Phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại ĐH Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII

(Baohatinh.vn) - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 khai mạc trọng thể sáng nay (17/10) vinh dự đón nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của trung ương, đặc biệt là sự có mặt của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Thay mặt Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu chỉ đạo đại hội. Báo Hà Tĩnh điện tử đăng toàn văn bài phát biểu quan trọng này.

Phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại ĐH Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII ảnh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo đại hội

Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Thưa các bậc lão thành, các Mẹ Việt Nam anh hùng,

Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh qua các thời kỳ

Thưa các vị đại biểu và khách mời của đại hội,

Theo sự phân công của Bộ Chính trị, hôm nay, tôi rất vui mừng về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt chào mừng và chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí đại biểu và các vị khách quý. Chúc Đại hội chúng ta thành công tốt đẹp.

Thưa các đồng chí,

Qua Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII và báo cáo kiểm điểm trình Đại hội, chúng ta vui mừng nhận thấy trong nhiệm kỳ qua, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thách thức, có bước phát triển vượt bậc và khá toàn diện trên các mặt.

Tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm luôn ở mức cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Thu hút đầu tư tăng mạnh, nhất là đầu tư nước ngoài (FDI), riêng Khu kinh tế Vũng Áng đã thu hút 49 dự án với vốn đăng ký 17 tỷ USD, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương cũng như cả nước. Đây là khu công nghiệp nặng lớn nhất Việt Nam, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Nhiều dự án công nghiệp trọng điểm hoàn thành đi vào hoạt động góp phần tăng năng lực sản xuất ngành công nghiệp và tăng thu ngân sách, tạo sự chuyển biến tích cực cho ngành nông nghiệp và các lĩnh vực khác.

Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả cao và toàn diện. Tái cơ cấu trong nông nghiệp thực hiện có hiệu quả; đã hình thành một số sản phẩm hàng hóa chủ lực quy mô ngày càng lớn, với trên 8.000 mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nhất là các mô hình nông nghiệp công nghệ cao như: chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, nuôi hươu, mô hình sản xuất rau, củ, quả trên cát... Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng nhanh. Tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp tăng cao, bước đầu hình thành chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Thương mại, dịch vụ phát triển khá, xuất khẩu tăng mạnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được quan tâm đầu tư, đặc biệt là hạ tầng các khu kinh tế, hạ tầng giao thông, điện, đô thị, các khu kinh tế. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực với nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả, đến cuối năm nay có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 23%).

Lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến tích cực, chất lượng ngày càng được nâng lên. Công tác đảm bảo an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, việc xóa đói giảm nghèo được tập trung chỉ đạo, đạt nhiều kết quả thiết thực. Đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 44 triệu đồng (chỉ tiêu Đại hội XVII đặt ra là 35 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5%, thấp hơn mức bình quân cả nước.

Quốc phòng an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tiếp tục giữ gìn và tăng cường mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với các địa phương của nước bạn Lào cùng chung biên giới.

Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được chú trọng; tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Công tác tổ chức cán bộ có nhiều đổi mới. Hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được tăng cường. Công tác vận động quần chúng ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực; hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân được tập trung, hướng về cơ sở. Việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả bước đầu thiết thực. Hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp có nhiều đổi mới; thủ tục hành chính được cải cách mạnh mẽ.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại ĐH Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII ảnh 2

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói chuyện với Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn và đại biểu bên lề đại hội

Thưa các đồng chí,

Vui mừng trước những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng cần nhận thấy rõ những hạn chế. Một số lĩnh vực phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Quy mô doanh nghiệp địa phương còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ bản, môi trường còn hạn chế. Tuy kinh tế phát triển nhanh nhưng kèm theo đó là tệ nạn xã hội, tội phạm, ô nhiễm môi trường, mất an toàn lao động. Đời sống một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là tuyến biên giới, trên biển và ở các địa bàn khu kinh tế. Còn để xảy ra một số vụ việc mất an ninh trật tự nghiêm trọng, gây tác động xấu. Một số cấp ủy, tổ chức đảng còn chưa quan tâm đúng mức công tác xây dựng Đảng. Công tác cải cách hành chính có nhiều cố gắng nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra.

Tôi đề nghị Đại hội cần tập trung thảo luận, phân tích chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để đề ra giải pháp khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới.

Thưa các đồng chí,

Hà Tĩnh là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng; người dân giàu lòng yêu nước, ham học, cần cù, sáng tạo; là quê hương của nhiều lãnh tụ xuất sắc của Đảng và danh nhân nổi tiếng như Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Du... Là địa phương có thế mạnh về tài nguyên khoáng sản, phát triển kinh tế biển; nằm ở vị trí cầu nối giữa 2 miền Bắc - Nam, cửa ngõ sang Lào và đông bắc Thái Lan. Hoạt động của khu kinh tế Vũng Áng ngày càng mở ra những cơ hội lớn, tạo động lực và sức lan tỏa phát triển kinh tế của cả khu vực Bắc Trung bộ.

Trong nhiệm kỳ tới, những thuận lợi, khó khăn của Hà Tĩnh cũng nằm trong bối cảnh chung của cả nước. Chúng ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều Hiệp định FTA với các đối tác lớn được ký kết, Hiệp định TPP vừa kết thúc đàm phán, cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành vào cuối năm nay... Những cơ hội lớn về thương mại, đầu tư, thị trường được tạo ra nhưng đồng thời sức ép cạnh tranh kinh tế cũng sẽ gay gắt hơn trên nhiều lĩnh vực. Những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là tranh chấp chủ quyền trên biển Đông cũng sẽ tác động đến nước ta. Biến đổi khí hậu, thiên tai dự báo tiếp tục có những diễn biến khó lường. Trước bối cảnh đó, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc tình hình, những thời cơ và thách thức, những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển.

Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong nhiệm kỳ tới của Đảng bộ Hà Tĩnh đã được Bộ Chính trị cho ý kiến. Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã nghiêm túc tiếp thu hoàn thiện dự thảo văn kiện. Tại Đại hội hôm nay, tôi nhấn mạnh thêm một số nội dung cơ bản để chúng ta cùng thảo luận.

Thứ nhất, cần tập trung xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng sớm trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển lớn của cả nước, khu vực và quốc tế. Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp như thép, lọc hoá dầu, chế biến sâu các sản phẩm sau lọc hoá dầu và sau luyện thép. Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ liên quan như đóng tàu, cơ khí chế tạo thiết bị, máy móc; tiếp tục phát triển các dự án nhiệt điện... Xây dựng thị xã Kỳ Anh trở thành thành phố công nghiệp, phát triển mạnh lĩnh vực thương mại, dịch vụ, gắn với việc bố trí các khu định cư có hạ tầng đồng bộ phục vụ cho số lượng lớn người lao động của Khu kinh tế Vũng Áng.

Hà Tĩnh cần xem đây là khâu đột phá lớn, tạo động lực để chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách.

Thứ hai, phát triển nông nghiệp đa chức năng, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao. Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực mà tỉnh có thế mạnh. Tăng năng suất lao động thông qua đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh. Đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó, cần tập trung cho 3 huyện miền núi phía Tây; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về đất đai, rừng. Tập trung hoàn thành đúng tiến độ dự án thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang để đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Thứ ba, phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ lớn phía Tây của tỉnh. Thúc đẩy kinh tế biên mậu với Lào, Đông Bắc Thái Lan, Mi-an-ma gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch. Xây dựng chuỗi logistics kết nối các trung tâm giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt, các trung tâm đô thị, dịch vụ thương mại để mở rộng kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập, tạo lan tỏa cho cả khu vực Bắc Trung bộ, miền Trung, cả nước, Tiểu vùng Sông Mê Kông và ASEAN. Tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện các địa phương của Lào chung biên giới, góp phần xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hợp tác phát triển.

Thứ tư, quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các hoạt động của Khu kinh tế Vũng Áng; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề phục vụ công nghiệp, dịch vụ, coi đó là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn của địa phương.

Cùng với phát triển kinh tế, cần quan tâm phát triển các lĩnh vự văn hóa xã hội, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội. Chú trọng việc bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử giá trị, gắn với phát triển du lịch dịch vụ. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thứ năm, tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế. Thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của TƯ, của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh quốc phòng, đặc biệt là Nghị quyết TW 8 (Khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chủ động phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy và các loại tội phạm phát sinh ở khu vực biên giới. Làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nắm chắc tình hình để kịp thời giải quyết ngay tại cơ sở, không để hình thành “điểm nóng” phức tạp, kéo dài. Tăng cường công tác quản lý lao động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghiệp. Thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Thứ sáu, tăng cường công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; khắc phục tư tưởng chủ quan, nóng vội, tự thỏa mãn. Đổi mới hơn nữa phương thức và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Nâng cao năng lực quản lý và điều hành của chính quyền các cấp; xây dựng bộ máy công quyền, đội ngũ công chức thực sự phục vụ người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, sát dân, sát cơ sở hơn nữa; nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân.

Thưa các đồng chí,

Một nhiệm vụ rất quan trọng của Đại hội là bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Tôi đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, dân chủ, căn cứ mục tiêu, yêu cầu xây dựng và phát triển của tỉnh Hà Tĩnh, sáng suốt lựa chọn những đồng chí có đủ tiêu chuẩn, thực sự tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, có năng lực đảm đương trọng trách được giao để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, Đại hội cần phát huy trí tuệ, đóng góp vào các văn kiện của Trung ương và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Ngay sau khi kết thúc Đại hội, đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, phân công cụ thể tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm để triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Thưa các đồng chí,

Phát huy những thành tích to lớn đã đạt được trong nhiệm kỳ qua; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của TƯ Đảng, Chính phủ, sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành TƯ; Bộ Chính trị, Ban Bí thư tin tưởng chắc chắn rằng với tinh thần đoàn kết, quyết liệt, năng động, sáng tạo, Đảng bộ và nhân tỉnh Hà Tĩnh sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; xây dựng Hà Tĩnh sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng văn minh, hiện đại, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Xin chúc các đồng chí đại biểu, các vị khách quý mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast