Sức sống mới trên vùng quê “ngọn đèn làng học”

(Baohatinh.vn) - Nổi tiếng về phong trào diệt giặc dốt một thời, là địa phương được Đảng và Nhà nước phong tặng 4 danh hiệu anh hùng, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) không ngừng nỗ lực, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng tiếp tục viết nên những trang sử mới...

Sức sống mới trên vùng quê “ngọn đèn làng học” ảnh 1
Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ và nhân dân Cẩm Bình xác định nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, củng cố vững chắc 19 tiêu chí xây dựng NTM và xây dựng xã đạt NTM kiểu mẫu.

Ngược dòng lịch sử, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, do nằm ở vị trí có quốc lộ 1A và tỉnh lộ 26 chạy qua, có trạm ra-đa và Bệnh viện 16 của Bộ Quốc phòng nên Cẩm Bình trở thành địa điểm đánh phá ác liệt của không quân và hải quân Mỹ. Nhiều phòng học, nhà dân bị bom đạn san phẳng, hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương. Đảng bộ Cẩm Bình vẫn vững vàng lãnh đạo toàn dân tham gia kháng chiến, củng cố hậu phương vững chắc. Năm 1970, Ban Công an xã được phong tặng danh hiệu anh hùng; năm 1996, xã được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong khói lửa ác liệt của chiến tranh, thành tích xóa nạn mù chữ và phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí của Cẩm Bình đã trở thành ngọn đèn tỏa sáng, soi rọi cho phong trào giáo dục của cả nước. Năm 1969, trước lúc đi xa, Bác Hồ đã gửi tặng xã Cẩm Bình bức chân dung có ghi bút tích của Người “Thân ái gửi lời khen đồng bào và cán bộ xã Cẩm Bình đã tổ chức tốt việc giáo dục văn hóa”. Năm 1978, Tổ chức UNESCO tặng giải thưởng quốc tế Krup-xcai-a cho xã Cẩm Bình - lá cờ đầu về thành tích xóa nạn mù chữ ở Việt Nam. Năm 1985, Cẩm Bình được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động ngành Giáo dục.

Những năm đổi mới, Đảng bộ xã Cẩm Bình tiếp tục phát huy truyền thống đưa đơn vị đi lên theo hướng mới, phù hợp với yêu cầu cách mạng. Trên lĩnh vực giáo dục, quy mô và chất lượng của các nhà trường tiếp tục được giữ vững, xứng đáng là đơn vị điển hình. Năm 2005, Trường Tiểu học Cẩm Bình được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, đưa Cẩm Bình trở thành xã duy nhất đạt 4 danh hiệu anh hùng.

Cùng với phát triển giáo dục, Đảng bộ xã tiếp tục lãnh đạo đơn vị phát triển mạnh kinh tế, trọng tâm là xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng. Gần 30 năm đổi mới, trung tâm chính trị - văn hóa - thương mại - dịch vụ của xã đã được hình thành. Hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, cơ sở vật chất trường học, trạm y tế xã từng bước hoàn thiện, ổn định theo hướng hiện đại.

Đặc biệt, nhiệm kỳ 2010-2015, với yêu cầu mới, Đảng bộ Cẩm Bình đã chuyển trọng tâm xây dựng địa phương theo chuẩn 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây là mục tiêu nhưng cũng là động lực để Đảng bộ và nhân dân Cẩm Bình tiếp tục tiến lên trên con đường xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Sức sống mới trên vùng quê “ngọn đèn làng học” ảnh 2
Vườn mẫu ở thôn Tân An cho thu nhập khá

Xã đã tranh thủ các nguồn vốn, kết hợp ngân sách địa phương và sự đóng góp của nhân dân để làm mới 20,8 km đường bê tông nông thôn, nâng tổng số đường bê tông của xã lên 49,36 km; làm mới 4,6 km đường rải nhựa, hơn 13 km kênh cứng nội đồng. Hệ thống điện chiếu sáng được phủ kín từ trung tâm xã đến các trục đường chính thôn, xóm; 11/11 nhà văn hóa thôn đạt tiêu chí NTM. Giáo dục tiếp tục phát triển; 3 trường đều đạt chuẩn quốc gia giai đoạn II (xã duy nhất của Cẩm Xuyên đạt chỉ tiêu này). Số lượng học sinh giỏi các cấp, học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng xếp tốp đầu của tỉnh.

Từ quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ là thực hiện xây dựng NTM đạt chuẩn trước 2 năm, bức tranh “thị tứ Cẩm Bình” được hình thành và ngày một tươi sắc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh; chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính; kinh tế hộ phát triển mạnh; các mô hình và tổ hợp kinh tế phù hợp với địa phương được xây dựng và nhân rộng. Xã đã liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm trên cơ sở hình thành cánh đồng lớn sản xuất một loại giống lúa năng suất cao với diện tích 426 ha; xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Đến nay, toàn xã đã có 3 doanh nghiệp, 7 HTX, 75 mô hình kinh tế tổng hợp, thu nhập 70-160 triệu đồng, nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận hàng tỷ đồng. Năm 2014, xã tiếp tục nâng cấp chợ Đình với kinh phí 3,5 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa trong xã và các vùng phụ cận. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 8,6 triệu đồng năm 2010 lên 31,6 triệu đồng năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,8%. Cuối năm 2013, Cẩm Bình trở thành một trong 7 đơn vị đầu tiên trên toàn tỉnh được công nhận hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng NTM.

Song song với lãnh đạo phát triển kinh tế, 5 năm qua, Đảng bộ Cẩm Bình cũng tăng cường xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Công tác xây dựng Đảng được thường xuyên chăm lo nên các tổ chức chính trị quần chúng và 11 chi bộ thôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; là địa bàn nhiều năm liền không có trọng án, không có mại dâm, ma túy, đơn thư khiếu nại vượt cấp...

Với phương châm “Xây dựng NTM là trọng tâm; xây dựng Đảng là then chốt” và với tinh thần “Đoàn kết - đổi mới và phát triển”, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ và nhân dân Cẩm Bình xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung chỉ đạo thực hiện đề án nâng cao thu nhập cho người dân; củng cố vững chắc 19 tiêu chí xây dựng NTM và xây dựng xã đạt NTM kiểu mẫu. Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua là nền tảng và là động lực để Đảng bộ và nhân dân Cẩm Bình tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống anh hùng của quê hương “ngọn đèn làng học”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast