Nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ Đảng nông thôn

Cùng với cả nước, Hà Tĩnh đang đẩy mạnh Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vì vậy việc quan tâm củng cố chi bộ Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, tăng cường sức chiến đấu của các chi bộ Đảng nông thôn là một yêu cầu thiết thực và cấp bách...

Chất lượng sinh hoạt chuyển biến nhưng năng lực lãnh đạo còn hạn chế

Theo số liệu của Ban tổ chức Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, hiện nay, toàn tỉnh có trên 3.000 chi bộ nông thôn trực thuộc 262 đảng bộ xã, phường, thị trấn với 68.026 đảng viên; chiếm gần 80% tổng số đảng viên của tỉnh. Những năm gần đây, thực hiện các Chỉ thị, NQ của Trung ương của Tỉnh uỷ và hướng dẫn của Ban tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ, cơ bản các chi bộ nông thôn trong toàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp uỷ cấp trên về việc duy trì sinh hoạt thường kỳ hàng tháng.

Khắc phục những hạn chế, nâng cao năng lực lãnh đạo, tăng cường sức chiến đấu của chi bộ Đảng nông thôn là yêu cầu bức thiết
Khắc phục những hạn chế, nâng cao năng lực lãnh đạo, tăng cường sức chiến đấu của chi bộ Đảng nông thôn là yêu cầu bức thiết

Qua tìm hiểu thực tế ở nhiều huyện, thành, thị như Hương Khê, Can Lộc, Hương Sơn, thành phố Hà Tĩnh, Nghi Xuân... tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ đạt khoảng 85%; ở một số đảng bộ nhiều năm đạt đơn vị trong sạch vững mạnh tiêu biểu như: Sơn Bằng (Hương Sơn), Thiên Lộc (Can Lộc), Cẩm Bình (Cẩm Xuyên), Thạch Châu (Lộc Hà)... tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt đạt trên 90 %.

Theo các đồng chí Nguyễn Quốc Lập, Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ Hương Sơn và Phạm Thị Lan, Phó Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Tĩnh, sinh hoạt chi bộ đã có chuyển biến tích cực. Trong sinh hoạt các chi bộ đều bám sát chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, xoá đói giảm nghèo; xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng; phòng chống tệ nạn xã hội; xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá... Một số chi bộ còn ra NQ chuyên đề để tập trung sự lãnh đạo đối với nhiệm vụ cụ thể. Nhờ đó kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển biến tích cực; xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tuy vậy, ở một số địa phương sinh hoạt chi bộ Đảng nông thôn hàng tháng chưa thường xuyên, có nơi 2 tháng/kỳ, hoặc sinh hoạt 7-10 kỳ/năm; thậm chí có đơn vị còn ít hơn...

Năng lực lãnh đạo của chi bộ Đảng nông thôn hiện nay như thế nào? Trả lời câu hỏi này, phần lớn các đồng chí lãnh đạo các huyện, thành, thị uỷ đều thừa nhận năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ Đảng nông thôn còn hạn chế. Đồng chí Nguyễn Văn Tín - Trưởng phòng công tác đảng viên (Ban tổ chức Tỉnh uỷ), Trần Bá Tú - Trưởng ban tổ chức Huyện uỷ Đức Thọ và nhiều đồng chí khác cho biết: bên cạnh những chi bộ thực sự là hạt nhân lãnh đạo, động viên toàn dân phát huy nội lực, bảo đảm sự đoàn kết nhất trí, hoàn thành nhiệm vụ chính trị thì cũng có không ít chi bộ thụ động trong việc triển khai tổ chức thực hiện kế nhiệm vụ cấp uỷ đề ra. Có nơi vai trò lãnh đạo của chi bộ còn mờ nhạt; đảng viên đến kỳ là đi sinh hoạt nhưng không phát huy được vai trò tiên phong của mình trong mọi hoạt động!

Thực trạng đó do nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là vai trò của cấp uỷ, của bí thư chi bộ chưa cao, chưa biết động viên, khơi dậy, phát huy sức mạnh tổng hợp của chi bộ. Có nhiều đồng chí bí thư chi bộ năng lực, trình độ hạn chế, do đó không nắm vững chủ trương, nghị quyết của cấp uỷ cấp trên, dẫn đến lúng túng trong việc vận dụng, triển khai thực hiện. Không ít chi bộ sinh hoạt rời rạc, nội dung dàn trải, thiếu tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể ở từng thời kỳ. Công tác tự phê bình và phê bình mang nặng tính hình thức, chất lượng thấp; nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng không được coi trọng. Tuổi đời trung bình của đảng viên cao (không ít chi bộ 60- 68 tuổi); đảng viên nghỉ hưu đông; đảng viên trực tiếp lao động sản xuất ít. Vì vậy kiến thức thực tiễn, sự bắt nhịp với đời sống hàng ngày của nhân dân lao động và sự hiểu biết phong phú trên các mặt hoạt động đời sống xã hội còn nhiều bất cập. Đây là nguyên nhân khiến có chi bộ tuy đông đảng viên nhưng chất lượng lãnh đạo vẫn thấp. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ hạn chế dẫn đến hoạt động của các chi hội đoàn thể quần chúng kém hiệu quả...

Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ nông thôn

Chi bộ là tế bào của Đảng, là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở. Chất lượng của tổ chức cơ sở Đảng chủ yếu phụ thuộc vào chất lượng của chi bộ. Chính vì vậy, khắc phục những hạn chế, nâng cao năng lực lãnh đạo, tăng cường sức chiến đấu của chi bộ Đảng nông thôn là yêu cầu bức thiết, nhất là khi chúng ta đang thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Muốn làm được điều đó, theo các đồng chí Trần Văn Bằng - Trưởng ban tổ chức Huyện uỷ Can Lộc, Nguyễn Văn Hiếu - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Nghi Xuân thì cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Coi trọng bồi dưỡng nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước và những chủ trương chính sách mới đến tận đảng viên. Đặc biệt quan tâm lựa chọn đúng đội ngũ bí thư chi bộ và bồi dưỡng họ đủ năng lực trình độ lãnh đạo theo yêu cầu đổi mới. Bí thư chi bộ phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức và lối sống lành mạnh, lòng nhiệt tình, có năng lực thực tiễn về công tác Đảng, công tác vận động quần chúng. Bí thư chi bộ có trình độ, năng lực thì từ việc chuẩn bị nội dung cuộc họp đến việc gợi ý thảo luận, kết luận các vấn đề mà chi bộ thảo luận cũng sẽ đạt kết quả tốt.Nếu như vậy các nghị quyết của chi bộ sẽ đầy đủ về nội dung, sắc bén về biện pháp thực hiện, trí tuệ của đảng viên trong chi bộ được phát huy.

“Muốn nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ Đảng nông thôn thì phải giữ được nền nếp sinh hoạt chi bộ, coi trọng phân công đảng viên, đưa đảng viên vào hành động”, đồng chí Nguyễn Đình Hải, Phó bí thư Đảng uỷ thị trấn Đức Thọ nêu kinh nghiệm từ thực tế của một đảng bộ nhiều năm đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Trao đổi cụ thể về vấn đề này, các đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Bí thư chi bộ Hội Thành 2 - Xuân Hội (Nghi Xuân); Phạm Viết Đường, Bí thư chi bộ Cự Sơn - Sơn Bằng (Hương Sơn) nhấn mạnh: trong việc nâng cao chất lượng đảng viên thì việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ giữ vai trò quan trọng. Muốn nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thì đòi hỏi chi uỷ phải xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, bảo đảm sinh hoạt chi bộ có nội dung thiết thực rõ ràng. Trước mỗi kỳ sinh hoạt, chi uỷ, trước hết là bí thư chi bộ phải chuẩn bị chu đáo về nội dung, xác định rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần tập trung lãnh đạo. Trên cơ sở đó, chi bộ thảo luận, phân tích kỹ từng vấn đề, chỉ rõ ưu, khuyết điểm; đề ra những giải pháp lãnh đạo có tính khả thi; coi trọng việc sinh hoạt chuyên đề để bàn sâu, bàn kỹ một vấn đề cần tập trung lãnh đạo. Phải gắn kết chặt chẽ việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ với việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong tổ chức thực hiện, chi bộ phải phân công cụ thể công tác cho từng chi uỷ viên và đảng viên sát với khả năng từng người; có kiểm tra, đánh giá chặt chẽ, chính xác. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của chi bộ đối với mọi mặt hoạt động ở thôn, xóm, tổ dân phố.

Từ thực tiễn nhiều năm chỉ đạo cơ sở, đồng chí Tô Thị Hằng Nga, Chủ nhiệm UBKT Huyện uỷ Hương Sơn và các đồng chí cán bộ phụ trách công tác kiểm tra, giám sát của Đảng khẳng định: một giải pháp rất quan trọng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ Đảng nông thôn là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thường xuyên sơ kết rút kinh nghiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư4 (Khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; có hình thức xử lý nghiêm những đảng viên thoái hoá về tư tưởng chính trị, về đạo đức lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm pháp luật Nhà nước.Bên cạnh đó phải phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể nhân dân, khơi dậy sức mạnh tổng hợp, phát huy nội lực, đoàn kết toàn dân để thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đây là nguồn để phát triển đảng viên nhằm tăng cường sinh lực của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ và thực hiện quy hoạch cán bộ cho tương lai.

Các tổ chức cơ sở Đảng là nền tảng, là tế bào của Đảng. Mỗi chi bộ là một đơn vị chiến đấu ở cơ sở, là nơi gắn liền Đảng với quần chúng, nơi rèn luyện đảng viên, đào tạo cán bộ cho Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: để lãnh đạo cách mạng Đảng phải mạnh, Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ Đảng nông thôn, điều cốt lõi là nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo, đội ngũ đảng viên. Đây là điều kiện cơ bản nhất để chi bộ thực sự là người tổ chức, lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tại cơ sở.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast