Năm 2020 - nhìn từ lịch sử

(Baohatinh.vn) - Từ 1920 - chẵn 100 năm trước đây, hạt giống cách mạng Việt Nam đã được gieo trồng, qua hoạt động của một thanh niên yêu nước Việt Nam có tên là Nguyễn Ái Quốc.

Ở thời điểm 2020, ngược lên chẵn 100 năm - đó là giây phút Nguyễn Ái Quốc được đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, đăng trên Báo Nhân đạo (L’Humanité), số ra ngày 16 và 17/7/1920.

Về sự kiện này, Nguyễn đã có lần viết, đại ý: Được đọc Luận cương…, Nguyễn sung sướng và cảm động xiết bao. Ngồi một mình trong buồng kín mà Nguyễn nói to lên như nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ. Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta” (1).

Năm 2020 - nhìn từ lịch sử

Nguyễn Ái Quốc ở nước Nga Xô Viết năm 1923. Ảnh tư liệu

Có thể nói, đó là giây phút bừng sáng của trí tuệ, là bước ngoặt quyết định trên đường hoạt động cách mạng của Nguyễn. Cũng là giây phút đánh dấu hạt giống đầu tiên của cách mạng Việt Nam được gieo trồng, hoặc chính Nguyễn là hạt giống đó, trong bối cảnh thế giới còn đang chìm trong bóng đêm của chủ nghĩa thực dân; và thế giới mới ở Liên Xô cũng chỉ mới chào đời được 3 năm, còn trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc.

Từ đây, đối với Nguyễn Ái Quốc, sẽ là sự triển khai khẩn trương một sự nghiệp viết liên tục và kiên định nhằm cảnh tỉnh thế giới phương Tây và thức tỉnh thế giới phương Đông. Từ Đề cương… của Lênin và hoạt động của Đệ tam quốc tế, Nguyễn sẽ mạnh mẽ dấn thân vào trường hoạt động chính trị, tham gia vào phe cánh tả trong Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp, họp ở Tua, từ 25 - 30/12/1920 và là thành viên sáng lập của Đảng Cộng sản Pháp trong đại hội đầu tiên họp vào sáng 30/12/1920.

Biên bản tốc ký của Đại hội Tua lịch sử cho ta được biết lời phát biểu cháy bỏng tình yêu nước của một thanh niên Việt Nam mất nước đã tìm được sự chia sẻ của tình đồng chí ở chính quốc.

Những hoan hô, vỗ tay và ngắt lời của chủ tọa đại hội trước tình cảnh thuộc địa lần đầu tiên được phơi bày và cả sự chỉ trích gay gắt toát ra từ một trái tim sôi nổi đã ghi nhận sức mạnh tiếng nói của một đại biểu thuộc địa trên diễn đàn thế giới: “Nếu đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu đồng chí không bênh vực các dân tộc thuộc địa thì đồng chí làm cái cách mạng gì?” (Dẫn theo Hồng Hà: Thời thanh niên của Bác Hồ; Nxb Thanh niên).

Năm 2020 - nhìn từ lịch sử

Le Paria (Người cùng khổ) - Tờ báo cách mạng đầu tiên do Bác Hồ sáng lập. Ảnh tư liệu

Từ Đề cương… của Lênin và việc tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, con đường cứu nước của Nguyễn đã được soi sáng bằng lý luận và từ lý luận được soi sáng, Nguyễn bắt đầu đi vào con đường tổ chức, tập hợp lực lượng cách mạng, cũng chính trên địa bàn Paris. Đó là Hội Liên hiệp thuộc địa (L’Union Intercoloniale) được thành lập năm 1921, với cuộc họp đầu tiên vào ngày 9/10/1921 và 6 tháng sau, ra đời cơ quan ngôn luận của Hội là tờ Le Paria (Người cùng khổ), ra số đầu vào ngày 1/4/1922 mà Nguyễn là người sáng lập, chủ bút và tổ chức toàn bộ công việc của tòa soạn.

Như vậy là từ 1920 - chẵn 100 năm trước đây, hạt giống cách mạng Việt Nam đã được gieo trồng, qua hoạt động của một thanh niên yêu nước Việt Nam có tên là Nguyễn Ái Quốc (Người yêu nước họ Nguyễn).

Từ đây, chỉ hơn một năm sau, vào cuối năm 1921, lời tiên tri về con đường cách mạng Việt Nam sẽ được báo hiệu và khẳng định trong một bài viết có tên Đông Dương của Nguyễn Ái Quốc trên Tạp chí Cộng sản (Cahier du Communisme) số 14 năm 1921: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến. Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi. Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi…” (Hồ Chí Minh: Tuyển tập; Tập I).

Năm 2020 - nhìn từ lịch sử

Bác Hồ phát biểu tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII họp ở thành phố Tua tháng 12 năm 1920

Với một sự nghiệp lớn được tạo dựng bắt đầu từ bản Yêu sách của nhân dân An Nam (1919) và bài phát biểu ở Đại hội Tua (1920), qua Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường Kách mệnh (1927), Ngục trung nhật ký (1943), đến Tuyên ngôn độc lập (1945) và Di chúc (1969), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã được dân tộc Việt Nam tôn vinh là Anh hùng dân tộc, kế tục các tên tuổi Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi - Nguyễn Trãi, Quang Trung trong lịch sử; và được nhân loại tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới năm 1990 - nhân 100 năm sinh.

Ở thời điểm 2020, ngược lên chẵn 200 năm - đó là ngày qua đời của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, tác giả kiệt tác Truyện Kiều; người đã hai lần bước ra đại lộ văn minh nhân loại, vào năm 1965 - nhân kỷ niệm 200 năm sinh và vào năm 2015 - nhân kỷ niệm 250 năm sinh.

Năm 2020 - nhìn từ lịch sử

Khu lưu niệm Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ảnh Nguyễn Thanh Hải

Và bây giờ là 200 năm ngày mất của Nguyễn Du, vào mồng 10/8 năm Canh Tý, tức 26/9/2020. Với dân tộc Việt Nam, ngày sinh là ngày vui. Và ngày mất là ngày thiêng. Là ngày thiêng, kỷ niệm hoặc lễ giỗ 200 năm sẽ là cơ hội cho toàn thể dân tộc Việt tri ân Đại thi hào Nguyễn Du, người đã làm rạng rỡ văn hóa Việt, văn chương Việt, bản lĩnh Việt, bản sắc Việt qua 3.254 câu thơ Kiều, luôn luôn, vào bất cứ lúc nào cũng nằm trong bộ nhớ, ẩn sâu trong tâm thức tất cả mọi thế hệ công dân Việt suốt hơn 200 năm qua.

Hãy để cho Mộng Liên Đường chủ nhân, người cùng thời với Nguyễn Du, nói hộ ta, giải thích giùm ta, ngay từ ngày qua đời, năm 1820, ngọn nguồn của những giá trị tinh thần mà Đại thi hào Nguyễn Du để lại: “… nếu không có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời thì không thể có cái bút lực ấy!”.

Hãy để cho hai nhà thơ lớn thời hiện đại, cả hai có cùng năm sinh 1920, có cùng tuổi 100 năm đúng vào thời điểm kỷ niệm 200 năm mất Nguyễn Du, nói đến giá trị mà Đại thi hào để lại:

Nguyễn Du viết Kiều - đất nước hóa thành văn.

(Chế Lan Viên: Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?)

Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời nghìn

thu

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thương như tiếng mẹ ru

những ngày.

(Tố Hữu: Kính gửi cụ Nguyễn Du)

Năm 2020, bên cạnh nhiều sự kiện lịch sử lớn như kỷ niệm 90 năm sinh của Đảng - 1930, 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945, 45 năm Đại thắng mùa xuân 1975 và là năm chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII, chúng ta thêm khắc ghi lịch sử 100 năm Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước và 200 năm qua đời của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, người để lại kiệt tác Truyện Kiều bất hủ.

Cả hai đều là người con tuyệt vời của Xứ Nghệ (tên gọi chung của Nghệ An, Hà Tĩnh), cùng làm rạng danh cho Xứ Nghệ - nơi còn có thêm một Di sản quý giá là ví giặm, cũng được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tháng 12/2019

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast