Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

(Baohatinh.vn) - Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) đã tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương (NQ T.Ư) 5 khóa VIII. Một trong những vấn đề cấp bách đặt ra là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là nhân cách...

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 9 (khóa XI):

Trên cơ sở tổng kết chặng đường thực hiện NQ T.Ư 5 khóa VIII, về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hội nghị T.Ư 9 vừa qua đã ban hành NQ “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. So với NQ T.Ư 5 khóa VIII, NQ lần này xác định rõ mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa và con người.

NQ đề ra nhiệm vụ nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập.

NQ đề ra nhiệm vụ nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập.

Nét mới của NQ lần này là đã nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

NQ đề ra 6 nhiệm vụ cụ thể, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc; hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ; gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập; đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

Giáo sư Phan Ngọc, nhà nghiên cứu văn hóa đã khẳng định: khi văn hóa trở thành giá trị, dân tộc nào có tầm vóc văn hiến thì dân tộc đó sẽ đứng vững trên cơ sở những giá trị văn hóa cao quý của mình để không bao giờ bị đánh đổ, dân tộc đó sẽ trường tồn và phát triển trước bất cứ kẻ thù nào.

Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, bản sắc văn hóa Việt Nam đang đứng trước nguy cơ và thách thức của nền kinh tế thị trường. Thực tế đó đang đặt ra vấn đề xây dựng con người Việt Nam như thế nào? Trả lời câu hỏi đó, NQ lần này đã chỉ rõ cốt lõi của xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là xây dựng con người với nhân cách và lối sống tốt đẹp. Xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên...

Kinh tế và văn hóa tác động qua lại lẫn nhau nhằm thúc đẩy xã hội phát triển. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là yếu tố nội sinh, động lực của phát triển và cũng là mục tiêu của CNXH. Mục tiêu mà Đảng ta đề ra là “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là mục tiêu kết hợp các nhân tố KT-XH và văn hóa trong quá trình phát triển. Không thể xây dựng một xã hội văn minh với nền kinh tế lạc hậu, thấp kém và ngược lại, có được một nền kinh tế phát triển nhưng thiếu văn minh thì không phải là một xã hội tiến bộ. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để kinh tế và văn hóa được phát triển hài hòa trong xã hội ta, để kinh tế không phá hoại văn hóa và văn hóa không cản trở kinh tế; làm thế nào để kinh tế thị trường và đời sống tinh thần, đạo đức xã hội không trở thành mâu thuẫn.

Trong bối cảnh đó, NQ T.Ư 9 (khóa XI) “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” ra đời kịp thời, đáp ứng lòng mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân ta. Tên gọi như vậy vừa kế thừa được nội hàm của NQ T.Ư 5 khóa VIII, vừa nêu được vấn đề mới mà T.Ư đặc biệt quan tâm - nhân tố con người và sự phát triển bền vững đất nước. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện. Việc ban hành NQ thể hiện tư duy mới trong lãnh đạo văn hóa của Đảng ta. Vấn đề đặt ra hiện nay là tập trung quán triệt và tổ chức thực hiện tốt NQ, nhanh chóng đưa NQ vào cuộc sống để xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast