Làm tốt công tác kiểm tra giám sát, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng

Công tác kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, là bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng (16/10/1948 - 16/10/2013), P.V Báo Hà Tĩnh có cuộc trao đổi Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Hà Văn Thạch về vấn đề này.

Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng (16/10/1948 - 16/10/2013)

- Thưa đồng chí, hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng, ngay từ đầu năm 2013, UBKT Tỉnh ủy đã phát động thi đua đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật đã đạt được?

Ngay từ đầu năm 2013, UBKT Tỉnh ủy đã phát động phong trào thi đua trong toàn ngành, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra trong chương trình kiểm tra, giám sát năm. Tính riêng 6 tháng đầu năm, kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy, UBKT đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Đồng chí Hà Văn Thạch trao đổi nghiệp vụ kiểm tra, giám sát với cán bộ UBKT Tỉnh ủy.
Đồng chí Hà Văn Thạch trao đổi nghiệp vụ kiểm tra, giám sát với cán bộ UBKT Tỉnh ủy.

Cụ thể, kiểm tra dấu hiệu vi phạm: đối với đảng viên tăng 80,8%, đối với tổ chức đảng tăng 15,4%; giám sát đảng viên tăng 12,3%; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tăng 36,4%; cấp ủy kiểm tra theo Điều 30 đối với đảng viên tăng 21%, đối với tổ chức đảng tăng 39%, giám sát đối với đảng viên tăng 57%. Tổng số đảng viên bị thi hành kỷ luật trong toàn tỉnh tăng gấp 3 so với cùng kỳ năm trước. Chất lượng bộ máy và đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên. Năm nay, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động gặp gỡ, thăm hỏi, tặng quà đối với các đồng chí đã từng công tác và có đóng góp cho ngành.

Hiện nay, toàn ngành đang thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tập trung kiểm tra, giám sát việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với trọng tâm là việc khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, tồn tại được chỉ ra qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là đối với các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền…

- Trước những yêu cầu mới của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, những nhiệm vụ chính trị xã hội to lớn của tỉnh nhà và yêu cầu của nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, theo đồng chí, những vấn đề gì đang đặt ra trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng hiện nay?

Từ thực tiễn tình hình công tác kiểm tra, giám sát, qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, UBKT Tỉnh ủy nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, khuyết điểm, khó khăn và thách thức đang đặt ra trong quá trình chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ của mình.

Thứ nhất, sự bất cập giữa chủ trương và nhận thức về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Có thể nói rằng, chưa bao giờ Đảng ta ban hành một hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát tương đối đồng bộ và đầy đủ như thời gian qua. Nhưng trên thực tế, một số cấp ủy Đảng, nhất là cơ sở, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, mục đích, ý nghĩa, phương châm, phương pháp công tác kiểm tra, giám sát. Chưa xem công tác kiểm tra, giám sát là một chức năng, một khâu của quá trình lãnh đạo, là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cấp ủy và tổ chức đảng.

Thứ hai, sự bất cập giữa việc nắm tình hình tổ chức Đảng, tình hình thực hiện nhiệm vụ, tình hình cán bộ, tình hình vi phạm… với việc phát hiện, xử lý các vi phạm.

Thứ ba, chưa thực hiện tốt mối quan hệ giữa kiểm tra, giám sát với tự phê bình và phê bình, tự rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên. Trên thực tế, công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu chặt chẽ, thường xuyên. Đây chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến những tiêu cực, tham nhũng, suy thoái như Nghị quyết T.Ư 4 đã nêu.

Thứ tư, việc thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm nhiều trường hợp chưa nghiêm, chưa kịp thời. Một số sai phạm đã khá rõ trên các lĩnh vực nhưng chưa làm rõ được trách nhiệm, chưa xử lý được kỷ luật hoặc xử lý kỷ luật còn nương nhẹ, đây cũng là một vấn đề dư luận nhân dân còn chưa đồng tình.

Năm là, sự bất cập giữa yêu cầu nhiệm vụ kiểm tra, giám sát với tổ chức bộ máy UBKT các cấp hiện nay. Nhiệm vụ kiểm tra, giám sát quan trọng, phức tạp và rộng lớn trên tất cả các lĩnh vực của công tác xây dựng Đảng và các nhiệm vụ KT-XH. Nhưng thực tế, tổ chức bộ máy của UBKT các cấp còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa đảm bảo ở các cấp, nhất là cấp cơ sở đến nay vẫn chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra, giám sát.

- Xin đồng chí cho biết, những nhiệm vụ của công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới?

Trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh các mặt công tác xây dựng Đảng, cần tăng cường toàn diện công tác kiểm tra, giám sát. UBKT Tỉnh ủy đã có chương trình khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, tồn tại, thiếu sót và các vấn đề đang đặt ra đã nêu ở trên. Tuy nhiên, phải tiến hành cả quá trình và cần có sự nỗ lực lớn của các cấp ủy và toàn ngành.

Trước hết cần đổi mới và tăng cường việc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát làm cho các cấp ủy, UBKT trước hết là người đứng đầu có nhận thức đầy đủ và sâu sắc, nâng cao được trách nhiệm và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư thích đáng về thời gian, con người và điều kiện thực hiện nhiệm vụ này. Thứ nữa là tăng cường kiểm tra, giám sát khâu tổ chức thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, của tỉnh. Nhất là việc thực hiện những khâu đột phá, phát triển KT-XH làm cho các chủ trương đi vào cuộc sống, rút ngắn khoảng cách giữa nói và làm.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát những lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm như quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ bản, tài chính, GPMB… Mở rộng giám sát người đứng đầu thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, kịp thời nhắc nhở, uốn nắn, phòng ngừa các sai phạm, hạn chế việc để xảy ra các sai phạm rồi mới kiểm tra, xử lý, phối hợp với Ban Tổ chức và các ban xây dựng Đảng đánh giá đúng cán bộ và tình hình cán bộ; kiểm tra việc thực hiện quy trình tuyển dụng, luân chuyển, bố trí, đề bạt cán bộ; theo dõi, giám sát quá trình tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên thực hiện quy định những điều đảng viên không được làm. Nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát các cấp cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh, đạo đức, phẩm chất.

Đặc biệt, tiếp tục phối hợp với các ban xây dựng Đảng để giúp cấp ủy kiểm tra, giám sát, theo dõi việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, tồn tại sau kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4 gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh nhà.

(Thực hiện)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast