành phần còn lại”.

Phong trào tại thôn Ích Mỹ đã lan rộng ra nhiều thôn xóm khác, vì vậy, không chỉ việc làm đường giao thông mà mọi chủ trương của xã khi đưa ra bàn bạc công khai đều được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Trong nhiệm kỳ qua, nhờ sự linh hoạt trong việc huy động các nguồn lực nên tổng đầu tư xây dựng cơ bản của xã Ích Hậu đạt 77 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 21 tỷ đồng, cấp trên hỗ trợ 22 tỷ đồng, vốn lồng ghép 16 tỷ đồng và ngân sách xã 18 tỷ đồng. Cuộc sống ngày càng được cải thiện nên những năm qua, người dân quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư; tỷ lệ gia đình văn hóa toàn xã đạt 91% với 4/5 làng được công nhận làng văn hóa.

Ông Trần Quốc Trình - Chủ tịch UBND xã Ích Hậu cho biết: “Sự đồng thuận của nhân dân chính là yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền. Điều đó được khẳng định qua kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 34, nhiệm kỳ 2010-2015, trong 13 chỉ tiêu đặt ra thì chúng tôi đã hoàn thành 12, còn chỉ tiêu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2015, chúng tôi tự tin sẽ thực hiện thành công”.

Có thể khẳng định, nhiệm vụ thắng lợi và quan trọng nhất của Ích Hậu chính là việc tìm được tiếng nói chung giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Đây là tiền đề vững chắc để Ích Hậu tự tin hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast