Bệnh viện Đa khoa Lộc Hà đối mặt với khó khăn...

Được thành lập năm 2008 với qui mô xây dựng 100 giường bệnh, từ đó đến nay, bệnh viện Đa khoa Lộc Hà luôn phải gồng mình với nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất cho đến đội ngũ nhân lực. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào, đơn vị vẫn phát huy tối đa mọi nguồn lực để không ngừng nâng cao chất lượng CSSK người dân.

Xã hội hóa kêu gọi nguồn lực

Bệnh viện Đa khoa Lộc Hà được đầu tư xây dựng từ nguồn trái phiếu Chính phủ với tổng kinh phí 114 tỷ đồng, trong đó có nguồn ngân sách mua sắm trang thiết bị 36 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính cho đến thời điểm này, nguồn dành cho mua sắm trang thiết bị mới được khoảng gần 10 tỷ, vì vậy không thể đáp ứng được yêu cầu phục vụ của đơn vị. Trước những khó khăn đó, bệnh viện Đa khoa Lộc Hà đã chủ động thực hiện xã hội hóa, huy động nguồn lực đầu tư trang thiết bị.

Giường dành cho bệnh nhân cấp cứu từ xã hội hóa

Bác sỹ Nguyễn Bá Châu – Giám đốc bệnh viện cho biết: Muốn thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa trước hết phải đánh vào nhận thức của người dân, phải làm cho người dân hiểu, thông cảm và chia sẻ với bệnh viện. Trước hết, phải xuất phát từ hoạt động thực tiễn chăm sóc KCB tại bệnh viện. Bệnh viện đã quán triệt chỉ thị 35 của BTV Tỉnh ủy; quán triệt các nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần của Bộ Y tế tới tất cả cán bộ công nhân viên. Nhờ vậy, bất cứ bệnh nhân nào đến bệnh viện cũng ghi nhận về tinh thần thái độ phục vụ tận tình, niềm nở; môi trường bệnh viện sạch sẽ, gọn gàng…

Từ hiệu quả hoạt động, bệnh viện đến đặt vấn đề xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị với các địa phương, tổ chức, cá nhân đều được đồng tình, ủng hộ. Danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho bệnh viện ngày một dày ra. Công ty Vincom ủng hộ 1 chiếc ô tô, 30 giường inox, 2 máy hấp sấy; Công ty Đại dương ủng hộ bộ dụng cụ nhà mổ trị giá 100 triệu đồng; một tổ chức phi chính phủ ủng hộ 10 giường cấp cứu hồi sức, 10 chiếc xe chở bệnh nhân; các tổ chức cá nhân nhỏ, lẻ ủng hộ 80 triệu đồng mua cây xanh trồng khuôn viên bệnh viện…

Gồng mình phục vụ bệnh nhân

Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa nên cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cơ bản đáp ứng nhưng đội ngũ nhân lực bệnh viện vẫn quá mỏng. Theo Quyết định của UBND tỉnh khi thành lập, bệnh viện được phân 91 biên chế nhưng cho đến nay mới chỉ có 73 biên chế. Đặc biệt, đội ngũ bác sỹ qúa ít, chỉ có 11 bác sỹ, bao gồm cả quản lý.

Phòng khám luôn đón tiếp trên 150 bệnh nhân/ngày

Bình quân mỗi ngày, bệnh viện Đa khoa Lộc Hà đón tiếp từ 150 đến 300 bệnh nhân. Để đảm bảo phục vụ bệnh nhân, bệnh viện đã cải thiện phòng khám theo hình thức “dây chuyền công nghiệp”, trong đó bố trí 1 bàn khám từ 1 đến 2 y tá giúp việc; 1 người chuyên môn đón bệnh nhân xét nghiệm làm cận lâm sàng; một người chuyên làm hồ sơ bệnh án, còn bác sỹ chỉ khám và ra y lệnh, kết luận bệnh và cho chỉ định làm lâm sàng.

Bác sỹ Nguyễn Thế Phương – Trưởng Khoa Khám bệnh cho biết: Bệnh nhân quá đông trong khi bác sỹ quá ít, do vậy, chúng tôi không có cách nào khác ngoài việc phải gồng mình làm việc. Tuy nhiên, cũng có những thời điểm đông quá mức ngoài khả năng phục vụ của phòng khám thì bệnh viện lại tăng cường thêm bác sỹ từ khoa khác về. Từ khi đi làm đến nay, chúng tôi chưa được hưởng một giờ nghỉ trực.

Bác sỹ Nguyễn Bá Châu – Giám đốc bệnh viện cho biết: Trong thời gian qua, bệnh viện đã phải luôn gồng mình với sự quá tải để cho tất cả các bệnh nhân đều được khám, được phân tuyến để điều trị. Điều đáng mừng là mặc dù làm việc trong điều kiện áp lực như vậy nhưng kết quả chăm sóc sức khỏe bệnh nhân vẫn được đảm bảo. Đối với các bệnh nhân nặng, bệnh viện kịp thời chuyển tuyến. Trong thời gian qua, không có các tai biến xảy ra tại bệnh viện; không có sự phàn nàn của người dân.

Để giảm bớt áp lực cho đội ngũ bác sỹ, để bác sỹ có thời gian tiếp cận bệnh nhân nhiều hơn, bệnh viện cũng đã tích cực tham mưu cho huyện chính sách thu hút bác sỹ như cấp 180 M2 đất, hưởng lương gấp đôi (có dự án tài trợ). Riêng tiền trực của bác sỹ cũng được trả cao hơn nhiều so với qui định của Nhà nước. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, nguồn bác sỹ vẫn còn quá thiếu, còn thiếu 16 bác sỹ so với qui mô bệnh viện. Đặc biệt, bệnh viện còn thiếu bác sỹ gây mê hồi sức, RHM, bác sỹ sản, các chuyên khoa hồi sức cấp cứu, Nhi…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast