Từ chuyện cán bộ “nói đi đôi với làm” ở Khánh Lộc

(Baohatinh.vn) - Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xã Khánh Lộc (Can Lộc) đang trở thành nhân tố điển hình cho nhiều đơn vị học tập và rút kinh nghiệm. Cán bộ xã Khánh Lộc đã trau dồi đạo đức, nâng cao bản lĩnh chính trị, “nói đi đôi với làm”, sát cánh cùng dân trong mọi hoàn cảnh.

“Đoàn kết là điểm tựa của mọi thành công”

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - thành công, thành công, đại thành công”, ông Mai Khắc Tám - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc đã nhắc lại lời dạy của Bác Hồ trong buổi làm việc khi nói về tinh thần đoàn kết.

Bà con nông dân xã Khánh Lộc chăm sóc lúa hè thu.
Bà con nông dân xã Khánh Lộc chăm sóc lúa hè thu.

Theo ông Tám, khái niệm chung của đoàn kết là: đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong dân; tạo được sức mạnh trong Đảng sẽ là cơ sở, nền tảng để phát triển phong trào cách mạng. Nhưng khi áp dụng vào tình hình thực tiễn ở từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị lại không dễ chút nào, bởi trong cuộc sống hàng ngày, cái mới luôn nảy sinh và thế giới quan luôn tạo ra những mâu thuẫn. Giải quyết mâu thuẫn để sự vật vận động, phát triển lại bắt đầu từ yếu tố con người: tư tưởng, tư duy và hành động.

Cách đây hơn 20 năm, Khánh Lộc thuộc nhóm xã yếu về các phong trào. Nguyên nhân được rút ra và chấn chỉnh kịp thời từ nội bộ cấp ủy, chính quyền đó là mâu thuẫn phát sinh từ nội bộ, không thống nhất trong thảo luận, bàn bạc dẫn tới việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của cấp trên bị đình trệ. Muốn xây dựng, củng cố tình đoàn kết bền vững, bản thân người đứng đầu phải thực sự gương mẫu và ông Mai Khắc Tám thực sự là một cán bộ mẫu mực. Tác phong sinh hoạt hàng ngày rất cởi mở, sự khiêm tốn, giản dị của ông đã tạo hiệu ứng cho mọi người học tập và làm theo.

Ở Khánh Lộc, không đoàn kết theo kiểu “xuôi chiều”, “dĩ hòa vi quý” mà phát huy tối đa tinh thần dân chủ, phê bình nghiêm túc, góp ý chân thành. Ai có khuyết điểm bị dân phản ánh đều được đưa ra góp ý kiểm điểm và xử lý kịp thời.

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”

Đảng bộ xã Khánh Lộc xác định, muốn nâng cao sức chiến đấu của Đảng thì trước hết phải mạnh từ mỗi đảng viên và trong từng chi bộ thôn xóm. “Cán bộ nào, phong trào đó” và “đảng viên là hạt nhân nòng cốt của mọi phong trào”. Bác Hồ đã dạy: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Lời dạy đó đã được Đảng bộ, chính quyền xã Khánh Lộc thể hiện qua công tác vận động, thuyết phục dân trước những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước.

Muốn “trên thông”, “dưới hiểu” về những quyết sách lớn và muốn mọi chủ trương sớm đi vào cuộc sống, Khánh Lộc đã trang bị cho đội ngũ cán bộ những kiến thức, lý luận để làm công tác dân vận, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ địa phương. Mặt khác, tăng cường phổ biến chính sách, chủ trương của cấp trên thông qua hệ thống truyền thanh xã. “Khi có những chủ trương mới, không phải ai cũng đồng thuận mà phải có một cuộc vận động thật quyết liệt, họ mới vào guồng” - một cán bộ xã Khánh Lộc cho hay.

Người dân Khánh Lộc ra quân làm giao thông nội đồng.

Người dân Khánh Lộc ra quân làm giao thông nội đồng.

Tuy nhiên, cũng như một số địa phương khác, ở Khánh Lộc, những chủ trương như: chuyển đổi ruộng đất, đưa giống mới thay thế giống cũ, chăn nuôi theo quy mô tổng đàn, giải tỏa hành lang giao thông… đều gặp phải sự cản trở.

Còn nhớ, khi thực hiện chỉ thị của huyện Can Lộc về chuyển đổi ruộng đất lần 2 thì tại xóm Hạ Thăng, hầu hết người dân đều không muốn thực hiện nên khi chi bộ xóm tổ chức lao động thì gặp phải sự phản ứng gay gắt. Trước tình hình đó, Đảng bộ và chính quyền xã Khánh Lộc đã tập trung làm tốt công tác dân vận cho toàn thôn với nhiều hình thức mềm dẻo và khôn khéo.

Trước hết, đội ngũ cán bộ xã cùng trưởng thôn gặp gỡ một số người dân, phân tích thấu đáo chủ trương, chính sách để họ nhận thức được việc chuyển đổi là chiến lược kinh tế vừa ích nước, vừa lợi nhà. Mặt khác, xã tổ chức nhiều cuộc họp ngay tại xóm Hạ Thăng, triệu tập các gia đình đến tham dự đầy đủ. Qua đó, xã đã làm rõ những vấn đề người dân đang thắc mắc và định hướng: muốn nâng cao thu nhập, không thể làm ăn manh mún theo lối cũ. Sau khi được nhân dân đồng thuận, xóm Hạ Thăng đã trở thành điển hình của xã. Nhờ vậy, Khánh Lộc trở thành điểm mẫu trong chuyển đổi ruộng đất lần 2 của huyện với tổng diện tích 330 ha.

Cùng với việc “làm khéo” về công tác dân vận, cán bộ lãnh đạo địa phương và từng cán bộ, đảng viên xã Khánh Lộc luôn gương mẫu tiên phong trong mọi phong trào. Chẳng hạn, việc thực hiện “cuộc cách mạng” chuyển đổi mùa vụ, bỏ trà xuân sớm, chuyển sang xuân trung và xuân muộn, xã Khánh Lộc đã trở thành một trong những mô hình trình diễn đầu tiên của huyện. Khi ban hành chủ trương, không ít người dân còn ngần ngại, xì xào... Để dân tin, Khánh Lộc đã đưa giống mới vào ruộng của cán bộ, đảng viên trước. Sau khi thu hoạch, kết quả bội thu, dân thấy chủ trương hoàn toàn đúng, tự giác bỏ giống cũ để canh tác giống mới.

Trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong 19 tiêu chí, thì tiêu chí thứ 2 về giao thông, buổi đầu gặp phải những vướng mắc trong vấn đề giải tỏa. Một số gia đình chỉ thấy lợi ích trước mắt, xót xa khi vườn tược bị đào bới, diện tích vườn có đường chạy qua bị thu hẹp. Khi thực hiện tiêu chí này, cán bộ xã Khánh Lộc làm đúng quy trình, bài bản, tổ chức nhiều cuộc họp, mở rộng dân chủ lấy ý kiến trưng cầu của dân, không áp đặt theo mệnh lệnh hành chính.

Thực hiện phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, bắt đầu từ gia đình ông Nguyễn Duy Tịnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, anh Nguyễn Xuân Nhân - Chánh văn phòng UBND xã; ông Nguyễn Xuân Lam - Phó Bí thư Đảng ủy xã, tự nguyện tháo dỡ 30-40m tường rào; anh Trần Văn Hải - Bí thư Đoàn xã đã vận động người nhà chặt 2 cây cổ thụ trước ngõ để mở đường mới. Từ cán bộ xã lan nhanh sang cán bộ thôn rồi tới người dân, chỉ sau một thời gian ngắn, Khánh Lộc đã hoàn thành công tác giải tỏa. Đặc biệt, nhờ sự xông xáo và gương mẫu của cán bộ, đảng viên đã tạo nên sức bật lớn. Hàng trăm gia đình tự nguyện hiến đất với diện tích 20.313 m2.

Sắc diện nông thôn mới

Từ đội ngũ cán bộ cốt cán ở cấp ủy và chính quyền xã đến thôn luôn thực hiện “nói đi đôi với làm” trong 3 năm qua đã làm cho bộ mặt quê hương Khánh Lộc đổi thay rõ rệt. Nhiều gia đình không chỉ đi đầu trong sản xuất lương thực mà còn giỏi chăn nuôi và thương mại - dịch vụ. Tổng sản lượng lương thực năm 2013 đạt 3.532 tấn, bình quân 869 kg/người/năm; thu ngân sách năm 2013 đạt hơn 6 tỷ 558 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,6% xuống 4,4%.

Là một trong những đơn vị đầu tiên mạnh dạn đưa cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, hiện nay, Khánh Lộc đã có 100 máy cày, 5 máy gặt đập liên hoàn. Việc sử dụng cơ giới hóa không chỉ đưa lại năng suất và sản lượng cao mà còn tạo tầm nhìn và tư duy mới cho bà con nông dân. Khánh Lộc cũng là xã nhạy bén tổ chức sớm các mô hình HTX, vừa giải quyết việc làm cho người lao động, vừa tạo ra sản phẩm cho xã hội. Hiện nay, trên địa bàn có 5 doanh nghiệp, 4 HTX, 1 tổ nghề mây tre đan và 200 người đi xuất khẩu lao động.

Nhân dân Khánh Lộc vừa nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, vừa tập trung chăm lo xây dựng trường học, trạm xá và hội quán. Xã Khánh Lộc có môi trường xanh, sạch; an ninh chính trị ổn định; 85% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast