Được vượt đèn vàng: Hiểu thế nào về việc nếu dừng lại gây nguy hiểm?

Điểm mới của dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là quy định cho phép lái xe vượt đèn vàng nếu việc dừng lại có thể gây nguy hiểm.

Điểm mới của dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là quy định cho phép lái xe vượt đèn vàng nếu việc dừng lại có thể gây nguy hiểm. Điều này sẽ dẫn đến cách hiểu khác nhau nhất là giữa người tham gia giao thông và lực lượng chức nắng. Vậy quy định phạt đèn vàng ở các nước ra sao?

Luật giao thông Anh quy định rõ: Lái xe phải dừng xe trước mọi tín hiệu đèn, trừ đèn xanh. Chỉ được tiếp tục đi nếu xe đã vượt qua khỏi vạch dừng màu trắng trước khi tín hiệu đèn vàng bật, hoặc xe lúc đó đã quá gần vạch và việc thắng gấp có rủi ro nguy hiểm, gây tai nạn.

Được vượt đèn vàng: Hiểu thế nào về việc nếu dừng lại gây nguy hiểm?

Được vượt đèn vàng: Hiểu thế nào về việc nếu dừng lại gây nguy hiểm?

Phạt vượt đèn giao thông ở Anh chủ yếu là phạt nguội. Người vi phạm sẽ nhận giấy phạt cùng hình ảnh camera giao thông chứng minh vi phạm. Mức phạt vượt đèn vàng ở Anh là 100 Bảng (khoảng 2,9 triệu đồng).

Cô Samatha Crowder - một sinh viên chia sẻ quan điểm của mình: “Khi đang đi đến giao lộ mà đèn chuyển sang vàng, tôi thực sự phân vân không biết nên tăng tốc, đi chậm hay dừng lại. Tôi cho rằng việc dừng xe hay cố vượt trước khi đèn tín hiệu chuyển màu phụ thuộc vào vận tốc của chiếc xe và khoảng cách của nó tới giao lộ thời điểm đó”.

Tại Australia, mặc dù quy định đèn vàng là điểm bắt đầu của đèn đỏ và có nghĩa là phải dừng lại nhưng cũng cho phép vượt đèn vàng nếu đang di chuyển ở tốc độ nhanh và phanh gấp có thể mất an toàn cho các phương tiện phía sau.

Trường hợp “mất an toàn” là khi tới quá gần vạch dừng xe thì bất ngờ đèn chuyển xanh sang vàng, áp dụng cho cả trường hợp đi thẳng hoặc chuyển hướng tại nơi giao nhau.

Về mức phạt thì mỗi bang lại có quy định khác nhau. Ở New South Wales, người vi phạm sẽ bị phạt 457 đô la Australia (khoảng 7,2 triệu đồng) và trừ 3 điểm trên bằng lái và thậm chí sẽ bị trừ 4 điểm phạt cộng với phạt 572 đô la Australia (khoảng 9,1 triệu đồng) nếu vượt đèn vàng trong khu vực trường học.

Ở Queensland, tiền phạt vì không tuân thủ đèn vàng là 400 đô la Australia (khoảng 6,3 triệu đồng) và 3 điểm phạt, tương đương với mức phạt vượt đèn đỏ.

Tại Nhật và nhiều nước châu Âu cũng có quy định giống Australia. đèn vàng phải dừng, nhưng nếu dừng mất an toàn thì được đi. Thậm chí ở Đức còn có đèn vàng ở giữa thời điểm chuyển từ đỏ sang xanh để tài xế chuẩn bị sẵn sàng tư thế di chuyển tiếp, nhất là cho xe số sàn có thời gian chuẩn bị côn, số.

Trong khi đó, ở nhiều bang của Mỹ, vượt đèn vàng không bị xem là vi phạm pháp luật. Cụ thể, tại bang California, đèn vàng chỉ mang ý nghĩa “cảnh báo”, cho biết đèn giao thông sắp chuyển sang màu đỏ.

Trường hợp xe đã tới giữa giao lộ, hoặc đã vượt qua vạch trắng dành trước khi tín hiệu đèn chuyển sang màu đỏ cũng không bị xem là phạm luật.

Ông Mark Spear, một lái xe cho biết: “Khoảng thời gian đèn vàng là để nhắc nhở các tài xế giảm tốc độ, hạn chế va chạm giao thông tại các nút giao cắt. Vì thế mà có nên chăng tăng thời gian của đèn vàng để tài xế có thể đưa ra quyết định”.

Tại New Zealand, mức phạt vượt đèn vàng ngang với vượt đèn đỏ. Cảnh sát giao thông có quyền phạt 150 đô New Zealand (khoảng 2,5 triệu đồng) nếu bạn không dừng xe đúng vạch khi tín hiệu đèn chuyển sang màu vàng. Trường hợp xe đã ra tới giữa giao lộ rồi mới có tín hiệu đèn vàng, bạn có quyền đi tiếp.

Được vượt đèn vàng: Hiểu thế nào về việc nếu dừng lại gây nguy hiểm?

Ở nhiều bang của Mỹ, vượt đèn vàng không bị xem là vi phạm pháp luật.

Tại Việt Nam, người tham gia giao thông được phép đi tiếp khi đèn vàng bật sáng mà phương tiện đã đi quá vạch dừng. Tuy nhiên, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) bổ sung thêm quy định nếu đèn vàng sáng mà phương tiện đã đi quá gần với vạch dừng và việc dừng lại có thể gây nguy hiểm cho các phương tiện xung quanh thì được phép đi tiếp.

Đánh giá về điểm mới này, anh Bùi Trọng Sơn (Hà Nội), cho rằng để xác định việc dừng đèn vàng có thể gây nguy hiểm hay không là không rõ ràng: "Bây giờ CSGT họ bảo tình huống ấy không nguy hiểm thì mình cãi thế nào. Nói chung là luật phải ghi cụ thể tình huống ra để có cái mà đối chiếu”.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho biết: Quy định trong dự thảo có nguy cơ làm tăng tính phức tạp trong các giao lộ giao thông: “Nếu như chúng ta sửa đổi theo hướng các phương tiện được phép vượt đèn vàng khi mà theo nhận định chủ quan cho rằng vượt đèn vàng an toàn thì rõ ràng đã trao vào quyền cho các chủ thể tham gia giao thông. Và trên thực tế thì nhận thức về pháp luật cũng như khả năng nhận biết các tình huống tham gia giao thông của những người chủ phương tiện là hoàn toàn khác nhau. Cá nhân tôi cho rằng nên giữ lại quy định của Luật giao thông đường bộ cũ”.

Trong khi đó, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - Nguyên cán bộ Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Những điểm mờ hoặc là những điểm chưa rõ ràng cần phải giải thích rõ ràng hoặc là đưa vào những cái cụ thể để tránh những hiểu đa nghĩa. Ví dụ khi đèn tín hiệu bật lên màu vàng thì các phương tiện phải dừng trước vạch sơn theo quy định. Thế là đủ rồi, mọi người dễ hiểu và sẽ tuân thủ quy tắc của luật đó”.

Quy định đèn vàng ở các nước có thể không giống nhau tuy nhiên điều quan trọng mà bất cứ tài xế nào cũng cần lưu ý đó là chấp hành tuân thủ tốt các quy tắc giao thông, không cố tình tăng tốc, thiếu quan sát để xảy ra tai nạn đáng tiếc./.

Theo VOV Giao thông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast