Bộ Y tế đề xuất cho phép mang thai hộ

Cấm nhờ người mang thai hộ thì thiếu tính nhân văn, Bộ Y tế đã đề xuất cho phép một số trường hợp được mang thai hộ nhưng phải bảo đảm một số điều kiện.

Trong quá trình soạn thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), có nhiều ý kiến đã đề cập đến vấn đề mang thai hộ, hậu quả pháp lý của việc mang thai hộ, bảo vệ quyền, lợi ích của trẻ em sinh ra từ việc mang thai hộ. Tuy nhiên, vấn đề này đã gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt xoay quanh vấn đề cho phép hay không cho phép mang thai hộ tại Việt Nam vào thời điểm hiện nay.

Bộ Y tế đề xuất cho phép mang thai hộ ảnh 1

Đại diện Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, mang thai hộ là một thành tựu của y học, là một tiến bộ vượt bậc để biến mơ ước không thể làm mẹ của rất nhiều phụ nữ được trở thành hiện thực. Bản chất “mang thai hộ” là hết sức nhân văn vì là sự giúp đỡ của một người phụ nữ này đối với người phụ nữ khác để sinh ra những đứa trẻ.

Tuy nhiên, quy định cho phép mang thai hộ cần phải bảo đảm các điều kiện: Không vì mục đích thương mại (nghiêm cấm đẻ thuê); chỉ cho phép với những người cùng trong dòng họ hoặc chứng minh có họ hàng ba đời bên nhà chồng. Trên cơ sở đó có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và sự đồng ý của một hội đồng gồm các chuyên gia về sản khoa và pháp luật.

Quy định nghiêm các điều kiện để tránh xảy ra các tranh chấp phát sinh sau này như: Điều kiện của người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ (tuổi, sức khỏe, số lần mang thai…); quyền và nghĩa vụ của các bên (trong đó có trường hợp tai biến sản khoa đối với người nhờ mang thai hộ (nếu có), trách nhiệm của các bên trong trường hợp đứa trẻ sinh ra bị khuyết tật, dị tật; thủ tục hành chính; biện pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Tại Khoản 1, Điều 6, Nghị định số 12/2003/NĐ-CP quy định nghiêm cấm mang thai hộ, vì thế hiện nay chưa có văn bản nào quy định hậu quả pháp lý cũng như xác định cha, mẹ đứa trẻ được sinh ra, các quyền nhân thân và quyền tài sản của đứa trẻ với những người có liên quan (người mang thai, người nhờ mang thai hộ). Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhu cầu “mang thai hộ” là có thật và khá phổ biến, là nguyện vọng chính đáng đối với các trường hợp vì bệnh lý (dị tật bẩm sinh - không có tử cung, u xơ tử cung, suy tim, suy gan, suy thận, tai biến sản khoa, cắt tử cung…). Những trường hợp này hoặc không thể có con hoặc không đủ sức khỏe để mang thai nhưng họ vẫn có noãn và mong muốn được hưởng quyền làm mẹ.

Hiện nay trên thế giới cũng có các quan điểm khác nhau về việc có cho phép người phụ nữ mang thai hộ. Theo quan điểm phản đối mang thai hộ, việc chia cắt đứa trẻ sơ sinh với người mẹ mang thai hộ có thể gây ra các thương tổn tới sự phát triển của trẻ và của cha mẹ thuê đẻ. Nguồn gốc khác biệt với những đứa trẻ khác có thể gây ra chứng trầm cảm vì nỗi ám ảnh bị bỏ rơi…

Theo quan điểm ủng hộ việc cho phép mang thai hộ, phương pháp này là giải pháp tốt cho những trường hợp vô sinh không thể chữa trị. Việc cấm mang thai hộ dẫn đến sự phân biệt về giàu nghèo vì các cặp cha mẹ có điều kiện kinh tế có thể sang nước ngoài để thực hiện phương pháp này.

Hiện nay, có nhiều nước cấm mang thai hộ như: Pháp, Đức, Áo, Tây Ban Nha, Italia, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Trung Quốc, Nhật Bản, Philipinne, Việt Nam. ..

Tại Bỉ, việc mang thai hộ không bị cấm cũng không được quy định cụ thể trong luật, nhưng hợp đồng mang thai hộ thì không có giá trị pháp lý theo luật dân sự.

Tuy nhiên, không ít quốc gia cho phép mang thai hộ bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản và đã quy định cụ thể trong Luật như: Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Phần Lan, Nam Phi, Brazin, Estonie, Equateur, Hong Kong, Ấn Độ, Iran, Nga, Salvador và Ukraine.

Theo VnMedia

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast