Bữa ăn cho người nghèo

Bệnh tật thường đi liền với đói nghèo. Mỗi năm không biết có biết bao nhiêu bệnh nhân phải gánh nặng nỗi niềm này. Và với họ, một bữa ăn ấm tình sẻ chia, thương yêu cũng đã trở nên như một thang thuốc quý, giúp họ có thêm nghị lực để vượt qua bệnh tật, tin yêu nhiều hơn vào cuộc sống.

Được bữa nào đỡ bữa ấy…

“Được bữa nào đỡ bữa ấy”, đó là câu trả lời hầu như của tất cả các bệnh nhân mà chúng tôi đã được gặp khi hỏi về sự giúp đỡ bữa ăn của các Bệnh viện.

Câu trả lời ngắn gọn, đơn giản nhưng ẩn chứa đằng sau là những cảnh đời nặng nỗi niềm và sự biết ơn sâu sắc.

Chị Nguyễn Thị Thành, quê ở xã Thuần Thiện (Can Lộc) nuôi chồng bị tai biến đã 3 năm nay. Ban đầu, chị còn tự xoay xở được chút chi phí để đi lại chạy chữa cho chồng nhưng càng ngày… “Nhà được hai lao động chính, anh thì đã đổ bệnh, còn chị thời gian chủ yếu lo chăm sóc cho anh; còn mấy đứa nhỏ đi học nữa, lấy đâu ra tiền”, chị Thành ngậm ngùi.

Được Quỹ hỗ trợ bữa ăn hàng ngày, chị Nguyễn Thị Thành giảm bớt được gánh nặng chăm sóc chồng

Khó khăn là vậy, nhưng từng đợt, bệnh anh diễn biến nặng, buộc chị cũng phải đưa anh vào Bệnh viện. Tôi gặp chị tại khu nhà ăn của Bệnh viện Điều dưỡng và PHCN khi chị đang bón cháo cho chồng. Người chồng ngồi trên xe lăn, không nói được (do di chứng của tai biến) nhưng dường như anh vẫn cảm nhận được tất cả những gì đang diễn ra xung quanh nên cứ mỗi lần há miệng ra để nuốt miếng cháo là anh lại khóc. Chị Thành giải thích: “Thấy mọi người hỏi thăm, quan tâm anh ấy lại khóc thế đấy, khổ lắm! Thương chồng nhưng nhiều khi tui cũng thấy tủi thân, giờ thì nợ nần đã chồng chất. Đợt này đưa anh vào đây cũng hy vọng phục hồi được một số chức năng cho anh đỡ khổ. Về bệnh tật thì còn cần thời gian nhưng điều trước mắt chúng tôi cảm thấy giảm bớt gánh nặng đó là nhận được sự hỗ trợ về bữa ăn của Bệnh viện. Mỗi ngày chúng tôi được hỗ trợ ăn hai bữa. Mà chồng tôi có phải ăn uống bình thường đâu, cháo của anh phải xay nhuyễn ra như của trẻ con ấy, thực phẩm cũng phải chọn lựa. Thế nhưng, bếp ăn của Bệnh viện đều làm hết, chúng tôi chỉ đến nhận cháo ăn mà thôi”.

Mẹ Nguyễn Thị Xoàn nhận bữa ăn miễn phí từ "Quỹ bữa ăn vì bệnh nhân nghèo"

Mẹ Nguyễn Thị Xoàn, ở thôn Tân An, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) lại mang một nỗi niềm khác. Mẹ là mẹ của liệt sỹ và vợ của liệt sỹ. Chồng và con hy sinh, mẹ nhận một đứa con nuôi để nương tựa khi tuổi già. Tuy nhiên, vì mưu sinh nên nó cũng đã vào nam sinh sống. Một mình mẹ tuổi già đau yếu không ai chăm sóc. Mẹ thường đến bệnh viện Điều dưỡng và PHCN để điều trị. Mẹ nói: “Trợ cấp của mẹ mỗi tháng chưa đầy hai triệu. Mẹ phải thuốc thang thường xuyên. Nói là có BHYT nhưng đối tượng như mẹ lại phải chi trả 20%. Hơn nữa, khi đau ốm cũng không thể tự đi chợ, nấu nướng mà ăn được. Ra đây điều trị mẹ thấy rất ấm lòng, ngoài chăm sóc về bệnh tật mẹ còn được chăm sóc cả về ăn uống”…

Và còn rất nhiều những mảnh đời, những nỗi niềm của nhiều bệnh nhân khác nữa. Và với họ, còn rất cần những bữa ăn từ sự sẻ chia và tình yêu thương.

Nỗ lực xây dựng Quỹ “Bữa ăn vì bệnh nhân nghèo”

Trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nên các cơ sở khám chữa bệnh là nơi hiểu về sự khó khăn, vất vả của bệnh nhân một cách sâu sắc nhất. Vì thế, trong thời gian qua, một số Bệnh viện đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng chia sẻ với các bệnh nhân một cách thiết thực. “Quỹ bữa ăn vì bệnh nhân nghèo” ra đời cũng vì mục đích đó.

Các doanh nhiệp ủng hộ Quỹ bữa ăn vì bệnh nhân nghèo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Bác sỹ Nguyễn Viết Đồng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Nhằm chia sẻ bớt khó khăn cho bệnh nhân, động viên bệnh nhân trong quá trình chữa bệnh, Bệnh viện đã cố gắng vận động và ra mắt Quỹ bữa ăn vì bệnh nhân nghèo. Quỹ ra mắt từ ngày 12/1/2012, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ. Tính đến nay đã có trên 100 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ với số tiền gần 140 triệu đồng. Ngoài ra, Công đoàn Bệnh viện cũng vận động các đoàn viên được 8 triệu 680 ngàn đồng. Từ nguồn Quỹ, Bệnh viện đã cấp gần 2000 suất ăn cho bệnh nhân nghèo, bệnh nhân không có người thân; cấp trên 5 triệu đồng tiền mặt cho trẻ sơ sinh mua đường sữa. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân là dân tộc thiểu số, ngoài cấp suất ăn cho bệnh nhân, bệnh viện còn cấp cho người nhà đi theo phục vụ.

Với Bệnh viện Điều dưỡng và PHCN, số lượng bệnh nhân điều trị dài ngày, bệnh nhân có nguy cơ tàn tật chiếm tỷ lệ cao nên việc quan tâm, hỗ trợ bệnh nhân được bệnh viện triển khai từ rất sớm. Hàng năm, Bệnh viện đều trích ngân sách từ Quỹ phúc lợi xã hội của Bệnh viện để hỗ trợ bữa ăn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, do thời gian hỗ trợ kéo dài nên nguồn quỹ có nguy cơ cạn kiệt nên để đảm bảo sự hỗ trợ đối với bệnh nhân bệnh viện đã ra mắt “Quỹ vì bữa ăn cho bệnh nhân nghèo” để kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân “tiếp sức”.

Bác sỹ Nguyễn Thị Diện – Giám đốc bệnh viện Điều dưỡng và PHCN cho biết: Cùng với việc vận động các nguồn bên ngoài, bệnh viện cũng đã xác định lại các đối tượng được hỗ trợ. Trước đây, hỗ trợ bữa ăn cho bệnh nhân nói chung thì nay chỉ hỗ trợ đối với những bệnh nhân nghèo, khó khăn thực sự. Việc xác định bệnh nhân để hỗ trợ, chúng tôi giao cho các khoa, phòng xét từ điều kiện thực tế của bệnh nhân rồi cấp phát phiếu ăn chứ không qua một hủ tục phiền hà nào. Nói chung, tinh thần của Bệnh viện là làm sao để bệnh nhân họ cảm thấy mình được quan tâm, chia sẻ thực sự để có thêm nghị lực đối mặt với bệnh tật”.

Ngân hàng NN&PTNT Hà Tĩnh ủng hộ Quỹ bữa ăn vì bệnh nhân nghèo Bệnh viện Điều dưỡng và PHCN

“Quỹ bữa ăn vì người nghèo” là một hoạt động rất nhân văn, không chỉ thể hiện đạo lý “lá lành đùm lá rách” của dân tộc mà còn nhân lên vẻ đẹp hình ảnh “thầy thuốc như mẹ hiền” trong các Bệnh viện. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, toàn tỉnh mới chỉ có 3 Bệnh viện ra mắt được “Quỹ bữa ăn vì bệnh nhân nghèo”, đó là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Điều dưỡng và PHCN và Bệnh viện Đa khoa thành phố ; một số bệnh viện khác cũng có triển khai các hoạt động hỗ trợ nhưng nó chỉ dừng lại ở từng đợt, chưa duy trì được thường xuyên. Mặt khác, việc huy động nguồn Quỹ cũng còn nhiều hạn chế.

Bữa ăn vì bệnh nhân nghèo là một hoạt động hết sức ý nghĩa, mang giá trị nhân văn sâu sắc, thiết nghĩ, ngành Y tế cần khuyến khích nhân rộng mô hình. Về phía cộng đồng, cần tích cực ủng hộ để các Bệnh viện có thể duy trì tốt hoạt động, để các bệnh nhân nghèo, khó khăn vẫn luôn được “tiếp” thêm nghị lực đối mặt với nỗi đau bệnh tật và tin yêu vào cuộc sống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast