Chặn thuốc kém chất lượng vào bệnh viện

Bộ Y tế cho biết, qua áp dụng quy chế đấu thầu thuốc vào bệnh viện (BV) theo quy định mới (Thông tư 1.2012), một số sở y tế đã giảm chi hàng chục tỉ đồng so với kế hoạch xây dựng trên cơ sở giá trúng thầu năm trước. Điển hình, Sở Y tế Quảng Ngãi tiết kiệm khoảng 28 tỉ (24%); Sở Y tế Quảng Ninh giảm/tiết kiệm được khoảng 40 tỉ (20%); Sở Y tế Hà Tĩnh giảm khoảng 32 tỉ (25%); Sở Y tế Hậu Giang giảm/tiết kiệm được khoảng 57 tỉ (31%)...

Thuốc kém chất lượng sẽ không tồn tại ở các quầy thuốc của bệnh viện? - Ảnh: Ngọc Thắng

Thuốc kém chất lượng sẽ không tồn tại ở các quầy thuốc của bệnh viện? - Ảnh: Ngọc Thắng

Tuy nhiên, phản ánh từ một số BV đầu ngành như Việt Đức, Bạch Mai cho biết một số loại thuốc có thể chỉ rẻ hơn 100 đồng/đơn vị nhưng cũng trúng thầu và thuốc đó chất lượng lại rất kém. Một số thuốc “nhái” có thể rẻ hơn 300% so với thuốc gốc của hãng dược phẩm các nước có công nghiệp dược phát triển nhưng chất lượng rất thấp, tác dụng rất hạn chế qua thực tế điều trị.

Ông Nguyên Minh Thảo, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, xác nhận trước yêu cầu thúc bách về giá rẻ, một số nhà cung ứng thuốc đã tìm kiếm các thuốc có nguồn gốc từ các hãng dược không có uy tín, giá thấp để cạnh tranh giá. Nhà thầu cũng tìm kháng sinh có hàm lượng lạ, dù sản xuất từ hãng dược không uy tín, nhưng vẫn trúng thầu vì “một mình một chợ”. Trong khi kháng sinh thường có hàm lượng 500 mg hoặc 250 mg/viên thì thuốc “mới” này có hàm lượng 350 mg.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Thảo, hiện đấu thầu chưa có tiêu chí xét nguồn nguyên liệu thuốc, trong khi cùng một thuốc nhưng nguyên liệu rẻ kéo theo chất lượng thành phẩm thấp vẫn có thể trúng thầu vì cạnh tranh giá. “Cơ quan bảo hiểm và y tế sẽ tiếp tục điều chỉnh các tiêu chí để đảm bảo thuốc điều trị có chất lượng tốt và giá hợp lý. Ví dụ, sẽ phải yêu cầu về nguồn nguyên liệu sản phẩm tham gia đấu thầu; có điểm chênh lệch cao khi xét thầu với thuốc sản xuất trên dây chuyền hiện đại. Ngay cả thuốc thuộc các hãng uy tín nhưng sản xuất tại nước thứ ba có nhân công rẻ, chi phí thấp cũng cần xem xét chất lượng. Phía cơ quan y tế cũng có trách nhiệm “sàng lọc”, không dễ dãi để thuốc kém chất lượng được lưu hành. Bác sĩ cần kê đơn hợp lý, vì 80% trường hợp điều trị là bệnh thông thường, không phải mọi ca bệnh đều phải dùng thuốc mới, biệt dược có chi phí lớn”, ông Thảo nói.

Theo Thanh niên

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast