Bệnh viện Đa khoa thành phố và “bài toán” nhân lực

Về cơ sở mới được hơn 1 tháng, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP Hà Tĩnh đã khẳng định rõ ưu thế mới. Số lượng bệnh nhân tăng rất nhiều so với lúc ở cơ sở cũ. Tuy nhiên, vấn đề nhân lực vẫn đang là bài toán khó cho chiến lược phát triển bệnh viện hiện nay.

Niềm vui mới...

Một ưu thế vượt trội ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy ở BVĐK thành phố hiện nay đó là mới, đẹp và thoáng. Đặc biệt là buồng bệnh thoải mái đáp ứng nhu cầu bệnh nhân. Có lẽ đó cũng là nguyên nhân chính thu hút bệnh nhân đến bệnh viện. Nếu như ở cơ sở cũ, số lượng bệnh nhân nội trú trước đây trung bình khoảng 80-90, nay đã lên đến 140-160 người.

Cơ sở vật chất mới thu hút nhiều bệnh nhân đến chăm sóc sức khỏe.
Cơ sở vật chất mới thu hút nhiều bệnh nhân đến chăm sóc sức khỏe.

Bác sỹ Lê Thị Thủy – Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Từ ngày chuyển về cơ sở mới, số lượng bệnh nhân tăng đáng kể. Khoa Nhi - Hồi sức cấp cứu, trước đây thường có khoảng 20 bệnh nhân nội trú nhưng từ khi về đây luôn dao động 50-70 bệnh nhân. Ở cơ sở mới, Bệnh viện có thêm nhiều ưu thế về điều kiện phục vụ, thu hút bệnh nhân”. Không khí làm việc, tác phong của y, bác sĩ cũng có những chuyển biến tích cực. Bác sỹ Nguyễn Viết Cường - Phó khoa Nhi – Hồi sức cấp cứu cho biết: “Bệnh nhân tăng, áp lực công việc lớn nhưng chúng tôi rất vui vì điều đó chứng tỏ uy tín của Bệnh viện được nâng lên”.

... Và trăn trở về nguồn nhân lực

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui chung, không ít bác sỹ còn mang nặng nỗi niềm. Một bác sỹ của Bệnh viện thổ lộ: “Bác sỹ thiếu nên có nhiều cái khó, nhất là việc đi học nâng cao trình độ. Như khoa tôi, chỉ có 1 bác sỹ nên mặc dù nhu cầu nâng cao nghiệp vụ rất cấp thiết, nhưng mãi đến giờ tôi vẫn chưa thể đi học”.

BVĐK thành phố có 28 bác sỹ, trong đó có 6 bác sỹ chuyên khoa và thạc sỹ/8 khoa, phòng. Do thiếu bác sỹ nên các khoa: Chẩn đoán hình ảnh, Mắt, Sản… chỉ mới có 1-2 bác sỹ. Mặt khác, cũng do nguồn nhân lực thiếu nên đến thời điểm này, Bệnh viện chưa thể thành lập đầy đủ các khoa, phòng theo yêu cầu của một bệnh viện hạng III (14 khoa, phòng) mà một số khoa còn phải ghép. Ghép khoa là giải pháp tình thế để đáp ứng nhu cầu phục vụ nhưng nó cũng có rất nhiều hạn chế như cách chăm sóc chuyên sâu, nguy cơ về lây chéo…

Cũng do thiếu bác sỹ nên suốt một thời gian dài (2001-2008), BVĐK thành phố Hà Tĩnh không có kế hoạch đào tạo sau đại học. Đơn vị chỉ nâng cao trình độ cho đội ngũ này bằng các hình thức đào tạo tại chỗ, “cầm tay chỉ việc”. Từ 2009 lại nay, tình hình được cải thiện phần nào khi mỗi năm, Bệnh viện cử từ 2-3 bác sỹ đi đào tạo sau đại học. Tuy nhiên, việc này cũng đang gây khó khăn cho Bệnh viện. Chẳng hạn như khoa Sản chỉ có 2 bác sỹ, người này vừa học xong thì người khác lại đi. Như vậy, đã 2 năm và chắc phải 2 năm nữa (nếu không được bổ sung), khoa Sản chỉ có 1 bác sỹ phục vụ trong khi nhu cầu của bệnh nhân tại khoa khá cao.

Bác sỹ Lê Thị Thủy chia sẻ: Để đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân, Bệnh viện đã xây dựng chiến lược phát triển toàn diện, trong đó sẽ tập trung mạnh vào lĩnh vực nội khoa và ngoại khoa. Ngoài ra, đơn vị cũng đang tập trung phát triển khoa y học cổ truyền để đáp ứng nhu cầu người bệnh. Về cơ sở vật chất thì không còn gì phải bàn, tuy nhiên về nhân lực, nhất là bác sỹ chuyên sâu thì đến nay vẫn đang là bài toán khó đối với Bệnh viện. Bài toán này cần sớm có lời giải để một cơ ngơi lớn như BVĐK thành phố phát huy hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast