Vai trò người đứng đầu

Từ trước đến nay, chúng ta thường nói đến vai trò của người đứng đầu và khi triển khai thực hiện NQ T.Ư 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, vai trò người đứng đầu càng được đề cao.

Dịp về cơ sở gần đây, tôi đem vấn đề này trao đổi với những người có kinh nghiệm trong công tác cũng như trong cuộc sống. Một đảng viên có thâm niên trong ngành tổ chức thẳng thắn: Người được giữ chức vụ là người có quyền uy được bảo đảm bằng sức mạnh của tổ chức. Quyền uy là tất yếu cần thiết của lãnh đạo và quản lý.

Nhưng sức mạnh của quyền uy không chỉ do tổ chức, mặc dù đó là yếu tố quan trọng, nhất thiết phải có để duy trì và phát triển tổ chức, nó còn phải do chính bản thân người được nắm giữ quyền lực tạo ra. Đó là trí tuệ, là năng lực thực tế, là khả năng giải quyết các công việc cả ở tầm chiến lược lẫn những công việc thường ngày. Đó là bản lĩnh khi giải quyết các tình huống cụ thể, không né tránh, nể nang, không dao động. Đó là tư cách người đứng đầu, công khai và công minh, trung thực, không tham nhũng, bao che. Đó là nói phải đi đôi với làm và làm có kết quả; không ba hoa, dối trá, ngụy biện, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.

Người đứng đầu phải đóng vai như một tấm gương để mọi người soi vào, học hỏi. Vai trò quan trọng của người đứng đầu là ở chỗ: gương sáng thì ảnh hưởng tốt đến nhân viên, còn gương mờ thì nhân viên sẽ không phục, từ đó dẫn đến “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, “trên bảo dưới không nghe”.

Đồng tình với quan điểm trên, một đảng viên khác bổ sung: người đứng đầu còn phải có phương pháp khoa học và thói quen biết lắng nghe, nhất là nghe những lời nói trái với suy nghĩ của mình để biết rằng cấp dưới đang phục tùng bằng cả trái tim và khối óc - tức là phục tùng một cách tự do, tự nguyện - một sự phục tùng chân lý chứ không chỉ là phục tùng một cách cưỡng bức, ấm ức, không dám nói ra.

Người đứng đầu không phải là người làm được tất cả, mà là người hướng dẫn, người chèo lái, người nêu gương, huy động sức mạnh của các thành viên nhằm hướng đến hoàn thành mục tiêu chung. Người đứng đầu có uy tín sẽ có sức mạnh buộc người khác phục tùng. Người ta phục tùng không những chỉ vì tuân thủ kỷ luật Đảng và pháp luật mà còn do niềm tin nơi thủ trưởng.

Trường hợp lý tưởng nhất là người đứng đầu vừa có quyền lực pháp lý vừa có “quyền lực” ảnh hưởng do uy tín mang lại. Mà muốn đạt được điều đó thì họ phải không ngừng học tập, tu dưỡng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để có những phẩm chất như nói trên!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast